(Baonghean) - Để góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân 1975, cùng với cả nước, Nghệ An quyết vượt qua mọi khó khăn thử thách để giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong khí thế đó, ngày 31/10/1974, Ban Thường vụ Tỉnh ủy NGhệ An dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sĩ Quế đã ra Nghị quyết “Dồn sức người sức của chi viện cho chiến trường Miền Nam”.

Hậu phương lớn của tiền tuyến lớn

Với nhận thức “thực túc, binh cường” để bộ đội ăn no đánh thắng, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An xác định, dồn tất cả lương thực, thực phẩm hiện có để cung cấp cho chiến trường Miền Nam. Nhiều người dân bây giờ hẳn còn nhớ không khí đầy sôi động, hào hứng lúc đó, ai cũng muốn đóng góp công của cho trận chiến cuối cùng này.

Nhờ đó, đầu năm 1975, toàn tỉnh đã huy động được 6.000 tấn lương thực, 300 tấn thực phẩm; bà con nông dân tập thể còn bán và cho Nhà nước tạm vay 18.000 tấn lương thực để tỉnh chuyển gấp vào chiến trường nuôi quân. Trước đó, với phong trào “Mở hội mùa xuân, quân thừa, thóc vượt” cùng với làm nghĩa vụ lương thực thực phẩm với Nhà nước năm 1974 vượt mức, các huyện, thành trong tỉnh phát động toàn dân góp phần nuôi, bồi dưỡng cho hơn 10 nghìn anh em thương binh, bệnh binh và tù binh được trao trả theo Hiệp định Paris về các đoàn an dưỡng đóng trên địa bàn. Trong một thời gian ngắn, bà con nông dân các huyện Yên Thành, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Đô Lương, Tương Dương góp được 9.129 kg thóc, 51.779 kg gạo, 8.373 kg thịt, 1 con bò, 500 kg gà cùng nhiều sản vật khác. Trong đó đồng chí Mão - Bí thư Đảng ủy xã Phú Thành (Yên Thành) ủng hộ 1 chiếc xe đạp thống nhất, 100 kg thóc, 25 con vịt đẻ; ông Nguyễn Bá - một nông dân cũng ở xã này ủng hộ 1 con lợn 75 kg. Đây là sự đóng góp ở mức cao độ bởi vào thời gian đó, bà con nông dân rất thiếu thốn lương thực.

Cũng trong thời gian này, Nghệ An đã huy động hàng vạn lượt nhân công tham gia sửa chữa cầu đường, tuần tra canh gác nhằm bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt cho các chuyến xe chở quân, chở hàng vào chiến trường. Nhờ đó, hàng đoàn quân và trên 1 triệu tấn hàng trên đường qua địa bàn Nghệ An được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

794103_small_95494.jpg

Vận chuyển đạn cho chiến dịch Đường 9 Nam Lào.  Ảnh tư liệu

Một đợt tuyển quân vượt cả chỉ tiêu 2 năm cộng lại

Có thể nói, chưa bao giờ Nghệ An huy động sức người sức của cho chiến trường với mức cao độ và tưng bừng khí thế như thế. Phong trào “tòng quân cứu nước” được phát động rộng khắp trên địa bàn cả tỉnh nhằm thực hiện một quyết tâm đặc biệt: quân số đợt đầu năm 1975 bằng chỉ tiêu cả 2 năm 1975, 1976. Tại huyện Diễn Châu, các xã Diễn Thành, Diễn Tháp, Diễn Lâm, Diễn Hồng…rầm rộ tổ chức  “Hội nghị Diên Hồng” bàn việc “tuyển quân cứu nước” và đạt hiệu quả thiết thực. Đồng chí Phan Huy Kiêm, Bí thư Huyện ủy Diễn Châu thời kỳ đó, nhiều năm sau này còn nhắc lại: “Ngày giao quân ở đây diễn ra ngay sau Tết Ất Mão trong không khí sôi động với cờ xe nườm nượp, trống dong, cờ mở như khai hội. Do đó Diễn Châu không chỉ đạt số quân số được giao bằng cả 2 năm mà còn vượt 12% không là điều ngạc nhiên”.

Từ kinh nghiệm của huyện điểm Diễn Châu, khẩu hiệu “Mừng Đảng, đón Xuân, giao quân vượt trội” được giăng khắp thôn xóm, làng bản, khối phố. Từ vùng núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, tất cả mọi người đều hướng về chiến trường Miền Nam với một niềm tin, một ý chí. Ông Hoàng Duy, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo phục vụ chiến trường trong thời kỳ đó kể lại rằng: “Ấn tượng nhất trong thời kỳ này là Thành phố Vinh, trong 1 ngày giao 1.023 quân, vượt chỉ tiêu 20%, trong đó các khu phố 1, 4, 5 và các xã như Hưng Bình, Hưng Dũng vượt từ 22 đến 25%. Huyện vùng cao Tương Dương thì huy động toàn bộ đoàn viên thanh niên tập trung tại Thị trấn Hòa Bình làm lễ “Ra quân, quyết thắng” để tiễn 800 thanh niên lên đường nhập ngũ. Còn nhiều người cao tuổi ở Quỳnh Lưu hẳn còn nhớ câu nói được rút ra từ kinh nghiệm tuyển quân hồi cuối năm 1974:  “Nhuần nhuyễn như Quỳnh Đôi, sôi nổi như Sơn Hải, nhẫn nại như Nam Yên” được tiếp tục đề cao vào đầu năm 1975.

Cùng với tin thắng trận dồn dập từ miền Nam dội về, tin đến ngày 15/3/1975, Nghệ An đạt 104% chỉ tiêu giao quân của cả 2 năm 1975, 1976, càng làm nức lòng người dân trên quê Bác Hồ kính yêu. Trước đó, 9 tháng đầu năm 1973, tỉnh ta đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân cả năm với số quân 11.073 người (trong đó có 665 nữ chiến sĩ). Năm 1974, Nghệ An được giao 8.000 quân thì đến tháng 10, tỉnh đã đạt 104%.

Ngày này cách đây 38 năm, một cán bộ tỉnh nhắc lại lời Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sĩ Quế nhận xét trong một cuộc họp: “Đây là kết quả cao nhất kể từ năm 1959, năm thực hiện nghĩa vụ quân sự đầu tiên và có thể nói đây là số quân cao nhất được huy động trong một thời gian ngắn trong lịch sử tuyển quân của Nghệ An”.


Việt Long