(Baonghean) - Đó là một trong những nội dung được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên, công nhân viên tỉnh Nghệ An trong bức thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào ngày 21 tháng 7 năm 1969. Thực hiện di huấn của Người, những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có nhiều giải pháp tăng cường CCHC, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả công tác, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Công an Nghệ An là một trong những đơn vị thường xuyên có sự tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân. Trong đó, những lĩnh vực thiết yếu như: Cấp đổi chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ tịch, hộ chiếu, giấy thông hành, giấy đăng ký phương tiện cơ giới, phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự… Để phục vụ yêu cầu của người dân, những năm qua, Công an tỉnh không ngừng cải cách thủ tục hành chính (CCHC) theo hướng “tinh gọn, đơn giản và rút ngắn thời gian”. Đến nay toàn lực lượng có 25 đơn vị thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, trong đó tại 21 đơn vị Công an huyện, thành, thị luôn thực hiện tốt việc giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân ở cơ sở. Ở tất cả các đơn vị đều công khai các thủ tục hành chính và điện thoại đường dây nóng, hộp thư thoại tự động để giải đáp mọi thắc mắc của người dân, sẵn sàng lắng nghe, giải quyết những kiến nghị của nhân dân về thái độ, hành vi chưa chuẩn mực của cán bộ, chiến sỹ trong quá trình thực thi nhiệm vụ. 
images1006592_img_7935.jpgGiải quyết thủ tục cấp hộ chiếu ở Công an tỉnh.
 
Bằng nhiều giải pháp, những năm qua, Công an tỉnh tăng cường CCHC gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện tốt “6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” và Cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hoá, vì nhân dân phục vụ”. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sỹ tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Công an Nghệ An cũng là đơn vị đầu tiên trong lực lượng xây dựng được hệ thống quản lý hành chính chất hượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; trong đó có 12 lĩnh vực hành chính rút ngắn được thời gian giải quyết từ 1 ngày đến 5 ngày so với quy định. 
 
Thực tế, việc đẩy mạnh cải cách hành chính là “cải tiến lề lối làm việc” như căn dặn của Bác. Bởi vậy, qua từng giai đoạn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn có những định hướng, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các nhóm giải pháp CCHC; Chú trọng việc giảm thời gian, đơn giản hóa hồ sơ, quy trình thực hiện; Nâng cao tính công khai, minh bạch về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong thực hiện và giám sát. Quá trình đó, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo về hiệu quả CCHC trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Sở GTVT là một trong những đơn vị ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào phục vụ công tác hành chính. Sở thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, qua đó đề nghị các cấp giảm các khâu không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết các giấy tờ hành chính, giảm phiền hà cho dân; lắp đặt hệ thống 
 
camera giám sát ở trung tâm một cửa và các bộ phận thường xuyên tiếp dân. Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT chia sẻ: “Với hệ thống giám sát như vậy được kết nối với Internet, dù ở đâu, lãnh đạo Sở có thể theo dõi, đôn đốc được hoạt động của cán bộ, công chức ở những lĩnh vực nhạy cảm. Điều này đã góp phần tích cực kiểm soát cán bộ, hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi sách nhiễu người dân, nâng cao hiệu của công việc...”.
 
UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 3445/QĐ-UBND về triển khai cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An tích cực tham gia cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp”. Cùng với nội dung này, từ đầu năm 2014, tất cả các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 03/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh”. Từ đó, việc chấp hành giờ giấc, sử dụng thời gian làm việc trong các cơ quan, đơn vị có những chuyển biến tốt hơn; tình trạng đi muộn về sớm, làm việc riêng trong giờ hành chính giảm; tinh thần trách nhiệm, hành vi, thái độ, tác phong làm việc của đội ngũ công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Tuy nhiên, vẫn có nhiều cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, chưa đặt mình vào vai trò người dân và doanh nghiệp, còn có biểu hiện “hành” người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các thủ tục. Trước thực trạng đó, từ giữa tháng 5/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2290/QĐ-UBND, thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Nội vụ được giao chủ trì phối hợp với Thanh tra tỉnh và Ban Nội chính Tỉnh ủy, thành lập hai tổ công tác, tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương ở tất các Sở, ngành, địa phương. Thông qua hoạt động kiểm tra, Đoàn công tác sẽ giám sát việc chấp hành các nội qui, giờ giấc làm việc cũng như thái đội của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đoàn công tác cũng sẽ kiến nghị UBND tỉnh và lãnh đạo các địa phương, Sở, ngành kịp thời chấn chỉnh những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, có thái độ phiền hà, gây khó khăn, sách nhiễu đối với nhân dân và doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ. Về cơ bản, các cấp ngành, địa phương đã có những chương trình hành động với những giải pháp cụ thể để “ cải tiến lề lối làm việc”, phục vụ tốt yêu cầu của nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng cái cốt lõi nhất chính là ý thức, nhận thức của mỗi cán bộ, công chức trong việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ,  đạo đức nghề nghiệp, góp phần  hiệu quả vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
 
Trong bức thư Bác gửi Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trước lúc đi xa, có đoạn: “Tôi cũng vui mừng nhận thấy cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh đã bước đầu sửa chữa tệ quan liêu, mệnh lệnh, cố gắng đi sát nhân dân để tổ chức vận động nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước”. Sau ghi nhận đó, Bác đặt câu hỏi: “Sắp tới phải làm gì?”. Và điều đầu tiên Người căn dặn là phải “Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần thường xuyên tự phê bình trước nhân dân, khuyến khích nhân dân phê bình. Khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhân dân để phát huy những việc tốt, sửa chữa những việc sai, làm công tác tốt hơn...”. Đó là một những giải pháp then chốt mà mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần nghiêm túc thực hiện để “Ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” như di nguyện của Bác. 
 
Bài, ảnh: Nguyên Sơn