(Baonghean) -Ở chiến trường Trị Thiên mùa xuân sớm 1971, ta giành toàn thắng chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào, rồi mùa hè lửa 1972 giải phóng hoàn toàn Quảng Trị từ Nam sông Bến Hải đến Bắc sông Mỹ Chánh. Tiếp đó, quân ta liên tục chống các đợt phản kích điên cuồng của địch mà nơi quyết chiến là Thành cổ Quảng Trị. Đầu năm 1973, ta đập tan cuộc hành quân lấn chiếm của chúng ra Nam sông Hiếu ở Long Quang, Thanh Hội, Cửa Việt ngay sau Hiệp định Pari ký kết, nay tròn 40 năm.

Suốt thời gian này, anh em báo chí thông tấn Trị - Thiên - Huế mỗi người mỗi hướng đi suốt chiều dài chiến dịch và cũng đầu năm 1973 đó phải tạm dừng tại mố cầu Bắc Quảng Trị - Thạch Hãn. Gặp vội Thanh Phong, phóng viên TTXGP, chúng tôi nhìn nhau một lúc, nắm tay nhau giơ lên trời, hướng bờ Nam sông và thành cổ mờ trong bóng giặc, nói:

- Giữa hai dòng sông gần hai mươi năm, chúng ta mới đẩy được giới tuyến tạm thời vào đến đây, Hiền Lương - Thạch Hãn ơi!

794122_small_95515.jpg

Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trong ngày 30/4/2012.

Chúng tôi hiểu gần hai mươi năm (1954 - 1973), quân và dân ta trải qua biết bao gian khổ, xương máu mới giành lại được hơn ba mươi cây số và phía trước còn hàng nghìn cây số nữa Thạch Hãn, sông Bồ, sông Hương, sông Hàn, Tây Nguyên, Sài Gòn, Vũng Tàu, Cà Mau... Chia tay nhau, chúng tôi lại vội chia tay cùng bộ đội lên các tuyến chốt - nơi bọn địch đang ranh ma lấn chiếm từng tấc đất ở chợ Sải, Tích Tường - Như Lệ, động Ông Do, Cổ Bi, Hiền Sỉ, Bông, Nghệ, Mỏ  Tàu...

Mùa hè 1974, Quân khu Trị Thiên và quân đoàn 2 cùng mở lớp viết tại Trà Liên ngay bên sông Thạch Hãn, nơi vẫn vọng nghe tiếng súng đánh địch lấn chiếm ở chốt chợ Sải. Một chiều, mấy anh em Duy Khán, Vũ Thuộc, Hoàng Nhuận Cầm, Vũ Am... từ Trà Liên vượt qua nắng lửa đến Bắc cầu Quảng Trị. Nơi đây từng chứng kiến bao đợt quân ta vượt sông đi vào cuộc chiến đấu bất tử 81 ngày đêm ở thành cổ, mà nhiều đồng đội đã không bao giờ trở lại, chứng kiến những đợt trao trả anh em ta bị bắt mà trên mình còn hằn sâu những chứng tích tù ngục của Mỹ, ngụy, trở về vùng giải phóng... Chúng tôi cùng đứng lặng trên mảnh đất còn đầy vết chém bom đạn đó, bỗng một người và tất cả cùng nằm xoài xuống hôn vầng đất đầu cầu nóng bỏng, dang cả hai tay ôm mặt đất - bờ sông vào lòng.

Trong giây phút lắng đọng, mọi người như đều ngẫm nghĩ về sông Bến Hải - cầu Hiền Lương đã ở phía sau: “Bây giờ cầu đã bắc qua/ Ván thơm gỗ mới cho ta gặp mình/ Anh về Quảng Trị, Gio Linh/ Trèo lên dốc miếu, lặng nhìn Quán Ngang/ Bời bời cỏ lút đồng hoang/ Chim kêu cành cụt chang chang nắng cồn” (Tố Hữu).

