(Baonghean) - Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sau khi trình bày thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và 3 năm (2011-2013); kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, ông Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, kinh tế vĩ mô chưa có các yếu tố bền vững, các yếu tố phi thị trường vẫn còn tiềm ẩn. Và rồi kết luận: Cải cách tiền lương trong khu vực công phải thực sự là động lực nhưng chưa có nguồn lực để thực hiện. Như vậy, nhiều khả năng việc tăng lương theo lộ trình đã đề ra từ nay đến năm 2014 sẽ phải đình hoãn.
Vấn đề cần bàn bạc kỹ và làm rõ ở đây là làm thế nào để tạo ra nguồn lực phục vụ cho những cải cách về tiền lương trong khu vực công. Trước hết, cần phải thấy việc tăng lương theo đúng lộ trình hay không thật sự không quan trọng. Vì lẽ, mỗi lần tăng lương, giá cả trên thị trường lại tăng theo, khiến cho việc tăng lương chỉ có ý nghĩa động viên là chính mà chưa tạo ra hiệu quả thiết thực là cải thiện đời sống của những đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Vì thế, nếu chưa có đủ nguồn lực để tăng lương thì cần phải có các biện pháp hợp lý và đủ mạnh để giữ giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không tăng thêm. Làm được như vậy thì ngân sách sẽ không phải mất thêm nhiều nghìn tỷ đồng chi cho việc tăng lương mà đời sống của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước vẫn ổn định. Như vậy, có thể coi việc ghìm giữ giá cả ở mức hợp lý cũng là một giải pháp tạo ra nguồn lực.
Thứ đến là, trong hoàn cảnh nền kinh tế chưa thoát khỏi sự trì trệ, không còn dư địa để tăng thu thì cần phải giảm chi. Những khoản chi nào chưa thật sự cần thiết thì kiên quyết cắt bỏ. Mấy ngày qua, dư luận cả nước nóng lên về chuyện xây mới sân bay quốc tế Long Thành ở Đồng Nai với giá thành 8 tỷ USD. Rất nhiều người không đồng tình với việc này, với lý do hiệu quả kinh tế không rõ ràng và nhất là tại thời điểm này thật sự chưa cần thiết, vì Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn còn đáp ứng được nhu cầu vận chuyển trong một thời gian rất dài nữa. Nếu đúng là như vậy thì nên tạm hoãn lại, chờ khi có đủ điều kiện thuận lợi về mọi mặt thì tiếp tục triển khai. Với 8 tỷ USD, ngân sách sẽ có thêm một khoản không nhỏ để chi dùng vào những chương trình cấp thiết, mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng hơn.
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo như hiện nay thì đó là một khoản tiền rất lớn và nếu được sử dụng hợp lý có thể trở thành một đòn bẩy xoay chuyển tình thế. Một thứ nữa cũng có thể cắt giảm được mà không mấy ảnh hưởng đến quốc kế, dân sinh đó là các lễ hội. Ta tổ chức nhiều lễ lạt, hội hè, đình đám quá. Mỗi năm, cả nước, tính sơ sơ có tới gần 3 nghìn lễ hội. Mà không phải lễ hội nào cũng đẻ ra hiệu quả kinh tế nhờ thu hút khách du lịch. Đó là chưa kể còn bao nhiêu các loại lễ lạt khác như lễ kỷ niệm các ngày truyền thống ban, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tỉnh này, thành phố nọ… rồi lễ động thổ, lễ hoàn công, khánh thành các công trình lớn nhỏ…
Số tiền chi cho các hoạt động này cũng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Nếu tiết giảm được, cũng sẽ tạo ra một nguồn lực tài chính không nhỏ. Người ta có câu “Miệng ăn, núi lở”, nếu chỉ ngồi ăn mà không làm ra thì dù “thắt lưng, buộc bụng đến mấy” cũng có ngày cạn kiệt. Do vậy, bên cạnh các giải pháp đó phải tính đến các giải pháp cụ thể thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng giải quyết tình trạng tồn kho, nợ xấu. Vấn đề này, chúng ta đã nói nhiều rồi, các giải pháp cũng đã được đưa ra, nhưng hành động cụ thể để tháo gỡ thì vẫn còn ít nên hiệu quả đạt được không cao. Phải thực hiện có kết quả rõ ràng những giải pháp cơ bản đó thì mới tạo ra được sự thặng dư về tiền bạc.
Nguồn lực là ở đó!
Duy Hương