(Baonghean.vn) - Trong những ngày cả nước đang hướng về ngày kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên (7/5/1954- 7/5/2013), chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Tính (Phường Trung Đô- Thành phố Vinh) để được nghe câu chuyện hỏi cung Tướng Đờ- Cát-tơ-ri. Bởi lẽ, ông Tính tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ khi nổ phát súng đầu tiên đến giây phút cuối cùng của chiến dịch và là một trong những người tham gia hỏi cung đoàn tướng tá bại trận của quân đội Pháp trên chiến trường Điện Biên.
Ông Nguyễn Xuân Tính (SN 1930) ở vùng quê Đông Sơn (Thanh Hóa). Thuở nhỏ, ông được gia đình cho học tiếng Pháp, tiếng Trung và sử dụng 2 ngoại ngữ này khá thuần thục. Tròn 20 tuổi, Nguyễn Xuân Tính lên đường nhập ngũ và được bổ sung vào Đại đoàn 312, từng tham gia chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông được cử đi học Trường ĐHSP Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông trở lại phục vụ quân ngũ, công tác ở Phòng Tuyên huấn, rồi Phòng Khoa học Quân sự, Văn phòng Bộ Tư lệnh và Trường Chính trị Quân khu 4.
Ông Nguyễn Xuân Tính ghi lại những hồi ức để truyền cho con cháu
Đến nay, ông Nguyễn Xuân Tính đã bước sang tuổi 83 nhưng ký ức vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những kỷ niệm về chiến dịch Điện Biên, dù đã gần 6 thập kỷ trôi qua. Trong căn nhà nhỏ nép mình dưới chân núi Dũng Quyết, hàng ngày ông Tính vẫn miệt mài ghi chép những mẩu hồi ức để trao truyền cho con cháu đời sau. Theo ông Tính, ngay từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, nhiều người đã xác định đây là cuộc đối đầu mang tầm vóc lịch sử và thời đại. Bởi lẽ, Pháp lúc đó là một đế quốc xâm lược với vũ khí, trang thiết bị phục vụ chiến tranh khá hiện đại. Còn Quân đội nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ cũng đã được trang bị pháo cao xạ, hỏa tiễn cùng ý chí chiến đấu quật cường và khát vọng giải phóng dân tộc đang sục sôi trong huyết quản. Vì thế, những người lính Việt Nam sẵn sàng chịu đựng gian khổ, ăn cơm vắt, ngâm mình dưới hầm sâu, băng qua hàng rào thép gai và lửa đạn của kẻ thù để giành chiến thắng.
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Xuân Tính lúc ấy được phân công làm Tiểu đội trưởng, cùng một đại đội với anh hùng Phan Đình Giót- người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Ông kể: “Toàn đại đội xung phong vượt qua hàng rào thép gai để đánh chiếm công sự của địch. Nhưng công sự địch được bố trí kiên cố, có lỗ châu mai để đứng trong chĩa súng ra ngoài. Vì thế, việc tiếp cận rất khó khăn, mỗi khi quân ta xung phong đều bị tiểu liên, đại liên địch từ lỗ châu mai đánh bật trở lại. Anh Phan Đình Giót vượt qua làn đạn đến được bên cạnh châu mai và chĩa súng bắn vào trong. Anh bị trúng đạn từ trong ra rồi lao đầu vào bịt kín lỗ châu mai, nhân cơ hội đó anh em toàn đại đôi đồng loạt xung phong tiêu diệt lô cốt của địch...”.
Và ông Nguyễn Xuân Tính không thể quên được phút giây ăn mừng chiến thắng, khi hay tin toàn bộ quân pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên đã kéo cờ trắng xin hàng. Sau phút giây hò reo, toàn đơn vị được ăn một bữa cơm thịt hộp- chiến lợi phẩm vừa thu được trong sào huyệt của địch. Sau đó, mỗi người được phát một bộ đồ ka-ki mới rất đẹp, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng mỗi chiến sỹ một chiếc ca có dòng chữ “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”.
Với ông Nguyễn Xuân Tính, kỷ niêm sâu sắc nhất trong cuộc đời quân ngũ là được có mặt trong đoàn quân chiến thắng ở chiến trường Điện Biên, được chứng kiến cảnh Tướng Đờ- Cát-tơ-ri và Bộ tham mưu quân đội viễn chinh Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt làm tù binh. Và vinh dự hơn, do biết sử dụng tiếng Pháp nên ông Tính được chọn vào đội hỏi cung tù binh Pháp. Ông còn nhớ rất rõ chiều tối ngày 7/5/1954, Tướng Đờ- Cát-tơ-ri và Bộ tổng tham mưu của ông bị giải về Sở chỉ huy của Đại đoàn 312. Với bộ quân phục thẳng nếp, dáng ni uể oải, khuôn mặt tái mét, Đờ-Cát tưởng mình đã bị giải về Bộ tổng chỉ huy của ta nên y cúi chào: “Kính chào các ngài! Bộ tổng chỉ huy”.
