(Baonghean) - Anh Bùi Công Kỳ (Bí thư Chi bộ xóm 5 - Kẻ Phảy, xã Tiên Kỳ) là 1 trong số 17 đại biểu của huyện Tân Kỳ dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ 2 sắp tới.
 
images1037963_1mnh.jpgAnh Bùi Công Kỳ.
Sinh năm 1982, trên vùng đất thuộc diện khó khăn nhất huyện, có tới 70% là dân tộc Thái, sau khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, anh được chi bộ bầu làm bí thư chi bộ. Những năm qua, Bùi Công Kỳ đã có nhiều việc làm được người dân tin và làm theo, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân. Gặp gỡ chúng tôi, anh Kỳ trao đổi: Xác định, muốn làm chuyển biến nhận thức của người dân, trước tiên phải tuyên truyền cho dân hiểu các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình của MTTQ. Từ đó mới nói đến việc tổ chức các hoạt động thực tiễn để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng; các tập tục lạc hậu sẽ từng bước đẩy lùi; nếp sống văn minh, đời sống văn hóa mới sẽ từng bước được xây dựng, khởi sắc và phát triển. 
 
Làm thay đổi nhận thức của người dân là rất khó, bởi sự tác động mạnh của kinh tế thị trường, cùng với các tục lệ lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức và sự bảo thủ của một bộ phận dân cư, gây nên không ít tiêu cực, ảnh hưởng đến lối sống của người dân. Đây thực sự là khó khăn cho công tác giữ gìn, bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ vào uy tín của bản thân, anh Kỳ sẵn sàng chia sẻ với bà con một cách chân tình, cởi mở những gì mình biết, mình hiểu. Bất cứ lúc nào, khi thì tại cuộc họp xóm, những dịp lễ hội, hay những lúc bà con tập trung sản xuất… là anh tranh thủ tuyên truyền. Nói ngắn gọn, dễ hiểu, lời lẽ khéo léo... anh đã tạo được niềm tin giữa bà con với Đảng, chính quyền. Ngoài khuyến khích bà con chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, anh Kỳ còn truyền đạt những nội dung như: về công tác dân số - KHHGĐ, giữ gìn an ninh trật tự, đồng thời không quên nhắc nhở những việc đồng bào cần cảnh giác, không nên nghe lời kẻ xấu. 
 
Đến nay, đồng bào các dân tộc thiểu số xóm 5 - Kẻ Phảy đã nâng cao nhận thức, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tục thách cưới, tục phạt vạ, tệ tảo hôn, không làm giấy khai sinh cho con, hoặc không đăng ký kết hôn; sự tin vào ma gang, ma lai, thầy cúng, thầy mo khi ốm đau… không còn tồn tại trong xóm nữa. Họ còn duy trì, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như lễ hội cồng chiêng, các điệu múa xòe, hát lăm, ném còn, nhảy sạp… tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng trong vùng đồng bào các dân tộc. Nhờ đó, đời sống về vật chất, tinh thần của người dân xóm 5 - Kẻ Phảy ngày càng được nâng cao, tình làng nghĩa xóm càng càng thắt chặt.
 
Xuân Hoàng