(Baonghean) - Với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, những năm gần đây, cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) ở Nghệ An có nhiều chuyển biến trong công tác định hướng, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, với hơn 5 năm hoạt động, dự án Poris - “Giảm nghèo thông qua tăng cường năng lực thể chế tại huyện Quỳ Châu và cấp tỉnh Nghệ An” từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam đã góp phần tích cực xây dựng lộ trình chuẩn hóa lập kế hoạch cấp xã.
 
Với địa bàn rộng nhất cả nước, Nghệ An có 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 480 đơn vị hành chính cấp xã. Sự phức tạp của địa hình, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nên các địa bàn xã có sự khác biệt về điều kiện phát triển hay nói đúng hơn là sự chênh lệch rõ rệt giữa các huyện, xã vùng đồng bằng và miền núi, nhất là các huyện miền núi cao còn rất nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, với nguồn đầu tư của Nhà nước, huy động thêm các nguồn đầu tư xã hội, khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền đang dần thu hẹp. Tuy nhiên, công tác điều phối các nguồn lực cho phát triển của tỉnh còn những hạn chế nhất định. Một trong những lý do cơ bản đó còn có sự bất cập trong công tác quy hoạch, huy động nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là việc lập kế hoạch phát triển tại các địa phương còn những yếu kém, tồn tại. 
images1006417_1.jpgĐồng chí Lê Xuân Đại thăm hỏi bà con TĐC Thủy điện Hủa Na. Ảnh: thành duy
 
Nhận thức được hạn chế này, trong nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, các huyện tăng cường đầu tư phát triển ở các xã thể hiện qua việc kết hợp các nguồn dự án, chương trình quốc gia và các dự án tài trợ trong, ngoài nước. Những nỗ lực đó từng bước giúp bà con các dân tộc trong tỉnh cải thiện điều kiện sống, vừa tạo cơ sở hoàn thiện khung chính sách liên quan đến kế hoạch phát triển KT-XH. Từ năm 2010 đến nay, công tác nghiên cứu chính sách, đổi mới cơ chế lập kế hoạch phát triển KT-XH địa phương, đặc biệt là cấp xã đã có những khởi sắc do có sự tham gia hỗ trợ của nhiều đơn vị, tổ chức, dự án, như: Dự án Poris, Dự án VIE028 của Luxembourg, dự án của tổ chức Oxfam, tổ chức SNV... Có 6 huyện tham gia vào các vùng dự án và thực hiện thí điểm đổi mới công tác kế hoạch phát triển KT-XH cấp xã, huyện.
Người dân xã Châu Hạnh, làm đường bê tông vào bến đò Kẻ Nính. Ảnh: Nguyễn Hải
 
Nhìn chung, phương pháp lập kế hoạch đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, được triển khai với mức độ đồng thuận rất cao. Nhân dân các địa phương tham gia tích cực vào quá trình lập kế hoạch tại địa phương, nhu cầu bức thiết của các cộng đồng đã được phần nào lồng ghép vào các chương trình thúc đẩy phát triển như 30a, 135 và các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Quá trình đó, có sự hỗ trợ kịp thời của dự án “Giảm nghèo thông qua tăng cường năng lực thể chế tại huyện Quỳ Châu và cấp tỉnh Nghệ An” (Poris). Dự án này được Sở Kế hoạch và Đầu tư và huyện Quỳ Châu quản lý với nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Bỉ và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam. Mục đích của dự án là giúp các xã giảm nghèo thông qua việc tăng cường năng lực về công tác lập kế hoạch và điều hành trong thời gian 5 năm, từ tháng 9 năm 2009 đến tháng 9 năm 2014. Các hợp phần của dự án như tập huấn nâng cao trình độ cán bộ xã; hỗ trợ kinh phí lập kế hoạch từ thôn, bản đến xã; hỗ trợ các mô hình kinh tế, xây dựng các công trình phúc lợi... Những tương tác đó góp phần đáng kể xúc tiến phát triển kinh tế, xã hội hướng tới người nghèo thông qua hỗ trợ cải cách hành chính công các cấp, trong đó, cấp xã là cấp gần dân nhất. Dự án Poris đã dựa trên nguyên tắc cấp xã gần gũi với người dân, là đơn vị có thể xác định đúng nhất các ưu tiên và giải quyết tốt nhất nhu cầu của người dân. 
 
Sau hơn 5 năm triển khai trên địa bàn các xã, thị trấn, dự án cùng với Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì thực hiện, có nhiều điều chỉnh phương pháp lập kế hoạch phát triển KT-XH theo hướng ngày càng hợp lý hơn với điều kiện của tỉnh. Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận, đánh giá những kết quả mà chương trình nâng cao thể chế cấp xã đã thực hiện, qua đó, tổng kết các bài học nhằm tiếp tục có những chính sách mới đối với công tác kế hoạch phát triển KT-XH ở mỗi địa phương. Quá trình theo dõi hoạt động của Dự án Poris, chúng tôi thấy có những vấn đề đáng khuyến khích. Đó là:
 
Thứ nhất: Dự án đã xây dựng được hệ thống quản lý, sổ tay lập kế hoạch cấp xã tại huyện Quỳ Châu, có tác động rõ rệt đến hiểu biết, trách nhiệm của cán bộ xã và sự tham gia nhiệt tình của đông đảo đồng bào các dân tộc trong công tác lập kế hoạch, tham gia đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở và vận hành, bảo dưỡng công trình hạ tầng quy mô nhỏ. 
 