Ông Lê Trọng Tấn lúc ấy là Tư lệnh Trưởng Đại đoàn 312, một người rất giỏi tiếng Pháp đã cho Đờ-Cát và các sỹ quan thuộc quyền của ông ta ngồi xuống nhưng chỉ có một mình Đờ-Cát ngồi. Thấy vậy, ông Lê Trọng Tấn nhắc lại: “Tôi cho phép tất cả các ông được ngồi”. Một viên sỹ quan liền nói: “Thưa ngài! Thiếu tướng của chúng tôi chưa cho phép ngồi”. Tư lệnh Trưởng Đại đoàn 312 nói: “Không còn tướng tá nào ở đây nữa. Tất cả các ông đã là tù binh nên mọi mệnh lệnh của chúng tôi, các ông đều phải chấp hành”. Lúc đó, tất cả đều ngồi xuống.
Cùng thời điểm này, Bộ Quốc phòng liên tục gọi điện về đại đoàn hỏi tình hình và xác minh người bị bắt có phải là Tướng Đờ- Cát-tơ-ri thật hay không và dặn dò phải điều tra thật kỹ, tránh trường hợp đánh tráo tù binh. Ông Nguyễn Xuân Tính nhắc lại một số tình huống cán bộ ta thẩm vấn Tướng Đờ Cát: “Ông và Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố “Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm” và chính ông đã cho rải truyền đơn mời chúng tôi vào chơi trong cái bẫy giăng sẵn của ông ở Điện Biên Phủ. Nay ông nghĩ thế nào?”. Đờ-Cát chua chát trả lời: “Vâng! Hôm nay chúng tôi đã được gặp các ngài”.
Cán bộ ta hỏi tiếp: “Các anh đánh giá thế nào về lực lượng pháo binh của mình ở Điện Biên Phủ, mà Pi-rốt chỉ huy pháo binh của các ông đã tuyên bố chỉ cần phản pháo 10 phút thì pháo của Việt Minh phải câm họng và sau 2 ngày sẽ nghiền nát chúng tôi?”. Đờ-Cát trả lời: “Chúng tôi không ngờ các ngài đem được pháo hạng nặng lên Điện Biên Phủ và sử dụng có hiệu quả nên đã áp chế được pháo của chúng tôi”. Cán bộ ta hỏi lại một cách mỉa mai: “Phải chăng không nghiền nát được chúng tôi nên Đại tá Pi-ốt đã tự “nghiền nát” mình bằng một quả lựu đạn?”, “Vâng! Pi-ốt đã dũng cảm tự kết liễu đời mình”- Đờ-Cát đáp.
Cán bộ ta lại hỏi: “Ông đã nhận được lệnh của Đại tướng Na-va cho phép phá vây chạy sang Lào, sao các ông không thực hiện?”. Đờ-Cát lại chua chát đáp: “Các ngài đã thắt chặt vòng vây và bố trí lực lượng đón lõng nên chúng tôi không thể mạo hiểm”. Cán bộ ta hỏi: “Không phá vây nghĩa là các ông phải chịu thất thủ, các ông biết điều đó từ khi nào?”Đờ-Cát trả lời: “Khi các ngài cho nổ khối bộc phá lớn ở đồi A1 và khi cho dạo dàn nhạc Xờ-ta-lin thì chúng tôi biết giờ thất thủ đã đến”. (Dàn nhạc Xờ-ta-lin là cụm từ quân Pháp dùng để ám chỉ những dàn hỏa tiễn Cachiusa do Liên Xô sản xuất có sức nóng ngàn độ và sức công phá lớn được bộ đội ta sử dụng ở thời điểm cuối cùng của chiến dịch).
Trước khi phân loại, tách các đối tượng để giải về nơi quy định, cán bộ ta hỏi: “Để khỏi mang danh là viên tướng nòi của một cường quốc bị bắt sống nên Bộ tổng chỉ huy của các ông đã điện yêu cầu ông tự sát, nước Pháp sẽ tri ân và suy tôn ông là anh hùng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông đã hứa tuân lệnh và gửi lời chào vĩnh biệt, sao ông không thực hiện?”. Đờ-Cát phân trần: “Vì tôi thấy mình phải có trách nhiệm ở lại với hàng ngàn thương binh và hàng vạn binh sỹ dưới quyền để chia sẻ và chịu chung số phận với họ”.
Ánh chiều tà đã bao phủ núi Dũng Quyết, cơn mưa đầu hè đang chực kéo đến, chúng tôi tạm biệt ông Nguyễn Xuân Tính. Tiễn khách ra cửa, ông hẹn dịp khác sẽ kể chuyện nhiều hơn về ký ức Điện Biên...