(Baonghean) - LTS: Đối với cộng đồng làng, bản vùng cao, truyện cổ tích có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần. Đó là những câu chuyện được truyền khẩu qua các thế hệ. Ngày nay, đời sống của cổ tích không còn được thế hệ sau đón nhận như trước đây. Báo Nghệ An xin giới thiệu bài viết về “cuộc sống” của cổ tích trong xu thế phát triển, khi mà công nghệ nghe nhìn hiện đại nhất cũng đã vươn đến những bản vùng cao...
 
images1038027_hv1.jpgTác giả nghe già bản Lương Bà Cải kể cổ tích.
 
Đó là một ngày đầu Thu, chúng tôi về bản Bón (Yên Na - Tương Dương). Trước đó, anh cán bộ đài truyền thanh xã giới thiệu về bản Bón, có nhiều người cao tuổi vẫn thường kể cổ tích cho những thế hệ sau nghe. Nếp bản nhỏ xinh với những túp nhà sàn theo kiểu kiến trúc xưa như khi còn những ông “pha nha” - người cai quản bản mường. Đường ngang, ngõ tắt trong bản đều đã bê tông hóa quãng đãng, sạch đẹp.
 
Chúng tôi chọn một căn nhà sàn đã “có tuổi” để ghé thăm. Đây là căn nhà của cụ Lương Bà Cải. Nhà gỗ đã cũ, nhưng mới chỉ gần bằng nửa số tuổi của cụ bà. Chỉ vài mùa rẫy nữa là cụ Cải được ăn tròn trăm cái Tết ở cõi đời này rồi. Sống lâu vậy, cụ vẫn còn minh mẫn lắm. Tai đã nặng, mắt vẫn sáng. Mái tóc trắng phau như màu lau núi. Cụ là người thuộc nhiều chuyện cổ tích nhất ở cái bản nhỏ này.
 
Biết chúng tôi muốn nghe cổ tích, cụ hỏi ngay: “Truyện thì có nhiều lắm. Muốn nghe Nàng Piểm, Nàng Cằm hay Vân Lả Pham…?”. Tôi đã nghe về Nàng Piểm, Nàng Cằm nhưng chưa nghe qua Vân Lả Pham nên ngỏ ý muốn nghe thử.
 
Cụ Cải bắt đầu câu chuyện: “Cái máy bay trên trời kia là do Vân Lả Pham làm ra đấy”. Rồi cụ tiếp tục: Chẳng biết cha mẹ của Vân Lả Pham là ai và người ở mường nào, chỉ biết đó là một trai bản thông minh. Có thông minh mới biết cách đi chặt cây về làm “nhôn hống”, cái nhà biết bay. Chàng làm mãi ba năm mới xong cái nhà bay, rồi để trên ngọn cây ven bản. Ngày ấy, “pha nha” là người đứng đầu mường, có cô con gái đẹp nhất đến nỗi không ai dám nhìn vào vì vẻ đẹp của nàng ngời sáng như ánh mặt trời, không muốn trai bản dòm ngó nên mới làm cái nhà lơ lửng giữa không trung. Chỉ có những nàng tiên Xô Nôm mới được đến đưa cơm, hầu hạ. Tối đến, Vân Lả Pham lẻn lên ngọn cây rồi lái chiếc nhà bay đến chỗ con gái “pha nha”. Ngày qua ngày, hai bên nảy sinh tình cảm rồi nàng bụng mang dạ chửa. Những nàng hầu Xô Nôm biết chuyện bảo lại chủ mường lên lập mưu để bắt người đến dan díu với con gái mình. Ban ngày, cho người lấy than củi trộn mỡ bôi trong nhà. Sáng hôm sau cho người đi dò la xem thì thấy trên mặt Vân Lả Pham có vết than trên mặt, liền bắt về trị tội.
 
Chủ mường cho cắm dao nhọn vào sau gáy rồi đưa đi chém. Trên đường, qua chỗ treo chiếc nhà bay trên ngọn cây, liền ngẩng mặt lên từ biệt: “Nhà bay ơi, ba năm ta mới làm nên mày/Gắng mà ở lại nhé!”. Chủ mường bảo: “Hèn gì mày lên chỗ con ta được. Vậy lên lấy nhà bay xuống đây sẽ không chém nữa.” Chàng trai leo lên được chiếc nhà bay, nhưng nghĩ chắc gì họ đã không chém mình. Thôi thì đi từ biệt nàng đã, rồi chết cũng đành lòng. Người ta thương yêu mình đến thế kia mà. Nghĩ liền lái nhà bay đi. Nàng con gái của “pha nha” nghe xong liến nằng nặc đòi xuống cùng: “Người đi rồi ta nuôi con một mình sao đành?” - “Không được, pha nha chém chết cả nàng thì sao?” - Chàng trai bảo - “Hay là mình trốn đi.” Nói rồi hai người ngồi nhà bay trốn đi. Lúc ấy, nàng con gái đến ngày sinh nở, họ phải đáp xuống bãi sậy ven sông rồi cậu bé đã ra đời.
 
