(Baonghean) - Tự do ngôn luận và tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định. Tại Điều 2 của Luật Báo chí hiện hành ghi rõ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”.
 
Như vậy, quyền tự do báo chí ở Việt Nam được pháp luật thừa nhận và Nhà nước bảo hộ.  Nhưng cũng từ đó có tình trạng lợi dụng tự do báo chí với nhiều cấp độ khác nhau. Các thế lực thù địch lợi dụng quyền tự do báo chí để xuyên tạc bóp méo sự thật, nói xấu Đảng, bôi nhọ chế độ, kích động chia rẽ nội bộ nhân dân. Thủ đoạn lợi dụng tự do báo chí của các thế lực thù địch đã bị bóc trần trước dư luận, những phần tử chống phá chế độ đã lộ mặt, bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, có một hiện tượng lợi dụng quyền tự do báo chí không phải ai cũng nhận biết được, đó là lợi dụng diễn đàn báo chí để thực hiện ý đồ cá nhân.
 
Báo chí đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhờ báo chí mà nhiều vụ tham nhũng lớn được phanh phui trước dư luận buộc các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc xử lý. Nhưng qua đấu tranh chống tham nhũng, không ít  trường hợp báo chí đã bị lợi dụng. Có những công dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để viết đơn đòi những quyền lợi cá nhân không đúng pháp luật. Khi không được đáp ứng họ đã tìm cách nhờ nhà báo đưa thông tin một chiều lên báo chí để gây áp lực dư luận. Có những nhà báo thiếu bản lĩnh bị đồng tiền mua chuộc đã nhân danh chống tham nhũng để viết những bài báo xuyên tạc sự thật một cách tinh vi nhằm bênh vực những phần tử xấu. Có những bài báo được viết với động cơ không trong sáng nhằm hạ uy tín người này người khác. 
 
Một kiểu lợi dụng diễn đàn báo chí rất kín đáo, đó là hiện tượng viết bài bàn về các vấn đề xã hội nhưng thực chất là để truyền bá quan điểm cá nhân. Dư luận rất dễ bị đánh lừa bởi những quan điểm cá nhân này thường được thể hiện dưới dạng “chính kiến”. Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân. Trách nhiệm của báo chí là đưa tiếng nói của Đảng đến với nhân dân, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với Đảng. Không một cá nhân hay nhóm cá nhân nào có quyền lợi dụng diễn đàn báo chí để thực hiện ý đồ riêng. Hậu thuẫn của cơ quan báo chí không phải là cá nhân hay nhóm cá nhân mà là đông đảo bạn đọc và đội ngũ cộng tác viên, đại diện cho tâm tư nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân. 
 
Lâu nay, chúng ta rất chú trọng chống hiện tượng thương mại hóa báo chí nhằm đảm bảo cho các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích. Đối với việc lợi dụng quyền tự do báo chí, chúng ta mới tập trung phản bác những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch, chưa cảnh giác với hiện tượng lợi dụng diễn đàn báo chí trong nội bộ nhân dân. Sự lợi dụng này không kém phần nguy hiểm, bởi gây sự mơ hồ trong một bộ phận nhân dân về những thông tin không chính xác được đưa lên báo chí. 
 
Để chống hiện tượng lợi dụng diễn đàn báo chí phải nâng cao trách nhiệm của nhà báo và công dân. Nhà báo với bất cứ cương vị nào cũng không được trao vũ khí báo chí cho một số cá nhân thực hiện ý đồ riêng. Công dân có quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận nhưng phải vì lợi ích chung, không được sử dụng báo chí như một công cụ để đòi lợi ích riêng không chính đáng và trái quy định của pháp luật. Phải nâng cao nhận thức của nhân dân để sử dụng diễn đàn báo chí đúng mục đích. 
Đảng, Nhà nước ghi nhận đóng góp to lớn của báo chí trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc suốt mấy thập kỷ qua và vai trò to lớn của báo chí trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Nhân dân rất tin tưởng, luôn đồng hành cùng báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không được lợi dụng diễn đàn báo chí làm mất niềm tin của nhân dân đối với báo chí cách mạng.
 
 
Trần Hồng Cơ