(Baonghean) - Những năm qua, huyện Đô Lương đạt được nhiều kết quả trong công tác luân chuyển cán bộ gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch, góp phần giúp các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội. Đô Lương cũng là đơn vị đầu tiên được Tỉnh ủy chỉ đạo thí điểm mô hình luân chuyển cán bộ “ngang cấp”. Tức là bí thư hoặc chủ tịch UBND xã này sẽ được luân chuyển sang xã khác ở vị trí tương tự và ngược lại. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Trương Hồng Phúc - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy Đô Lương.

Phóng viên:Thưa đồng chí! Qua theo dõi, chúng tôi thấy, huyện Đô Lương đạt được những hiệu quả đáng khích lệ trong công tác luân chuyển cán bộ. Vậy đồng chí có thể chia sẻ thêm một số bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này?
 
image_2328469.jpgLãnh đạo huyện Đô Lương động viên nhân dân làm GTNT. Ảnh: Hữu Nghĩa
 
Đồng chí Trương Hồng Phúc:Chúng tôi xem công tác luân chuyển cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tổ chức, công tác cán bộ. Do đó, phải được chuẩn bị hết sức chu đáo, từ khâu xây dựng đề án, kế hoạch và tiến hành quán triệt nhuần nhuyễn trong nội bộ cấp ủy, giữa cấp huyện và cấp cơ sở để tạo sự đồng thuận cao, thống nhất cao. 
 
Đồng thời căn cứ vào năng lực, sở trường của từng cán bộ và yêu cầu của từng địa bàn, vị trí công tác, các chức danh để thực hiện kế hoạch luân chuyển. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã lập danh sách các cán bộ đủ điều kiện để luân chuyển một cách công khai. Tức là những cán bộ trong danh sách đó, phải tự thấy được trách nhiệm sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Đồng thời khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của các địa phương cần cán bộ luân chuyển về. Quá trình đó, chúng tôi đánh giá rất kỹ lưỡng tình hình địa phương, làm việc rất cụ thể với cấp ủy, chính quyền và tổ chức họp quân dân chính về công tác này và tạo sự đồng thuận ngay từ ban đầu. 
 
Thực tế, chúng tôi đã tiến hành luân chuyển từ huyện về xã 7 đồng chí, luân chuyển giữa các phòng, ban cấp huyện 12 đồng chí và luân chuyển ngang 6 đồng chí bí thư, chủ tịch, phó bí thư trực Đảng giữa 6 xã. Về luân chuyển ngang giữa các xã đặt ra vấn đề là với cương vị đó, đến địa phương khác, đòi hỏi cán bộ phải có phương pháp thích hợp, tiếp cận. Qua đó, để cán bộ có thể khẳng định mình, khơi dậy sức sáng tạo, năng động. 
 
Cũng thông qua công tác này, những cán bộ luân chuyển về cơ sở được hòa mình vào thực tế sôi động, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, gắn kết hài hòa giữa lý luận và thực tiễn để xây dựng phương pháp lãnh đạo toàn diện.
 
Phóng viên:Huyện ủy Đô Lương đã có những giải pháp như thế nào để luân chuyển cán bộ?
 
Đồng chí Trương Hồng Phúc:Để đưa cán bộ về cơ sở và đặt đúng vị trí mà cán bộ có khả năng đảm đương được, chúng tôi bố trí luân chuyển về các chức danh then chốt bí thư, chủ tịch, phó bí thư trực Đảng ở các xã. Quá trình đó, phải gắn giữa rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, đặc biệt gắn đánh giá giữa nhiệm kỳ; tiến hành luân chuyển cán bộ gắn với sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Làm thế nào để khi cán bộ về xã không làm xáo trộn lớn về công tác tổ chức cán bộ ở cơ sở. Điều này đòi hỏi phải khảo sát kỹ lưỡng nơi nào cần tăng cường cán bộ, nơi nào không, để bố trí hợp lý.
 
