(Baonghean) - Mình rất thích đọc mấy tờ báo “lá xà lách” bên này. Sao không phải là “lá cải”? Trước tiên mình xin thử định nghĩa thế nào là báo lá cải: Báo lá cải là tên gọi chung cho những tờ báo thường đăng những tin tức giật gân hoặc liên quan đến người nổi tiếng, đại khái như tin về cướp - giết - hiếp, xì căng đan tình ái của ngôi sao A, B, C...
 
Đừng tưởng không ai đọc báo lá cải, trái lại, người ta đọc ầm ầm, nên chăng vườn cải mới càng ngày càng xanh um là vì thế. Tại sao? Vì cuộc sống phức tạp, bận rộn, quay cuồng với đủ thứ chuyện để lo: sáng mở mắt ra đã thấy ông tổng thống ở nước nảo nước nào tận Phi châu bị ám sát, khủng hoảng kinh tế và nguy cơ vỡ nợ của Chính phủ Mỹ khiến Obama rảnh rỗi vào bếp làm bánh từ thiện...Toàn những chuyện đao to búa lớn, nặng hết cả đầu, nên đọc tí tin tức nhố nhăng, gọi là cho não ăn ít... rau cải bổ sung vitamin giải trí! Đọc là đọc thế thôi, chứ chẳng ai đi tin báo lá cải.Nói nào ngay, ngày nào mình cũng dạo một vòng vườn cải, đọc tin giết thời gian, đọc để chế giễu chủ vườn chứ bảo mình tin vào mớ rau cải phun thuốc sâu ấy á? Còn lâu!
 
Vậy thì thế nào là báo “lá xà lách”? Thực ra đây là từ do mình tự biên tự diễn. Chẳng là báo bên này có 2 loại: phát miễn phí và bán tại các ki-ốt. Các tờ báo có tiếng như Thế giới, Giải phóng, Chữ Thập Đỏ tất nhiên là phải trả tiền mua (giá vào khoảng 1€60 (tức gần 50 nghìn đồng). Số còn lại là những tờ báo mà ở nước ngoài chẳng ai biết, ví dụ như Bản tin tàu điện ngầm, Tin vắn buổi sáng, 5 phút... được phát miễn phí tràn lan ở các bến tàu, xe mà mình vẫn thường lấy về trải bàn ăn để thức ăn đỡ dây ra bàn, tệ hơn, hàng xóm nhà mình ngày nào cũng lấy cả tập để lót cho mèo đi... bậy. “Của rẻ là của ôi”, không cần nói cũng biết sự chênh lệch về chất lượng thông tin của hai loại báo kể trên.
 
Lướt qua hai tờ báo, một bên thì thông tin thời sự, chính trị, kinh tế, giáo dục hết sức nghiêm túc, một bên thì hơn nửa tờ báo dành cho quảng cáo, ảnh đăng vô tội vạ, lèo tèo được vài bài báo ngắn cũn cỡn. Ít ra thì báo “lá xà lách” còn hơn báo lá cải ở chỗ, thông tin dù được đưa một cách hời hợt, qua loa nhưng dẫu sao vẫn là thông tin có thật. Chẳng qua báo “lá xà lách” có cách chọn lựa thông tin cần nhấn mạnh khác với báo chính thống, những tin tức nào giật gân hơn, gây ấn tượng hơn được ưu tiên lên bìa, ảnh to,...nhiều thông tin trong báo chính thống cũng được báo “lá xà lách” đăng tải, dẫu với dung lượng và chiều sâu hạn chế. Thế nên báo “lá xà lách” rất phù hợp cho những người không có nhiều thời gian đọc báo mà vẫn nắm được sơ bộ tình hình thời sự. 
 
Bây giờ lại nói đến chuyện tự do, nhiều nhà báo (hay chủ vườn cải?) ở mình lên giọng phê bình người này, người nọ bằng những ngôn từ hơi bị khó nghe, rồi oang oang là “nhân danh tự do ngôn luận”... Mình nghĩ chắc những người ấy còn chưa bao giờ sờ vào một tờ báo nước ngoài nào, bất kể là báo “lá xà lách” hay báo chính thống, mà vẫn lên tiếng đấu tranh cho tự do ngôn luận “như ở nước ngoài” thì phải nói là quá giỏi? Bởi vì mặc dù Tổng thống Pháp Hollande, cũng như Sarkozy, Jacques Chirac hay bất kì ông tổng thống nào khác cũng từng được ưu ái lên báo trong những bài phê bình trào phúng có, nghiêm túc có, nhưng cánh nhà báo chẳng bao giờ đặt điều, vu khống chuyện gì, huống hồ là lăng mạ, sử dụng những ngôn từ thiếu văn hoá.
 
Bởi vì người viết có quyền ngôn luận, nhưng người được viết tới có quyền được tôn trọng, dù người đó có là tổng thống, chủ tịch nước hay là công nhân đi chăng nữa. Và bởi vì người đọc có quyền được đọc những lời lẽ có văn hoá, có học thức, bởi sức ảnh hưởng của văn hoá truyền thông đại chúng đến hệ tư tưởng và hành vi của con người lớn vô cùng. 
 
Tóm lại, làm báo tức là làm văn hoá và học văn hoá. Người viết làm văn hoá cho người đọc, cũng chính là học văn hoá cho bản thân: Văn hoá nói, viết làm sao để truyền tải thông tin một cách chí công vô tư, chớ đan xen lợi ích, tình cảm cá nhân, chớ thể hiện một cách tiêu cực những suy nghĩ của mình mà rơi tòm xuống hố phân bón cho vườn cải. Anh thích tự do? Mời anh cứ việc, nhưng phải có văn hoá!
Hải Triều