(Baonghean) - Nghị quyết Hội nghị TƯ 8 đã đặt ra yêu cầu cho ngành GD-ĐT “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh” và “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học”.
Thực hiện nghị quyết TƯ 8, Bộ GD-ĐT đã đưa ra Dự thảo Thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, dự thảo thi tốt nghiệp năm nay phân chia học sinh thành 2 bộ phận : 1 bộ phận phải thi (khoảng 80%) và 1 bộ phận được miễn thi (khoảng 20%). Vì sao có sự phân chia này và sự phân chia đó hay dở thế nào chúng ta sẽ bàn luận sau. Trước hết, ta hãy xét về sự đổi mới thi cử theo tinh thần của dự thảo lần này. Từ trước đến nay, tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 6 môn bắt buộc thì lần này, thí sinh chỉ phải thi 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, còn lại 2 môn thí sinh được quyền tự chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Như vậy, tất cả chỉ có 4 môn thi. Ngoài ra, học sinh có thể đăng ký thi thêm môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp (bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm, 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm, 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm).
Rõ ràng, sự giảm thiểu số môn thi tốt nghiệp THPT đã đáp ứng yêu cầu giảm tải, giảm áp lực thi cử cho học sinh đáp ứng yêu cầu đề ra của Nghị quyết TƯ 8. Đồng thời, chúng ta cũng thấy, tinh thần hướng nghiệp cho học sinh cũng được phản ánh qua việc tự chọn các môn thi không bắt buộc. Hơn nữa, việc học sinh được phép tự chọn môn thi tốt nghiệp cũng giúp các em tập trung vào việc học những môn mà các trường đại học do các em lựa chọn sẽ thi hoặc tuyển sau này. Có một vài ý kiến cho rằng, nên để môn Ngoại ngữ vào diện phải thi . Nhưng xét kỹ, Ngoại ngữ là môn học rất cần cho các chuyên môn, các ngành nghề, ở cấp THPT trình độ học sinh còn rất hạn chế, nên dành việc thi cử cho các cấp học có chuyên môn cao hơn. Nhìn chung, Dự thảo đổi mới của Bộ GD-ĐT về thi tốt nghiệp THPT lần này rất được học sinh và các bậc phụ huynh hoan nghênh, tấn đồng, đặc biệt là khâu giảm tải môn thi. Tuy vậy, vấn đề 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp còn gây nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến trái chiều.
Theo dự thảo, ngoài diện được miễn thi theo quy chế hiện hành, Bộ GD-ĐT dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Nói “kết quả học tập, rèn luyện tốt” thì rất nhiều người lo rằng vấn đề “học bạ đẹp” sẽ là căn cứ để nhà trường xét miễn thi tốt nghiệp cho học sinh. Người ta e ngại là mầm mống của tiêu cực sẽ phát sinh từ quy định này. Nếu quy định học sinh có “kết quả học tập, rèn luyện tốt” sẽ được miễn thi tốt nghiệp thì e rằng việc chạy điểm, chạy lời phê trong học bạ sẽ làm cho việc công nhận tốt nghiệp thiếu minh bạch, thiếu công bằng. Nhiều người cho rằng, quy định như vậy là tạo ra kẽ hở cho tiêu cực mọc lên, rất đáng lo ngại. Nếu học sinh đã có “học bạ đẹp”, tức là đã học giỏi thì học sinh đó còn sợ gì phải thi tốt nghiệp THPT? Do đó, nhiều người nghĩ rằng, không cần phải đặc cách miễn thi cho các thí sinh có “học bạ đẹp” mà vô tình gây ra những sự tiêu cực không đáng có. Họ cho rằng, Bộ GD-ĐT nên bỏ quy định đó. Cảnh giác với tiêu cực là không bao giờ thừa!
Thạch Quỳ