Gặp người bắt sống phi công Mỹ
Trong một chuyến về công tác ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), chúng tôi may mắn được gặp ông Hồ Đăng Tác - người trực tiếp bắt viên phi công Mỹ nhảy dù xuống vùng biển Quỳnh Lưu vào năm 1966.
Ông Tác (người chỉ tay) kể chuyện bắt phi công Mỹ năm 1966 tại vùng biển Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu).
Sau gần 48 năm, nhưng ông Tác vẫn nhớ như in ngày bắt phi công lịch sử đó: Buổi sáng ngày 3/2/1966, có 2 chiếc máy bay phản lực Mỹ đến oanh tạc khu vực Hoàng Mai, trong đó có 1 chiếc bị không quân ta bắn cháy lúc 12 giờ trưa. Sau khi chiếc máy bay đâm nhào xuống vùng ven biển, có 2 viên phi công Mỹ đang thả dù lơ lửng trên bầu trời, rồi rơi xuống biển. Ông Tác lúc đó là bộ đội thuộc Sư đoàn 325 (QK 4) đang thời gian nghỉ phép tại địa phương (xóm Vân Học, xã Quỳnh Bảng) thì nhận được lệnh, liền cùng một số dân quân địa phương lái 2 con thuyền đánh cá của ngư dân ra bắt sống phi công. Sau 2 tiếng đồng hồ, thuyền ra đến nơi, 2 viên phi công sợ hãi, giơ tay đầu hàng và được các ông kéo lên thuyền an toàn. Trong đó có 1 phi công bị thương ở cánh tay.
Sau khi tịch thu toàn bộ vũ khí và tư trang cá nhân, một dân quân cầm súng của phi công bắn 3 phát chỉ thiên nhằm uy hiếp chúng, nhưng không ngờ đó chính là súng pháo hiệu của phi công Mỹ. Hạm đội Mỹ nhận được pháo hiệu, ngay lập tức có 2 chiếc máy bay trực thăng Mỹ đến áp sát thuyền. Nhìn thấy phi công Mỹ đang ngồi trên thuyền nên chúng chỉ bắn phong tỏa, nhằm uy hiếp chứ không bắn trúng thuyền. Tiếp sau đó, có 5 – 6 chiếc máy bay phản lực Mỹ đến oanh tạc xóm làng Quỳnh Bảng, nhằm không cho lực lượng ta ra chi viện.
Khi máy bay Mỹ áp sát thuyền của ông Tác, một dân quân chỉa nòng súng vào người phi công, ra tín hiệu không được hành động gì, nhưng không may súng cướp cò, làm 1 phi công chết tại chỗ. Suốt 4 giờ đồng hồ vật lộn với máy bay Mỹ trên biển, đến 6 giờ chiều, 2 chiếc thuyền bắt phi công của các ông mới vào đến bờ. 1 viên phi công Mỹ được các ông áp giải đến trụ sở xã để bàn giao cho chính quyền địa phương. Viên phi công đã chết, địa phương chôn cất ở khu vực nghĩa trang của xã.
Bắt được phi công Mỹ, ngày hôm sau ông Tác lên đường trở lại đơn vị nhận nhiệm vụ. Nhờ thành tích của ông, xã Quỳnh Bảng được Nhà nước phong tặng xã Anh hùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ.
Trên trận địa phòng không Tam Quang
Ngọn núi Phòng Không án ngữ dọc Quốc lộ 7A, đoạn qua xã Tam Quang, huyện Tương Dương chính là trận địa phòng không trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây, nhiều thế hệ người con xã Tam Quang nói riêng, huyện Tương Dương nói chung đã bám đất bám rừng, đào hào, tải đạn, ngày đêm thường trực cảnh giới. Đây cũng là trận địa phòng không, nơi ông Phùng Lạc Vinh bắn rơi chiếc máy bay F105 của Mỹ.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, mang dáng vẻ cổ kính, ông Phùng Lạc Vinh với dáng người nhỏ thó nhưng ánh mắt vẫn rất linh hoạt. Nói về những ngày tháng chiến đấu trên trận địa phòng không, ông hào hứng kể lại bằng chất giọng khàn khàn.
Ông Phùng Lạc Vinh – người bắn rơi máy bay Mỹ trên trận địa phòng không Tam Quang (Tương Dương).
Trong kháng chiến chống Mỹ, mỏ than Khe Bố (thuộc địa phận xã Tam Quang) là một trong những trọng điểm ném bom của máy bay địch. Ngày 31/3/1967, Huyện đội Tương Dương quyết định thành lập đơn vị trực chiến, xây dựng trận địa phòng không nhằm bắn phá máy bay địch trước khi chúng ném bom mỏ than. Đơn vị có đến gần 200 người, chia thành nhiều tổ để thay nhau trực chiến. Trong tổ lại chia thành nhiều đội, mỗi đội 3 người, canh gác một vị trí khác nhau. Tổ của ông Vinh gồm ông và ông Trần Thanh Duyên (lúc đó là bí thư chi bộ đã mất) và ông Bùi Văn Thư (xạ đội trưởng phụ trách đơn vị phòng không).
Ông Vinh được cử lên Huyện đội để huấn luyện cách bắn súng, sau đó về hướng dẫn cho anh em trong đơn vị. Ông hăng hái, nhiệt tình và tiếp thu rất nhanh về kỹ thuật ngắm bắn. Sau đó, Huyện đội giao cho đơn vị phòng không 1 khẩu trung liên và 8 khẩu súng trường. Đang lúc luyện tập trên núi thì thấy máy bay địch nhào đến đánh cầu Khe Bố, ông dương súng về phía máy bay. Một loạt đạn liên tục xả ra làm cánh máy bay bị cháy. Một lát sau, thấy trực thăng của Mỹ đến cứu phi công. “Khi ngắm bắn tôi bình tĩnh đến lạ, nhưng bắn xong rồi thì mồ hôi tứa ra, run cầm cập. Tôi không thể tin nổi là mình đã bắn rơi máy bay”. Giọng ông run run vì sung sướng, tự hào. Hai ngày sau, Huyện đội về thu lại khẩu súng đó giao nộp cho Tỉnh đội và giao tiếp cho đơn vị 1 khẩu trung liên, 2 đại liên, 1 thưởng liên, 2 khẩu 12mm7. Sau đó đơn vị trực chiến phòng không được phong tặng Đơn vị Anh hùng, ông Vinh được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công.
Ở cái tuổi 73, trí nhớ của ông đã kém đi nhiều, những mẩu chuyện không còn liền mạch. Ông không có nguyện vọng gì cho riêng mình, bởi với ông, được sống khỏe mạnh đến tuổi này để chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đất nước là may mắn lắm rồi. Nhưng ông vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo lắng khi trận địa phòng không - nơi đã ghi dấu chiến công của cả một thế hệ đang dần bị lãng quên. Không có bia dẫn tích, không có công trình tưởng niệm nào, lớp trẻ sau này còn ai biết để kể lại với hậu thế, để tự hào truyền thống anh hùng của quê hương?