Điều nữa là khi luân chuyển cán bộ về cơ sở, cần tạo sự đồng thuận cao của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy các xã và huyện thường xuyên quan tâm, động viên, chia sẻ. Định kỳ mỗi quý, Thường trực Huyện ủy sẽ làm việc với cán bộ luân chuyển để nắm bắt tình hình, tâm tư, thông tin và có những điều chỉnh kịp thời. Và cuối năm có đánh giá, nhận xét cụ thể, qua đó, giúp cán bộ tạo thế vững vàng, anh em có niềm tin, được khích lệ kịp thời để có những kết quả tốt.
 
Phóng viên:Ở nhiều địa phương cũng như Đô Lương hiện nay đang tồn tại thực tế là khi luân chuyển các đồng chí trưởng hoặc phó các phòng, ban cấp huyện về xã nhưng vẫn giữ lương, chức danh, vị trí cũ. Điều này gây ra khó khăn cho huyện trong sắp xếp, bố trí cán bộ, công việc nơi có cán bộ luân chuyển. Theo đồng chí, vấn đề này cần có những giải pháp như thế nào?  
 
Đồng chí Trương Hồng Phúc: Nếu ở cấp tỉnh thì địa bàn rộng, đội ngũ cán bộ các đầu mối trực thuộc rất lớn, nhưng ở huyện từ Huyện ủy, UBND, mặt trận, các đoàn thể, biên chế chỉ có 150 người. Vì vậy, khi điều động luân chuyển, nếu như đồng chí trưởng ban, trưởng phòng hoặc cấp phó đi thì để đề bạt một đồng chí khác thay thế là rất khó. Về nguyên lý một đồng chí khi đi luân chuyển ở cơ sở về được cân nhắc bố trí ở cương vị cao hơn theo quy hoạch. Nhưng thực tế, những vị trí cao hơn không phải lúc nào cũng thay thế được, đồng thời, không có thêm biên chế, quỹ lương. Do đó, phải giữ vị trí, lương, phụ cấp cũ để khi cán bộ hoàn thành luân chuyển về vẫn có vị trí ít nhất bằng trước khi đi cơ sở. Đây cũng là điều chúng tôi băn khoăn nhất.
 
Nhưng để tránh tâm lý ỷ lại, chúng tôi quán triệt cụ thể cho cán bộ luân chuyển là phải xác định rằng, đi cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng, nắm chắc giữa lý luận và thực tế, vững vàng khi phát triển ở vị trí cao hơn. Đồng thời, phải phấn đấu thật tốt, bởi khi anh đi, ở đơn vị cũ, những người khác đang gồng lên để làm thay công việc của mình. Vì vậy, làm thế nào để khéo kết hợp giữa luân chuyển đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhưng đồng thời phải đảm bảo công việc xuyên suốt là một vấn đề khó. 
 
Phóng viên:Hiện nay, chúng ta chưa xây dựng được một quy chế hoặc chính sách cụ thể cho công tác luân chuyển cán bộ. Ý kiến của đồng chí về  vấn đề này?
 
Đồng chí Trương Hồng Phúc: Luân chuyển cán bộ là một trong những khâu hết sức quan trọng trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét và sử dụng cán bộ. Bởi vậy, cần được đặt ra những quy chuẩn. Theo tôi, đó có thể là một bản kế hoạch hay đề án chuẩn, để qua đó tránh việc mỗi nơi làm một khác trong việc vận dụng cơ chế, chính sách. Mà đã vận dụng, mỗi nơi một kiểu sẽ dẫn đến có những lệch lạc, sai sót hoặc có những thái quá trong thực hiện. Vấn đề này, chúng tôi rất cần cấp có thẩm quyền có những hướng dẫn, hoặc có quy chế với trình tự chuẩn mực. Cũng như nhiều huyện khác, chúng tôi lâu nay đang nghiên cứu, vận dụng các quy định hiện hành để thực hiện luân chuyển cán bộ. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong có bộ quy chế cụ thể trong lĩnh vực này để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống chính trị khi thực hiện luân chuyển cán bộ.
 
Phóng viên:Xin cảm ơn đồng chí! 
 
Nguyên Sơn