Thứ hai: Thông qua hoạt động, dự án góp phần đánh giá năng lực thể chế và nghiên cứu phát triển kinh tế địa phương; đồng thời đánh giá về thực trạng cung cấp dịch vụ công, cũng như việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế cấp xã ở huyện Quỳ Châu một cách chi tiết hơn. 
 
Thứ ba: Dự án Poris đã cùng với Sở KH&ĐT, phối hợp với các nhà tài trợ Oxfam Hồng Kông (OHK), LUXDEV, SNV trên địa bàn tỉnh Nghệ An để hoàn thành việc xây dựng được quy trình đổi mới lập kế hoạch cấp xã và đã áp dụng thí điểm trên địa bàn 5 huyện miền Tây (Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương) và 1 huyện đồng bằng - Nghi Lộc. Bộ quy trình này đang được Sở KH&ĐT soạn thảo, tham mưu cho UBND tỉnh có thể ban hành áp dụng cho tất cả các xã. 
 
Thứ tư: Đây là một trong những đóng góp nổi bật nhất về mặt chính sách của dự án đối với Nghệ An, cùng với Nhóm nghiên cứu “Quy trình Kế hoạch cấp tỉnh” do Sở KH&ĐT chủ trì, hoạt động thí điểm triển khai Quy trình Lập kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm cấp xã đã được dự án hỗ trợ thực hiện thành công và thể chế hóa thành quy định chung về công tác kế hoạch cấp xã, áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh từ 2014. UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 811/QĐ-UBND ngày 7/3/2014 và được áp dụng trong toàn tỉnh bắt đầu từ kỳ lập kế hoạch năm 2015 trở đi. Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Sở KH&ĐT đã phối hợp với các chương trình, dự án tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp tỉnh, huyện trong công tác lập kế hoạch và cải cách hành chính; tiến hành tập huấn cho cán bộ xã áp dụng đổi mới quy trình lập kế hoạch phát triển KT-XH của các xã trên toàn tỉnh. 
 
Trong thời gian tới, tiếp nối những kết quả triển khai của dự án, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện về mặt kỹ thuật của các quy trình; bên cạnh đó, chỉ đạo nghiên cứu các cơ chế giúp tăng cường tính bền vững của phương pháp lập kế hoạch mới như: tăng cường sự gắn kết kế hoạch giữa cấp xã và huyện, thí điểm một số mô hình phân cấp ngân sách trực tiếp cho cấp xã thông qua hình thức cộng đồng thực hiện, chính quyền quản lý cũng như thể chế hóa công tác đào tạo trong các đơn vị đào tạo của tỉnh. Hoạt động này được dựa trên nền tảng của những kết quả đạt được trong đổi mới kế hoạch cấp xã đã triển khai trong giai đoạn vừa qua. Từ đó, đẩy mạnh xã hội hóa công tác kế hoạch, thay đổi tư duy lập kế hoạch từ thụ động sang chủ động dựa trên nguồn lực nội tại và huy động tối đa các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án quốc tế, quốc gia... đầu tư có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã.
 
Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
 
Tại sao cần lập kế hoạch từ cấp xã?
 
Cấp xã là cấp gần dân nhất, mọi sự đổi mới trong cách thức quản lý của chính quyền sẽ có tác động trực tiếp đến nhân dân và dễ dàng được người dân ủng hộ.
 
Để cải thiện hiệu quả chỉ đạo điều hành phát triển KT-XH tại tỉnh, UBND tỉnh hoàn toàn có thể chủ động ra quy định về công tác kế hoạch cấp xã, huyện trên địa bàn tỉnh.
 
Đổi mới kế hoạch cấp xã không đòi hỏi nhiều điều chỉnh trong cách chỉ đạo điều hành của Nhà nước, chỉ đơn giản là tạo cơ chế để đề xuất của cơ sở được phản ánh nhiều hơn trong các quyết định đầu tư của Nhà nước.
 
Đổi mới kế hoạch giúp nâng cao năng lực cho không những đội ngũ cán bộ cơ sở mà còn giúp cho cán bộ huyện, tỉnh có thêm nhiều kiến thức về cấp cơ sở, tạo điều kiện để các chính sách của tỉnh, huyện trở nên gần dân hơn.
 
Các bước lập kế hoạch cấp xã
 
Bước 1:Ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn xây dựng kế hoạch: Ban hành văn bản chỉ đạo, Tổ chức hội nghị triển khai thu thập thông tin.
 
Bước 2: Thu thập và tổng hợp thông tin: Thu thập thông tin từ thôn; Thu thập thông tin từ các ban ngành, đoàn thể; Thu thập thông tin từ trên.
 
Bước 3: Tổng hợp kế hoạch xã: Tổng hợp khung kế hoạch xã, Nhập dữ liệu và tổng hợp trên máy, Đánh giá tính khả thi của hoạt động đề xuất và cơ cấu nguồn vốn, Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
 
Bước 4: Thảo luận, thông qua dự thảo kế hoạch và báo cáo cấp trên: Tổ chức hội thảo kế hoạch tại xã, Cập nhật và hoàn chỉnh dự thảo sau hội thảo, Gửi bản kế hoạch lên cấp trên để rà soát, tổng hợp vào kế hoạch ngành đồng thời phản hồi lại cho cấp xã.
 
Bước 5: Tổ chức tham vấn, phản hồi và hoàn thiện bản kế hoạch: Tham vấn, Cập nhật thông tin, hoàn thành bản dự thảo kế hoạch.
 
Bước 6:Hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền thông qua và tổ chức chỉ đạo thực hiện - Pháp lý hoá bản kế hoạch đã được lập.