(Baonghean) - Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Nghệ An có trên 400 làng, bản có đồng bào dân tộc ít người sinh sống được công nhận danh hiệu Làng văn hóa (LVH). Trong đó có nhiều LVH thuần dân tộc (Thái, Thổ, Mông, Khơ mú). Từ việc xây dựng LVH thuần dân tộc, một số địa phương tiến hành thí điểm mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.
 
Trước tiên, cần khẳng định rằng việc xây dựng LVH thuần dân tộc chính là điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn bản sắc văn hóa. Trong phạm vi một cộng đồng dân tộc, các thành viên có thể dễ dàng tìm được sự thống nhất ý kiến hay tiếng nói chung về việc lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa tổ tiên lưu truyền. Điều này được thể hiện ở chỗ, hầu hết các mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thường gắn liền với những làng văn hóa thuần dân tộc. Điển hình như bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Qùy Châu) lâu nay được biết đến bởi nghề dệt các mặt hàng thổ cẩm của bà con dân tộc Thái. Từ bản Hoa Tiến, mô hình duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm của bà con dân tộc Thái bắt đầu phát triển khắp địa bàn các huyện miền núi như bản Mác (xã Thạch Giám, Tương Dương), bản Piêng Phô - xã Phà Đánh, bản Noọng Dẻ - xã Nậm Cắn, bản Xốp Thặp - xã Hữu Lập (Kỳ Sơn), bản Xiềng - xã Môn Sơn (Con Cuông)...

768162_small_65870.jpg
 Chị em bản Xốp Thặp, xã Hữu Lập (huyện Kỳ Sơn)
kiểm tra sản phẩm dệt thổ cẩm.

Mô hình LVH thuần dân tộc còn là điều kiện để bảo tồn không gian văn hóa. Có thể kể ra một số làng bản của bà con dân tộc Thái còn giữ được cách tổ chức, sắp xếp, bài trí và kiểu kiến trúc cổ như bản Chắn (xã Thạch Giám, Tương Dương), bản Yên Thành (xã Lục Dạ - Con Cuông), bản Piêng Phô (xã Phà Đánh, Kỳ Sơn). Bà con ở những bản làng này cơ bản vẫn còn lưu giữ được những nếp nhà sàn, duy trì được trang phục và nghề truyền thống. Tương tự như các bản của người Thái, bản Huồi Thợ - xã Hữu Kiệm và bản Sơn Hà- xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) hiện vẫn còn lưu giữ được những nét đặc trưng về không gian bản làng của dân tộc Khơ mú và dân tộc Mông. Đặc biệt, bản Huồi Thợ vừa được Nhà nước đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng Nhà văn hóa, nơi lưu giữ các loại đồ vật cổ truyền của đồng bào Khơ mú.
 
Cùng với đó, mô hình LVH thuần dân tộc còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn âm nhạc dân tộc. Việc xuất hiện mô hình các câu lạc bộ Dân ca- Nhạc cụ dân tộc ở một số địa phương trong thời gian qua đều bắt nguồn từ các LVH thuần dân tộc. Tiêu biểu như phong trào văn hóa- văn nghệ ở bản Bộng, xã Thành Sơn (Anh Sơn). Là một trong những LVH đầu tiên của cả nước nên bà con dân tộc Thái ở bản Bộng luôn có ý thức trong việc giữ gìn nếp sống sinh hoạt, đặc biệt là duy trì các làn điệu dân ca cổ truyền. Mô hình CLB Dân ca- Dân vũ ở bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương) bản Huồi Thợ và bản Sơn Hà - mô hình tiêu biểu trong việc bảo tồn âm nhạc cổ truyền của đồng bào dân tộc Khơ mú và dân tộc Mông ở Kỳ Sơn.
 
Trao đổi về vấn đề xây dựng mô hình LVH thuần dân tộc gắn liền với công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, anh Moong Thái Nhi, Phó trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Kỳ Sơn khẳng định: "Cách làm này rất thiết thực vì dễ tạo được sự đồng thuận đối với bà con nhân dân và cũng thuận lợi trong công các chỉ đạo, điều hành. Vì thế, cần tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ thêm cơ sở vật chất và nguồn kinh phí để nhân rộng các mô hình chắc chắn công tác bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc ít người sẽ có được những thành công đáng kể".


Công Kiên