(Baonghean) - Tân Hương là xã 135 của huyện Tân Kỳ, được thành lập năm 2009 điều chỉnh địa giới từ các xã Kỳ Sơn, Nghĩa Hành, Hương Sơn. Thời điểm mới thành lập tỷ lệ hộ nghèo rất cao (43%), nhưng nhờ đội ngũ cán bộ sâu sát dân, nêu gương cho dân nên xã vùng giáo Tân Hương đã có những chuyển biến đáng ghi nhận…
Chăm lo phát triển kinh tế
Chúng tôi về xã Tân Hương, một xã vùng giáo nằm ven đường mòn Hồ Chí Minh. Dẫu nắng hè còn gắt, song bà con Tân Hương vẫn cần mẫn đội ô, che bạt ươm cây giống chuẩn bị cho trồng rừng vụ thu. Trải dài hai bên đường mòn là những mảng xanh mơn mởn của cây non đang được ươm mầm, từng bàn tay thoăn thoắt đảo chỗ, dồi bầu tuyển lựa, ươm hạt, cắt cành, sàng đất… Gia đình anh Nguyễn Ngọc Luyện ở xóm 6, nhờ nhạy bén đầu tư hệ thống tưới pep cho mấy sào cây giống nên cây non không bị chết. Theo tính toán của anh Luyện, trồng keo giống cho thu nhập gấp 5 - 6 lần trồng lúa, vì vậy nhờ keo mà nhiều gia đình đã làm được nhà mới, mua ô tô, nuôi con học đại học. Ông Nguyễn Hữu An, xóm 6 là những hộ làm cây giống đầu tiên ở Tân Hương, thấy làm ăn được, ông An bày cho các con đầu tư ươm giống, dần dần trở thành những hộ làm cây giống chủ lực ở Tân Hương. Hiện nay Tân Hương có hơn 80 hộ ươm cây giống, là một nghề thế mạnh của xã. Cây giống của Tân Hương được tiêu thụ đi nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Từ làm keo tự phát, nông dân Tân Hương còn đầu tư khoa học kỹ thuật để ươm keo cành, keo hạt, đầu tư kỹ thuật để keo giống có tính cạnh tranh trên thị trường. Nhiều hộ vừa làm keo giống vừa trồng rừng, coi đây là hướng làm ăn bền vững.
Kinh tế phát triển, Tân Hương chăm lo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Xây dựng được đường nội xã trị giá 27 tỷ đồng, xây dựng được 2 Trường Tiểu học Tân Hương 1 và Tân Hương 2, hai phân hiệu trường mầm non. Hiện 2 trường tiểu học trên địa bàn đã đạt chuẩn quốc gia. Xã có trạm y tế 2 tầng đạt chuẩn, một đài phát thanh xã và 6 cụm phát thanh ở cụm xóm. Hệ thống thủy lợi đảm bảo cho sản xuất lúa cũng được quan tâm đầu tư. Ngoài Trạm bơm Làng Rào được duy tu sửa chữa, xã đang được xây dựng mới một trạm bơm nữa để dẫn nước từ hệ thống Thủy lợi Bản Mồng, đầu tư sửa chữa hồ Lành Ngạch, đập Ba Đồng, góp phần sản xuất lúa 1 năm 2 vụ, năng suất đạt 5 - 5,5 tấn/ha, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Ông Lê Đình Dũng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đảng bộ xã thường xuyên chăm lo đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn bằng lồng ghép các chương trình, dự án, huy động nội lực, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế để nâng cao thu thập cho đồng bào. Nhờ vậy, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo từ 43% năm 2009 giảm còn 18% năm 2014. Bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng thì Tân Hương cũng đang củng cố hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, để trở thành một trong những xã vùng giáo khởi sắc của huyện Tân Kỳ.
Cán bộ bám dân
Thực hiện Kết luận 09 KL-TU ngày 15/12/2006 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo, Huyện ủy Tân Kỳ đã ban hành kế hoạch củng cổ hệ thống chính trị xã Tân Hương, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ từ xã đến xóm, những hạn chế của tổ chức chi bộ đảng, các đoàn thể chính trị, xã hội, bằng các giải pháp cụ thể.
