(Baonghean) - Trong lúc vật giá leo thang, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, cán bộ công nhân viên chức đang mong được tăng lương, thì tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 29/9/2013, Bộ Tài chính đề xuất ý kiến là kể từ tháng 1/2014, sẽ giảm lương cơ bản 100.000 đồng. Lần đầu tiên cán bộ CNVC được nghe hai từ “giảm lương”! Nhưng vì sao lương không tăng mà lại giảm? Câu trả lời của Bộ Tài chính cũng đơn giản: Thuế thu không đạt kế hoạch, mất cân đối thu chi ngân sách, tính đến hết tháng 9/2013, tổng thu chỉ đạt 66,6% mức thu dự toán. Trong lúc đó, bội chi ngân sách cứ tăng dần vào dịp cuối năm, cho nên, theo Bộ Tài chính, đành phải chọn cách giảm lương để điều tiết thu chi! 

Vậy là, để cân đối ngân sách, Bộ không còn cách ứng phó nào khác chăng? Có người chê biện pháp giảm lương của Bộ là “phản cảm”. Lại có người nói rằng, giảm lương là việc không hợp lý, thậm chí có người coi biện pháp đó làm giảm thiểu sức mua, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế chung.
 
Một số nhà khoa học nói rằng, có nhiều nguyên nhân làm nên sự bội chi. Bộ Tài chính nên xem xét các nguyên nhân đó trước khi nói đến việc cắt giảm lương của người lao động. 
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư- Bùi Quang Vinh nhấn mạnh rằng, vấn đề hiện nay là cần phải chi tiêu một cách hợp lý, chống lãng phí ngân sách. Ông cho rằng, có nhiều con đường ở miền núi xây quá to, 60- 70 mét chiều rộng, các công trình xây dựng kéo dài, tăng vốn rồi đổ cho tăng giá vật tư! Không vòng vo, Bộ trưởng nói thẳng : “Ngụy biện hết”! Người ta tìm mọi cách để có công trình, bất kể công trình gì, có “xây” thì mới có “cất”, tốn kém nhiều mà hiệu quả rất thấp! Một đại biểu Quốc hội ở Tây nguyên phát biểu: Nước nghèo mà xây trụ sở như cung điện, quan chức đi xe hơi đắt tiền, sang trọng, “xịn” nhất thế giới! Cán bộ đua nhau lấy cớ đi “tham quan”, “học tập” nước ngoài, tốn kém tiền tấn, hỏi làm sao mà không bội chi? Sao không cắt những khoản đó mà Bộ lại đề xuất cắt lương của người lao động? 
 
Lại có người nói, thời đại thông tin, nhiều đơn vị, nhiều ngành vẫn tổ chức hội họp theo kiểu cũ, tập trung người lại, gây tốn kém từ việc bày biện hoa hòe, áp phích trang trí, in ấn giấy tờ, đi lại, ăn ở, tiệc tùng chiêu đãi… Sao không họp trực tuyến, vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc vừa đạt hiệu quả cao? Bộ Tài chính nên cắt giảm những thứ này thay vì cắt tiền lương của cán bộ CNVC. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Đinh La Thăng cho rằng, để cân đối thu chi, ngoài việc chống chi lãng phí, chi không đúng, còn phải xem lại phần “thu”. Thu đúng chưa, thu đủ chưa, có tham ô tham nhũng trong việc thu thuế không? Bộ trưởng Đinh La Thăng kể chuyện mua máy tính ở cơ quan và ông chỉ ra rằng, có hiện tượng tiêu cực trong việc thu thuế. Từ đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng kết luận : “Xin mời Bộ Tài chính củng cố, chấn chỉnh lại ngành thuế để tránh thất thu ngân sách, đừng giảm 100.000 đồng tiền lương của dân nghèo mà tội nghiệp!”. 
 
Mặt khác, nhìn vào thực tế, ai cũng thấy, giảm lương tức là giảm sức mua hàng hóa của người dân, sức mua yếu, hàng tồn kho lớn, dẫn đến sản xuất đình trệ, các doanh nghiệp không bán được hàng. Doanh nghiệp không bán được hàng thì không nộp được thuế, cái vòng luẩn quẩn cung - cầu ấy càng rối thêm! Ngoài ra, việc giảm lương sẽ làm người nghèo càng thêm nghèo, nếu đời sống một bộ phận dân cư quá sa sút, e rằng sẽ dẫn đến các vấn đề xã hội khó lường. Rõ ràng “giảm lương” là biện pháp không khả thi, lợi ít, hại nhiều, sáng kiến đó có nguy cơ trở thành “tối kiến”!
 
Năm 2013 này, theo lộ trình tăng lương, đáng lẽ lương tối thiểu đã tăng lên 1,3 triệu đồng từ ngày 1/5/2013. Do gánh nặng lo ngân sách nên Bộ Tài chính đã đề nghị lùi thời điểm tăng lương 2 tháng, tới 1/7/2013 và mức tăng lương cơ bản chỉ còn 100.000 đồng thay vì 250.000 đồng như dự tính. Mức tăng lương này không đuổi kịp mức tăng vật giá, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, trong đó còn có cả những người mất việc, không lương. Hẳn là Quốc hội, Chính phủ khó đồng tình với  biện pháp giảm lương do Bộ Tài chính đề xuất. Chúng ta  hy vọng dự thảo đề án tăng lương do Bộ Lao động đã trình lên, sẽ được Chính phủ và Quốc hội nhất trí thông qua. Theo đó, năm 2014, mức lương tối thiểu sẽ được nâng lên từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng/tháng. 
 
Thạch Quỳ