(Baonghean) - Cơn bão số10 được xem là cơn bão tai ác nhất đối với các tỉnh miền Trung. Ngoài kéo theo mưa gây lũ ống, lũ quét làm ngập hư hỏng nhiều nhà cửa, tài sản hoa màu còn tàn phá hàng chục ngàn ha cao su - một loại cây đang mang lại “vàng trắng” cho người nông dân.
Theo con số thống kê đã có hàng chục ngàn ha cao su của các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… bị đổ gãy. Trong đó hàng ngàn ha đã bước vào thời kỳ kinh doanh, cho sản phẩm cũng đã tiêu tan trong gió bão. Để có được những cánh rừng cao su bước vào tuổi kinh doanh người trồng phải đổ nhiều mồ hôi, công sức và có khi cả máu.
Theo ông Trần Ngọc Thắng, Giám đốc Công ty CP cao su Nghệ An, hiện cây cao su cho thu nhập cao nhất so với tất cả các loại cây trồng trên lập địa đất đồi núi, với giá hiện nay 110 triệu đồng/ha/năm, 6 - 7 triệu đồng/người/ tháng. Nhưng đầu tư ban đầu cũng không phải ít với trên 150-200 triệu đồng/ha. Hầu hết diện tích cao su ở các tỉnh Bắc Trung bộ bị bão số 10 tàn phá lại vừa mới đưa vào khai thác được một vài năm nên chưa thu hồi được vốn, thiệt hại rất lớn.
Theo báo cáo của các tỉnh, tổng thiệt hại về cao su của các tỉnh trong 2 cơn bão số 10 và 11 ước khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó riêng huyện Gio Linh (Quảng Trị) thiệt hại khoảng 1.550 tỷ đồng. Nhiều hộ, sau bão đã trắng tay, mộng làm giàu từ cây cao su tan vỡ. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị việc trồng cao su của doanh nghiệp và người dân đều dựa vào quy hoạch của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và nguyên nhân chính là do cường độ bão lớn, cây cao lại trồng gần biển và đặc biệt thân cao su giòn. Bên cạnh đó, nhiều diện tích lại trồng không đúng quy trình như:
Trồng mật độ quá dày (trên 600 cây/ha) nên thân nhỏ cao vóng dễ gãy đổ; không có đai chắn gió bảo vệ rừng cao su.
Đối với Nghệ An toàn tỉnh hiện có 8.000 ha cao su nằm rải rác trên địa bàn các huyện: Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong. Trong đó, ngoại trừ một số diện tích của các công ty, đơn vị ở vùng Phủ Quỳ và Tân Kỳ đã đưa vào kinh doanh, số còn lại đang thời kỳ kiến thiết cơ bản. Theo Sở NN&PTNT, hầu hết diện tích cao su đang kinh doanh tại các công ty trên địa bàn phần lớn đều trồng bằng vốn 327, năng suất không cao nhưng sức chống gió bão tàm tạm và diện tích cao su hiện có lại nằm cách biển trên 50 km nên đỡ ảnh hưởng.
Tuy nhiên qua thị sát, diện tích cao su trên địa bàn tỉnh của các công ty được trồng theo quy hoạch, chưa có cao su tiểu điền. Bên cạnh diện tích trồng các giống cũ đã cho thu hoạch thì số còn lại đang thời kỳ xây dựng cơ bản lại phần lớn giống mới khả năng cho năng suất cao nhưng lại nảy sinh bất cập là chưa thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật nên trồng vào cả những vùng có luồng gió, mật độ còn dày, thiếu đầu tư xây dựng các vành đai chắn gió. Cho nên trước biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ ngày càng phức tạp, không ít đơn vị hết sức lo lắng. Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cà phê- cao su Nghệ An trăn trở: Công ty là đơn vị chuyên doanh cao su - cà phê. Ngoài diện tích cà phê, công ty có 2.600 ha cao su. Đó là nguồn sống của trên 2200 cán bộ, công nhân, nhưng tất cả đều giống mới, rễ bàng, các cánh rừng lại chưa có vành đai xanh chắn gió bão... đang đứng trước nguy cơ bị đổ gãy rất lớn khi có bão đến.
Cách đây 3 năm, một số diện tích cao su nằm vào luồng gió ở Tân Kỳ và Nghĩa Đàn cũng đã bị bão tàn phá, thiệt hại khá nặng nề. Vì vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần sớm rà soát để có một kế hoạch chiến lược và biện pháp phát triển diện tích cao su bền vững, tránh tình trạng nóng vội hữu khuynh hay tả khuynh. Bởi một thực tế cho thấy, trồng cây gì, nuôi con gì cũng có ưu có nhược, không tránh khỏi sự đe dọa của thiên tai, cái người dân đang cần ở các cấp ngành là làm gì để hạn chế, khắc phục được nhược điểm và sự đe dọa đó!
Hải Yến