(Baonghean) - Một trong những thành công trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh là các cấp, ngành đã phát huy tốt vai trò của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn, thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển. Điều đó thể hiện niềm tin “chọn mặt gửi vàng” của lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, địa phương vào các nhà đầu tư có tiềm lực.  
 
Tổng Công ty rượu, bia và nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An 2 dự án với tổng trị giá 2.188 tỷ đồng, gồm Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam và Nhà máy bao bì Sabeco. Còn Tổng Công ty bia rượu và nước giải khát Hà Nội cũng đã đầu tư tại Nghệ An Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ An và một trung tâm thương mại. Các nhà máy bia của 2 tổng công ty trên hằng năm đã đóng góp vào ngân sách tỉnh trên 1.000 tỷ đồng. 
 
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên cũng là nhà đầu tư với 17 dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An,  tổng số vốn đăng ký 16.800 tỷ đồng, trong đó 3 dự án đã hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành, với tổng mức đầu tư 637,3 tỷ đồng; 5 dự án đang triển khai như Thủy điện Hủa Na, Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí, Khu công nghiệp Hoàng Mai...  
 
Ở lĩnh vực sản xuất xi măng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam sớm đầu tư vào Nghệ An với 4 dự án/16.019 tỷ đồng; Hiện 2 nhà máy đã đi vào hoạt động và 2 dự án đang được triển khai thực hiện, gồm: Nhà máy sản xuất bê tông tươi và vật liệu không nung với công suất 400.000m3/năm; hiện nay đã giải phóng, san lấp xong mặt bằng và lựa chọn được nhà thầu cung cấp thiết bị và Nhà máy xi măng Hoàng Mai II, với công suất 4,5 triệu tấn/năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020. 
 
Cùng các đơn vị trên, các tổng công ty như: Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông 4... đã và đang tích cực đầu tư nhiều dự án có giá trị lớn, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng, tạo nền tảng tốt cho tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội.
 
Để kêu gọi được các tổng công ty có tiềm lực kinh tế mạnh về đầu tư, lãnh đạo tỉnh cùng các ban, ngành, địa phương tích cực tìm hiểu thông tin, tiếp cận các đơn vị, “chọn mặt gửi vàng’. Sự kết nối, trao đổi thông tin liên tục, bày tỏ nguyện vọng và cả sự cầu thị trong lắng nghe, lĩnh hội ý kiến... đến việc cố gắng giải quyết các vướng mắc phát sinh cho nhà đầu tư đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành thực hiện. 
 
Nhận thấy được tâm huyết đó, nhiều tổng công ty thể hiện vai trò cầu nối, chủ lực đầu tư trong các lĩnh vực về điện, xi măng, giao thông. Bên cạnh các dự án lớn, có ý nghĩa thiết thực về kinh tế, dân sinh, các tổng công ty còn là nhà tài trợ lớn cho hoạt động từ thiện, an sinh xã hội trên quê hương xứ Nghệ. Điển hình như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, từ 2011 đến nay đã tài trợ trên 70 tỷ đồng để xây dựng nhà đại đoàn kết, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa, thể thao, một số công trình hạ tầng giao thông tại các huyện nghèo miền núi; Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, xây dựng trường mầm non, hộ nghèo và xóa nhà tranh, tre tạm bợ với số tiền 8,5 tỷ đồng;  Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện đã hỗ trợ 12 tỷ đồng cho huyện Quế Phong xoá 1.747 ngôi nhà tạm bợ trên địa bàn 13 xã; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam hỗ trợ huyện Tương Dương 17 tỷ đồng xây dựng mới 4 trạm xá, 3 trường trung học cơ sở và 1 cầu sắt bắc qua cửa Rào...
 
Châu Lan