(Baonghean) - Đây là năm đầu tiên người đứng đầu Chính phủ nước ta có thông điệp đầu năm mới dương lịch (khác với thơ chúc Tết, thư chúc Tết dịp tết cổ truyền) với tên gọi “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”.

Tính từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 - Đại hội đổi mới, đây là một trong số ít những bài viết có sức khái quát lớn, có tầm bao quát rộng rãi đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, đồng thời đặt ra sự cần thiết rằng đã đến thời điểm nhất thiết phải tổ chức một cuộc tổng lực đổi mới toàn diện.

Bài viết đã tạo ra hiệu ứng cực mạnh với hàng loạt các cơ quan báo, đài. Nhiều cơ quan báo chí tổ chức các diễn đàn trao đổi với sự tham gia của nhiều học giả, trí thức, nhà hoạt động chính trị đương chức và đã nghỉ hưu. Đây cũng là sự kiện được các trang mạng xã hội chia sẽ, đón nhận với thái độ tích cực, nhiều tiếng nói phản biện vốn có tiếng là “khó tính” cũng không đứng ngoài cuộc. Vì thế, xét ở khía cạnh hiệu quả tuyên truyền mà trước hết là tạo hiệu ứng dư luận xã hội, bài viết đã đạt được thành công lớn. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này chúng tôi chỉ mạnh dạn nhìn nhận ở khía cạnh thời điểm, “điểm rơi” mà người đứng đầu Chính phủ - tác giả đứng tên bài viết đã cân nhắc, lựa chọn để đưa ra thông điệp quan trọng, tạo được sự kỳ vọng của toàn xã hội.

Trước hết, đối với người ưa nhìn nhận ở phương diện “hành chính”, bài viết xuất hiện ngay trong ngày bản Hiến pháp sửa đổi 2013 chính thức có hiệu lực (ngày 1/1/2014), nên đó có thể coi là sự hưởng ứng của người đứng đầu cơ quan hành pháp đối với đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất do cơ quan lập pháp ban hành. Chưa bàn về khuôn khổ, độ rộng hẹp của “tấm áo” Hiến pháp sửa đổi, nhưng có thể thấy bài viết có thể ví là tinh thần, thái độ “nhận áo” và “mặc áo” một cách kịp thời, đồng thời có ý nghĩa làm sâu sắc thêm những nội dung cơ bản được điều chỉnh mới hoặc được khẳng định lại một cách sâu đậm hơn trong bản Hiến pháp sửa đổi 2013.
 
Bài viết có tinh thần đổi mới mạnh mẽ và toàn diện này có thể coi là sự hô ứng xuất hiện gần như đồng thời với tinh thần cốt lõi của bản Hiến pháp sửa đổi mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu: “Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới” và việc ban hành Hiến pháp sửa đổi 2013 là “sự kiện có tính chất lịch sử của thời kỳ mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển.... Điều đó cho thấy tinh thần, ý chí khởi xướng việc thực hiện đổi mới toàn diện trong bài viết hoàn toàn nằm trong khuôn khổ “không gian hiến định mới”, đó là căn cứ cao nhất để đảm bảo tính hợp hiến và hợp pháp của việc bàn đến sự đổi mới đất nước tại thời điểm này.
 
Tuy nhiên, nếu chỉ thuần túy là thời điểm phù hợp về mặt pháp lý, chưa hẳn bài viết đã tạo nên sự quan tâm đối với toàn xã hội như vậy. Quan trọng hơn, bài viết đã xuất hiện vào thời điểm hầu như toàn Đảng, toàn dân, tất cả các tầng lớp trong xã hội đều cảm thấy và nhận ra chúng ta đã tiến đến gần điểm cuối của một chu kỳ vận động và phát triển mà yêu cầu phải tái thiết, đổi mới xuất hiện như một điều tất yếu không thể nào cưỡng lại được.
 
Trong đó, các vấn đề cơ bản được chỉ ra cần phải tập trung đổi mới đều là những vấn đề trong đời sống hiện thực đã vận động đến giai đoạn phơi bày và bộc lộ những điểm cơ bản của sự trì trệ, lạc hậu, với vô số những yếu kém, khuyết điểm trái ngược với những mục tiêu tốt đẹp mà chúng ta đề ra và hướng tới, gây phân tâm trong cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cản trở, gò bó, níu kéo và trói buộc, làm suy kiệt nhiều nguồn lực, lợi thế, làm giảm sức cạnh tranh cũng như bó hẹp quy mô của nền kinh tế nước ta. Đó là các vấn đề về thể chế, dân chủ, Nhà nước Pháp quyền, cơ chế thị trường, xây dựng nông thôn… Trong đó, có thể xem vấn đề trọng tâm, trước tiên và xuyên suốt mà bài viết nêu ra là vấn đề “hoàn thiện thể chế”, đổi mới thể chế.
 
