(Baonghean) - Mình xin thú nhận một điều cực kì thầm kín: mình rất khoái các chuyện tâm linh, thần thánh, ma quỷ. Hồi bé thì nghe lỏm bà cố của chị hàng xóm kể chuyện ma phía bên kia cửa sổ rồi đêm ngủ thà tè dầm chứ không dám đi vệ sinh. Lớn thì rủ rê mấy đứa bạn thân trùm chăn bật chuyện Nguyễn Ngọc Ngạn, ôm nhau la hét, có đứa bị bịt mũi nằm ú ớ ngắc ngoải. Thậm chí sang nước ngoài mình vẫn tìm ra cách để dây dưa với mấy trò bói toán...
Ai bảo các nước phương Tây văn minh tiến bộ, chỉ có châu Á mình mới mê tín dị đoan? Nhầm to rồi bạn ơi! Tìm hiểu về lịch sử các nước châu Âu mới biết sự hiện diện của các pháp sư, phù thuỷ trong xã hội này còn xác thực hơn cả trong văn hoá châu Á khi hàng loạt văn tự cổ ghi chép lại những vụ truy lùng, xét xử và thiêu sống phù thuỷ thời Trung cổ. Trên hết, hình tượng mụ phù thuỷ kinh điển với cái mụn cơm to tướng, cái mũi khoằm, mũ chóp nhọn vá víu, cưỡi chổi bay xuất phát từ văn hoá phương Tây chứ đâu? Để biết, sinh hoạt tín ngưỡng mang màu sắc ma quỷ, thánh thần không phải là đặc trưng của văn hoá chúng ta, lại càng không phải là lời giải thích cho sự tụt hậu so với các nước phát triển như nhiều người vẫn ngộ nhận.
Tại sao loạt truyện về cậu bé phù thuỷ Harry Potter trở thành loạt truyện bán chạy có một không hai trên thế giới? Tại sao loài người có xu hướng mê tín dị đoan? Tại sao xã hội loài người luôn gắn liền với tôn giáo và sinh hoạt tín ngưỡng? Không đánh đồng tín ngưỡng với mê tín dị đoan, nhưng cần khẳng định, xuất phát điểm của hai hiện tượng này là một: sự bị động của con người trước những hiện tượng thiên nhiên. Từ cổ chí kim, con người đã nhận biết được sự bất lực của bản thân trước thế giới. “Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả”, Socrate xưa nghĩ thế và Socrate nay cũng không nghĩ khác.
Tín ngưỡng là hệ giá trị được xem như chuẩn mực, nền móng của thế giới, được thống nhất, chấp nhận bởi một cộng đồng. Mục đích của tín ngưỡng là để trả lời cho những câu hỏi bất tận, đại khái như “Thế giới được sáng lập như thế nào?”, “Con người được sinh ra từ đâu?”, “Tại sao lại có đàn ông và đàn bà?”... Những câu hỏi thuộc về nguyên lí vận hành của tạo hoá mà chỉ có loài người, sinh vật có tư duy, dám nghi ngờ và định đoán. Tín ngưỡng được xem như công cụ để con người với tay đến sự thật, hoặc chí ít là tạm thoả mãn sự hiếu kì và nghi vấn. Bước sang kỉ nguyên khoa học, giá trị kiến thức và sự thật của tín ngưỡng phần nào giảm đi, phát triển dần sang thế giới của tâm hồn, tình cảm, phi vật chất mà khoa học vẫn chưa lí giải được. Mê tín dị đoan là thái cực cực đoan của tín ngưỡng, khi con người tin vào những hiện tượng phi khoa học một cách mù quáng, phủ nhận câu trả lời mà khoa học đưa ra.
Đâu là ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan? Khó mà phân định rạch ròi hay phủ nhận cả hai, bởi không ai sống mà không có niềm tin. Có những niềm tin dù vô căn cứ nhưng lại cần thiết cho những tâm hồn yếu đuối cần dựa dẫm. Có phải những lúc đối mặt với khó khăn và hiểm nguy, ngay cả người ít sùng đạo nhất cũng chắp tay khấn vái thần phật mười phương cầu xin sự phù hộ? Xét trên phương diện khoa học, tín ngưỡng cũng giống như một liều thuốc tâm lý, xua đuổi những suy nghĩ tiêu cực, bi quan để hướng con người đến những điều tốt đẹp. Nhưng dùng thuốc phải đúng liều, đúng bệnh. Ví dụ, để xoa dịu lương tâm và mong muốn thờ phụng, tưởng nhớ những người đã khuất mà đem một mẩu xương bò, xương lợn ra lừa đảo thì vô đạo đức lắm!
Vừa đọc tin trên mạng, nào là “cậu” T tự xưng được “hưởng lộc thánh” bị bắt vì lừa đảo, các nhà ngoại cảm “rởm” làm loạn quá trình tìm xác của một nạn nhân...mình gửi ngay mấy bài báo cho anh bạn mình, biệt danh “thầy” vì rất rành những chuyện bói toán, tâm linh: “Thầy là thầy rởm hay thầy xịn đây?”. “Thầy” nói vẻ điềm nhiên như không: “Người ta cứ nói thế chứ ai dám khẳng định mình trăm phần trăm không mê tín dị đoan? Cái giống người thật lạ, vì không biết nên sợ, càng sợ lại càng tò mò, càng biến mình thành miếng mồi ngon cho phường buôn thần bán thánh. Chính đấy mới là thất kính với các bề trên!”. Còn mình thì không thể ngăn được ý nghĩ khôi hài rằng mấy “cô”, mấy “cậu” ấy đang tự nói với cái đầu gối của mình: Úm ba la cà na xí muội, giải hạn, giải hạn!
Hải Triều (Email từ Paris)