Để đảm bảo không có “chi bộ trắng”, Tân Hương đã tăng cường chuyển cán bộ, đảng viên từ xã xuống sinh hoạt tại các chi bộ xóm, từ xóm này sang xóm khác, đặc biệt là các xóm giáo nhưng chưa có chi bộ để tăng cường. Xã đã điều Phó Ban CHQS xã về làm Bí thư Chi bộ xóm 13, điều Bí thư chi bộ xóm 10 về làm Bí thư Chi bộ xóm 12, điều một đồng chí Phó Công an xã về làm Bí thư Chi bộ xóm 11, một cán bộ nông lâm xã về làm Bí thư Chi bộ xóm 15.
Chúng tôi tìm gặp anh Lê Xuân Phòng, nguyên là Phó Ban CHQS xã được tăng cường về làm Bí thư chi bộ xóm 13 để xem bí thư mới đã “bám” cơ sở ra sao? Phòng còn trẻ (SN 1980), quần xắn ngang gối đang trực tiếp lao động trong trang trại. Sau những câu xã giao, Phòng chia sẻ, Đảng điều động là phải chấp hành, xuống làm bí thư ở xóm giáo với 70% đồng bào giáo dân, bà con đa phần rất chăm chỉ làm ăn, đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phòng cho rằng, để bà con tin mình thì mình phải làm gương trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Anh mạnh dạn nuôi dê đàn, 2 con trâu, mở rộng chuồng trại nuôi 150 con gà đẻ và gà thịt, bên cạnh đó còn trồng 1 ha mía, làm 2 sào ruộng. Nhờ vậy kinh tế cũng đủ ăn, đủ mặc. Với cương vị Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận, anh đã chủ động phối hợp với các đoàn thể, khơi dậy sức mạnh từ các tổ chức như Mặt trận, Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên… làm nòng cốt trong các phong trào. Thông qua các hội, đoàn thể, khuyến khích nông dân trong xóm vay vốn xóa đói, giảm nghèo, vay vốn sinh viên. Nhờ đó, dư nợ vốn vay Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Nông nghiệp trên 1,2 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay, dưới sự lãnh đạo của chi bộ cũng như tham khảo mô hình kinh tế của bí thư chi bộ, bà con đầu tư phát triển các mô hình sản xuất.
Còn Xóm trưởng xóm 13 Nguyễn Văn Hùng, là một giáo dân rất hòa đồng và có trách nhiệm công việc của xóm. Anh tích cực vận động nhân dân đóng góp các loại quỹ phí theo quy định, từ chỗ trước đây hầu hết các xóm vùng giáo không đóng, thông qua vận động, tuyên truyền của xóm trưởng bà con đã tin tưởng, với tỷ lệ đóng hơn 70%. Bản thân, Xóm trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng rất gương mẫu trong làm ăn, vừa sản xuất gạch, vừa buôn bán dịch vụ, trồng mía. Nhờ những nỗ lực của Xóm trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng như trong ban chi ủy, các hội, đoàn thể của xã, của xóm, tỷ lệ hộ nghèo của xóm 13 từ 49% năm 2009 nay đã giảm còn 17%.
Thực hiện kế hoạch củng cố hệ thống chính trị cơ sở xã Tân Hương, Huyện ủy Tân Kỳ mới đây cũng đã điều động một cán bộ trẻ của huyện về làm chủ tịch xã. Đây là một động thái nhằm làm thay đổi cả về “lượng” lẫn “ chất” trong đội ngũ cán bộ, từ đó góp phần làm hạt nhân trong xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh tại xã. Chăm lo phát triển kinh tế, chống “ trắng chi bộ” và tăng cường cán bộ về xã là một trong những nội dung mà Tân Kỳ triển khai kế hoạch xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở Tân Hương. Mục tiêu của kế hoạch là tập trung phối hợp giải quyết căn bản những phức tạp, khó khăn vướng mắc trên địa bàn, tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, xây dựng một xã vùng giáo ngày càng vững mạnh, khởi sắc toàn diện.
Bài, ảnh: Châu Lan