Còn phía trước, sông Thạch Hãn - cầu Quảng Trị sụp đổ đang chờ đợi. Thế rồi lớp viết chưa xong, chúng tôi đều được lệnh về quân khu, quân đoàn đi phía trước với Chiến dịch Xuân Hè 1975. Lúc này ta vừa giải phóng Buôn Mê Thuột làm cho quân địch ở Tây Nguyên kinh hoàng và trên toàn miền hốt hoảng. Lực lượng quân đoàn, quân khu hai tỉnh Nam Bắc sông Truồi, sông Hương, Ô Lâu... tiến vào Phò Trạch, Mỹ Chánh, vùng cánh Nam cắt từ đường 1 ở Phú Lộc, bịt cửa Tử Hiền, Thuận An phối hợp cơ sở nội thành liến chiếm Huế, vượt cầu Tràng Tiền băng qua sông Hương vào Thượng Tứ, Ngọ Môn, tiến thẳng chiếm sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 1 ngụy Mang Cá trưa 25/3, nơi xuân Mậu Thân 1968 ta chỉ chiếm được mảng phía Tây đồn rồi phải rút.

Đến đây, có các phóng viên cùng quê Nghệ - Tĩnh như Ngọc Dân, Quốc Việt... trong đội hình quân đoàn 2 vào giải phóng Đà Nẵng. Trước đó chưa đầy một tuần, bộ đội công binh thực hiện lệnh của Tư lệnh bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên đã bắc xong cầu Quảng Trị, đón hơn 1.000 xe chở lực lượng quân đoàn 1 từ Vinh - Bến Hải vào chiến dịch. Chỉ hơn một tháng sau giải phóng Huế, Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, táo bạo giành toàn thắng trưa 30/4. Từ Quảng Trị đến Cà Mau, hàng ngàn cây số dọc dài đất nước và tận cả Trường Sa, Côn Đảo, Phủ Quốc, Thổ Chu hoàn toàn giải phóng!

Thần tốc, thần tốc, táo bạo, táo bạo là vậy. Đất nước đã liền một dải. Những ngày sau giải phóng, phóng viên Hoàng Nhuận Cầm đã viết bài thơ dài “Giữa hai hàng lục bát”, người đọc cảm nhận như không gian của hai dòng sông Hàn - sông Hương với câu ca dao: “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành”. Một lần, nhân có nhà thơ Huy Cận, anh chị em văn nghệ báo chí giao lưu cạnh sông Hương, cạnh trường Bác Hồ từng học. Có nhiều anh chị em cùng sống trong vùng địch như Trịnh Công Sơn, Võ Quê, Thùy Mai, Trần Phả Nhạc... Giữa phòng họp, Hoàng Nhuận Cầm không cầm giấy, với chất giọng Hà Nội thời “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu” đã đọc từ đầu đến cuối bài thơ dài. Chúng tôi nghe đâu đó có những lời:

- Thơ giải phóng, thơ Bộ đội Cụ Hồ, thơ của Huế, thơ thế mới thật là thơ!

Mấy anh em được giao làm chương trình phát thanh của quân giải phóng Trị Thiên Huế đã chọn thơ Cầm giới thiệu trên đài phát thanh Huế!

Tiếng thơ trên sông Hương, tiếng thơ của dòng sông sức mạnh tháng 5 ấy. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt nam là một. Không có gì quý hơn độc lập tự do! Lời Bác thật thiêng liêng, thật gần gũi giữa lòng thành phố giải phóng - nơi có thời thơ ấu đau buồn, có thời học sinh sôi động của Bác.



Lễ hòa nước 3 dòng sông thiêng đất Việt trong ngày hội thống nhất non sông.

Ngày ấy, đến tận xuân hè này trở lại, trong lòng mỗi chiến sỹ - phóng viên chúng tôi vẫn mãi mãi sâu đậm về những chặng đường, những con người và dòng sông bây giờ đều đã nối đôi bờ vững chãi và đi từ Lũng Cú cực Bắc đến mũi Cà Mau cực Nam, ra tận các đảo xa của Tổ quốc ngày càng nhanh hơn, nhưng vẫn thấy hằn sâu mãi nỗi niềm với đồng bào, đồng chí, đồng đội ngàn năm.

Những dòng sông không bao giờ chịu làm giới tuyến!


Doãn Yến (TP. Vinh)