Thời điểm mà bản thông điệp xuất hiện, cũng là thời điểm gặp gỡ, kết tụ của những tiếng thở dài, những phát ngôn bày tỏ sự hoài nghi về năng lực, hiệu quả của nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực trong tổng thể những hành động quản lý và phục vụ của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các chức năng của mình đối với xã hội, từ cơ chế, chính sách cho đến tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức, viên chức… Có lẽ chưa bao giờ, từ hội nghị Trung ương, nghị trường Quốc hội, đến các diễn đàn báo chí, các sinh hoạt tư tưởng chính thức và không chính thức, trong và ngoài Đảng, từ cán bộ lãnh đạo cao cấp cho đến cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân ở cơ sở, đều gặp nhau trong những phát ngôn đối với những yếu kém, bất cập của thể chế hành chính.
 
Thậm chí dưới thì nghi ngờ trên và trên lại đổ lỗi cho dưới, người ngoài cuộc thì “lắc đầu quầy quậy” còn bản thân người trong cuộc cũng cảm thấy phải hứng chịu vô số những chuỗi bất cập về giá trị ngang nhiên tồn tại và có nguy cơ thay thế, lấn át các chân giá trị. Đó là những cơ sở thực tiễn, những đòi hỏi thực tiễn nhất thiết phải thực hiện một cuộc đổi mới. Do đó vấn đề đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới về thể chế lúc này trở nên cần thiết chẳng khác gì nước đối với người khát, mưa đối với đất hạn. Vậy nên thông điệp này đã chạm đến những nhu cầu, nguyện vọng sâu xa trong sâu thẳm mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đối với khát vọng chấn hưng đất nước, đối với việc thay đổi vận nước.
 
Đánh giá cao, ghi nhận thỏa đáng những thành quả, kết quả vô cùng quan trọng mà công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đem lại, nhưng bằng cái nhìn biện chứng, khách quan, thông điệp cũng chỉ ra rằng “động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển”. Tức là năng lượng tạo ra động lực cho hành trình đổi mới sau gần 3 thập kỷ giờ đã cạn. Và đây chính là thời điểm, là lúc mà người đứng đầu Chính phủ đã dũng cảm, sáng suốt, đứng trong thể chế hiện tại mà vượt lên chính nó để đem đến thông điệp quan trọng: “Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”.
 
Tuy nhiên, đưa ra thông điệp đổi mới cũng chỉ có thể coi như gửi chìa khóa để mở ra con đường đổi mới chứ chưa thể đã có ngay sự đổi mới. Để những thông điệp đó thành hiện thực, thành quá trình chuyển động, bứt phá mạnh mẽ cần phải có “thực tâm đổi mới” và “đồng lòng hành động” từ những người lãnh đạo cao nhất đến toàn thể nhân dân thì mới mong vượt qua được những khó khăn hiện tại. Bản thân mỗi người phải tự đổi mới chính bản thân mình để vươn lên, kết nối và tạo dựng thành quá trình đổi mới toàn diện từ bên trong ra bên ngoài, đồng tâm hiệp lực trên dưới cùng chung ý chí, chung quyết tâm và hành động đổi mới. Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A có một đề xuất đáng chú ý: “Muốn chuyển sang trạng thái khác thì cần phải tìm một điểm để kích vào đó. Cái điểm để lật trạng thái là tạo dựng niềm tin cho người dân. Điều quan trọng là tính tích cực của người dân và trí thức”. 
 
Quả vậy, đổi mới thành công hay không đều phụ thuộc vào mỗi chúng ta. Dẫu sao, lịch sử đã đưa chúng ta đến với “phòng chờ” bước vào một hành trình đổi mới tổng lực và toàn diện. Chìa khóa đã tra và cửa đã mở, tuy nhiên, việc bước ra khỏi “phòng chờ” và đi lên con đường đổi mới ở phía trước nhanh hay chậm, thành hay bại, điều đó phụ thuộc vào chính bước chân của chúng ta! 
 
Ngô Kiên