Vân Lả Pham đi kiếm thức ăn cho vợ không may chiếc nhà bay hỏng và chàng rơi xuống sông rồi dạt vào phía bờ bên kia. Nàng chờ mãi, không thấy chồng về đành cho con ngủ trong chiếc võng treo lên cành cây để đi tìm chồng và cũng kiếm cái ăn. Người bản gần đó đi ngang, nghe tiếng trẻ khóc mới bế về cho chủ mường làm con nuôi. Cô gái trở lại không tìm thấy con khóc lóc thảm thiết rồi đi xuôi theo bờ sông đến ở nhờ bản Chăm Xuôn ở cuối mường. Người con trai lớn lên đi qua, thấy mẹ ngỡ nàng con gái đẹp mới đem lòng yêu rồi về bảo chủ mường đi hỏi. Đêm đâu tiên, anh con trai mang cau trầu đi hỏi vợ, qua chỗ bầy chó đang ngủ trong nhà. Chó con hỏi mẹ: “Nửa đêm ai đi qua đầu mình vậy” Chó mẹ nói: “Con ta đừng có nói năng/ Con ta ngủ đi/ Mẹ người thì người đi tìm chứ”.
 
Chàng trai thấy lạ liền trở vào nhà. Đêm hôm sau lại đi tiếp bước qua chỗ bầy mèo đang ngủ, cũng thấy mèo con hỏi mẹ: “Nửa đêm ai đi qua đầu mình vậy?” Mẹ lũ mèo cũng nói: “Con ta đừng nói năng/ Con ta ngủ đi/ Mẹ người thì người đến tìm chứ”. Chàng trai lại tở vào nhà. Đêm thứ ba đi qua bầy trâu dưới gầm sàn cũng nghe trâu mẹ nói vậy nên sinh nghi. Hôm sau mới hỏi chủ mường: “Con do cha mẹ sinh ra hay nhặt ở đâu về nuôi?”. Lúc này chủ mường mới kể lại chuyện nhặt được con chỗ bãi sây. Chàng trai thốt lên: “Vậy đúng là mẹ ta rồi”, liền cho người đi đón về. Mẹ con gặp nhau mừng vui khôn xiết. Lúc này, người mẹ mới bảo con trai đi tìm cha ruột về. Lại nói Vân Lả Pham, sau khi dạt vào bờ sông chỉ sống trong rừng như loài vượn, lông lá mọc đầy thân. Người ta tìm thấy chàng mới mang chiếc nhà bay đến chỗ chàng hay qua lại. Vân Lả Pham gặp được chiếc nhà bay như gặp lại người thân khóc lóc vì cảm động. Phải vất vả lắm, người ta mới kéo được chiếc nhà bay và chàng về bản. Thế là gia đình được đoàn tụ, sau này Vân Lả Pham được cử là “pha nha”. Chàng bèn sửa sang lại rồi lái đi khắp mường xa, bản gần...
 
Đó chỉ là một trong những câu chuyện mà chúng tôi có dịp nghe trong một buổi chiều ngồi cùng cụ bà Lường Bà Cải. Bà bảo, nếu có thời gian con cứ về đây bà kể cho nghe. Ở bản bây giờ không còn nhiều người trẻ thích nghe cổ tích nữa. Bà sợ rồi đây, bà cũng sẽ mang theo những câu chuyện cổ về trời. Đây cũng là tâm sự chung của cụ ông Lô Xiêng Ín, ở bản Xiềng Líp (xã Yên Hòa - Tương Dương). Cụ ông năm nay đã bước qua tuổi 87, vốn là cựu chiến binh trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhưng vẫn không quên những câu chuyện xưa. Ông Xiêng Ín tâm sự: Ngày trước, ta biết được những chuyện xưa cũng nhờ ông bà, cha mẹ thôi. Ngày ấy ai cũng thích nghe chứ mấy ai biết học “năng sư” (cách người Thái ở Tương Dương và người Lào gọi chữ viết) để chép lại!
 
Truyền khẩu vốn là cách lưu truyền chủ yếu của truyện cổ tích, nên ở vùng cao, dẫu không phải xa xôi gì về mặt địa lý, những câu chuyện dân gian lại có những dị bản. Nhưng có một điều chung nhất của những câu chuyện này, đó là giá trị nhân văn, những bài học về ứng xử, và hơn hết là ước mơ của con người chinh phục không gian và chinh phục cường bạo, như chàng trai Vân Lả Pham trong câu chuyện của cụ Lương Bà Cải kể. 
 
 
Hữu Vi