(Baonghean) - Năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh ở xã vùng cao Mỹ Lý (Kỳ Sơn) đang mang nặng bao nỗi lo toan. Đó là nỗi lo về kinh phí mua sắm sách vở, áo quần, nơi ăn, chốn ở cho con em khi đến lớp. Với người dân các bản Cha Nga, Xốp Dương, Nhọt Lợt, Yên Hòa thì họ còn gánh thêm nỗi lo về sông nước, đò giang. Bởi lẽ, để đến trường, đến lớp, con em họ phải vượt dòng Nậm Nơn giữa mùa nước xiết...
 
images1037972_4mn6.jpgHọc sinh Mỹ Lý (Kỳ Sơn) đến trường trên những con thuyền mỏng manh.
 
Chúng tôi có mặt ở bến đò bản Xiềng Tắm, nước sông mấy ngày nay dâng cao, đục ngầu. Thi thoảng, từ phía thượng nguồn, xuất hiện những con thuyền nhỏ theo dòng lao vun vút, rồi ghé vào bến đò. Đó là thuyền của các bản vùng trên đưa con em đến trường. Nhìn dòng Nậm Nơn cuộn chảy, nhìn những con thuyền nhỏ mỏng manh, những người khách đến từ nơi khác hẳn không tránh khỏi nỗi băn khoăn, lo nghĩ? Thực trạng ấy đã diễn ra bao đời ở vùng sông nước này, trước mắt chưa thể khác được. Trao đổi với ông Lô Văn Liễu - Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được biết Mỹ Lý có 12 bản (8 bản dân tộc Thái, 3 bản dân tộc Mông và 1 bản Khơ mú), nằm dọc tuyến biên giới Việt - Lào và hai bên bờ dòng sông Nậm Nơn. Do vậy, trừ 4 bản nằm ở khu vực trung tâm gồm Xiềng Tắm, Xốp Tụ, Hòa Lý và Xằng Trên, các em học sinh THCS có thể đến trường bằng đường bộ, học sinh các bản còn lại đều phải đến trường trên những con thuyền gỗ mỏng manh. 
 
Đêm ấy, chúng tôi ngược sông lên bản Yên Hòa, nghỉ tại nhà một người quen. Mới sáng tinh mơ, từ bến đò vọng lên tiếng chuyện trò ríu rít của các em nhỏ. Không biết từ khi nào, học sinh trong bản đã rủ nhau ra bến, mở neo những con thuyền gỗ để chuẩn bị vượt sông đến trường. Rồi những chiếc thuyền mỏng manh chở 5 - 7 em học sinh lần lượt qua sông. Thuyền nhỏ, chiếc bai chèo cũng nhỏ, bằng sự khéo léo và kinh nghiệm của mình, trong vòng chưa đầy 10 phút, các em đã đưa con thuyền sang bờ bên kia (hữu ngạn). Các em tìm chỗ neo buộc thuyền, rồi tiếp tục men theo con đường dọc các sườn núi cheo leo để đến lớp. Lúc này, giữa dòng sông xuất hiện 3 chiếc thuyền nhỏ lao vun vút về xuôi, trên thuyền vẫn là những em học sinh đang cắp sách đến trường. Một người dân của bản Yên Hòa giải thích: “Đó là thuyền của học sinh ở các bản trên như Xốp Dương, Cha Nga, nằm cách trung tâm xã trên dưới 20 km. Người dân và học sinh trên đó chèo thuyền rất giỏi, mùa khô thì việc đó là bình thường, không nói làm gì, nhưng vào mùa mưa lũ thì cũng nguy hiểm lắm”. 
 
Trước mắt, chúng ta vẫn chưa thể biết đến khi nào tất cả học sinh trên địa bàn Mỹ Lý không phải đến trường trên những chiếc thuyền nhỏ chòng chành giữa dòng Nậm Nơn cuộn chảy. Chắc chắn, Nhà nước cũng như các cấp, các ngành cần phải quan tâm hơn nữa tới xã vùng biên Mỹ Lý, để hành trình đến trường của các em học sinh nơi đây đỡ phần gian nan, vất vả!
 
Bùi Công Kiên