(Baonghean) - Ngày 7/1 vừa qua, tại phiên giải trình trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Bộ trưởng Bộ Công thương đã làm cho nhiều người sửng sốt và nghi ngại về một giải pháp, được ông cho là hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả tràn lan như hiện tại. Theo ông, sở dĩ hàng lậu, hàng giả vượt qua vòng kiềm tỏa của các lực lượng chức năng là do quân số mỏng, trang thiết bị yếu nên không kiểm soát được hết. Vì thế, giải pháp hay và hiệu quả nhất là xin Quốc hội đồng ý tăng, biên chế cho lực lượng chống buôn lậu thêm khoảng một nghìn người.
 
Hãy khoan chưa vội bàn đến việc xin tăng thêm biên chế là đi ngược chủ trương của Đảng và góp phần làm vỡ kế hoạch, lộ trình giảm biên chế của Nhà nước mà chính ông là một trong những người có trách nhiệm cao phải thực hiện; cũng chưa vội bàn chuyện nếu có thêm một nghìn người đó có thể xoay chuyển được tình hình. Mà chúng ta thử cùng nhìn nhận xem có đúng chống buôn bán hàng lậu, hàng giả không hiệu quả là do thiếu người hay không. Nếu tính đúng, tính đủ thì lực lượng có chức năng, nhiệm vụ chống hàng lậu, hàng giả phải lên đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm nghìn người. Từ Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng cho đến quản lý thị trường rồi một số bộ, ngành khác có các cục, vụ có trách nhiệm liên quan. Đành rằng, mỗi cơ quan hoạt động một cách độc lập theo chức năng và nhiệm vụ được giao của ngành, nhưng nếu biết phối hợp chặt chẽ thì đây là một lực lượng khá đông đảo.
 
Như vậy không thể nói là “lực lượng mỏng” được. Mà chỉ có thể nói là chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hoạt động chưa hiệu quả nên mới để hàng lậu, hàng giả tràn lan trên thị trường. Mà hoạt động chưa hiệu quả thì có thể là do trình độ, năng lực chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và cũng có thể là do có tiêu cực. Nặng thì là thông đồng, tiếp tay, mà nhẹ thì là nhắm mắt làm ngơ để trục lợi của một số cá nhân hoặc là cả một tổ chức. Một điều đáng lưu tâm là việc phát hiện hàng lậu, hàng gian không quá khó, không đòi hỏi phải có trình độ cao siêu hay máy móc tinh vi mới phát hiện được. Mà chỉ cần bằng mắt thường, người thường, không có nghiệp vụ chuyên môn cũng có thể phát hiện được. Bởi lẽ, những mặt hàng đó không phải là “cái kim, sợi chỉ” dễ giấu diếm và khó tìm mà là những đồ vật rất to, lồ lộ giữa thanh thiên, bạch nhật.
 
Được vận chuyển bằng sức người hay xe máy, ô tô, tàu thuyền thồ từ vài chục kg cho đến hàng chục tấn, đi lại trên những con sông, con đường lớn hoặc trên biển cả. Và dù hàng lậu, hàng giả có “như suối ngầm trong đất chảy trăm nơi” thì cuối cùng, đều có những điểm trung chuyển, tập kết để sau đó xé lẻ tỏa đi các nơi khác theo mạng lưới. Một đặc điểm chung là các điểm tập kết đó hoặc là gần biên giới hoặc là gần các thành phố lớn, có sức tiêu thụ cao. Vì thế, ở một số tỉnh biên giới phía Bắc hay Tây Nam bộ và ở một số địa bàn vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội người dân có thể biết một cách rành rẽ, những ông trùm nào, “đầu nậu” nào chủ quản mạng lưới buôn lậu mặt hàng gì.  Trong khi đó lực lượng chống hàng lậu, hàng giả thì không rõ là vô tình hay cố ý? Nói thật là nếu đập tan các điểm tập kết, điểm trung chuyển và tóm chặt mấy “đầu nậu” thì không cần phải có quá nhiều người và hàng lậu, hàng giả cũng không thể “lộng hành” như hiện nay.
 
Tại phiên điều trần, ông bộ trưởng cũng đã thừa nhận là “chắc chắn là không thể không có” tiêu cực. “Nhưng theo chúng tôi, đó chỉ là thiểu số, nếu không thì mặt trận này không thể đạt kết quả như báo cáo”. Cứ cho nhận định của ông bộ trưởng là đúng, tiêu cực là thiểu số, sao hàng lậu, hàng giả trên thị trường luôn là con số nhiều và rất nhiều. Còn “đạt kết quả như báo cáo” thì đó là so với báo cáo còn so với thực trạng thì nằm ở mức độ nào. Điều này không cần bàn cãi mà chỉ nhìn vào thực tế lượng hàng lậu, hàng giả tràn ngập từ thôn quê đến thị thành thì đủ biết “kết quả như báo cáo” nằm ở tầm mức nào.
 
Và nếu đúng như lời ông bộ trưởng nói tiêu cực trong lực lượng chống hàng lậu, hàng giả là sốt ít mà kết quả chống hàng lậu, hàng giả vẫn không cao thì điều đó chứng tỏ các lực lượng đó chưa làm hết nghĩa vụ,  trách nhiệm của mình. Mà nói chính xác là thiếu trách nhiệm. Mà một khi đã không có đầy đủ ý thức, trách nhiệm thì dẫu có bao nhiêu người thì kết quả cuối cùng vẫn vậy thôi. Thêm một nghìn người hay thêm mười nghìn người thì cũng không có ý nghĩa gì. Buôn lậu hoành hành là còn do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. “Buôn lậu hàng chục tỷ đồng mà chỉ phạt đến 10 triệu đồng thì không thể răn đe” cũng không đúng nốt. Phạt nhẹ nhưng thu sạch hàng hóa, mất cả vốn lẫn lời thì cũng là nặng rồi còn gì. Do đó, không thể đổ lỗi cho  hàng lậu, hàng giả tung hoành khắp nơi là do mỏng lực lượng, mỏng chế tài mà cái chính là mỏng trách nhiệm. Đó chính là cái gốc của vấn đề cần được quan tâm, giải quyết thấu đáo và triệt để.
 
Duy Hương