(Baonghean) - Tui hay nghe người ta nói “trên bảo dưới không nghe” ý là răng, anh Chắt?
 
- Đơn giản thôi mà ví như ả Nhiêu đây bảo thằng cu con đi mần một việc chi đó mà nó không nghe, không chịu thì có nghĩa là “trên bảo dưới không nghe”.
 
- Rứa là tui bắt đầu hiểu. Nhưng mà tại răng lại có hiện tượng nớ, anh Chắt hè?
 
- Tại răng lại có chuyện nớ thì nhiều lý do lắm. Đơn cử như là…
 
- Là răng, anh Chắt?
 
- Một là “dưới” ương bướng, ngang ngạnh, thích chống đối, không chịu nghe, chịu phục ai cả. Hai là…
 
- Là do cả trên nữa?
 
- Ả Nhiêu nói đúng! Có khi là do cả “trên” nói không đúng, mần không phải, thích áp đặt, mất dân chủ chỉ biết được việc cho mình mà không quan tâm đến ở “dưới” ra răng cả thì người ta cũng không chịu nghe theo!
 
- Dừ thì tui hiểu thật rồi!
 
- Hiểu chuyện chi?
 
- Chuyện vì răng mà bà con xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ lại nhất quyết phản đối, không cho một doanh nghiệp tư nhân khai thác cát tại bãi bồi ở bờ sông Con. Cho dù…
 
- Dù huyện, tỉnh đã đồng ý, đã cấp phép cho doanh nghiệp đó khai thác nên ả mới cất công tìm hiểu là vì răng “trên bảo dưới không nghe”?
 
- Chính xác! Nghe nói, cơ quan có thẩm quyền cấp phép mà không xuống tận nơi hỏi dân, coi thử việc khai thác đó có ảnh hưởng đến cuộc sống của dân tình chung quanh hay không. Trong khi đó thì…
 
- Thì răng đó ả Nhiêu?
 
- Thì bà con xóm Gia Đề nói là họ đã trồng màu bao đời nay ở hai bên bờ sông Con. Nay cho doanh nghiệp vào khai thác cát sỏi, sẽ dẫn tới xói, lở làm mất đất sản xuất. Nên họ nhất định không chịu nghe theo. Họ lại còn nói…
 
- Nói răng?
 
- Nói là trên mần rứa  là không được, là coi thường, là làm mất đi quyền dân chủ, khi không hỏi ý kiến của họ. Thành ra, dân thì mất ăn, mất ngủ tìm mọi cách để khỏi mất đất. Doanh nghiệp thì bỏ công, bỏ của ra mà không làm được vì bị dân ngáng trở. Cả hai bên đều thiệt. Chỉ có anh cầm triện đóng dấu là…
 
- Thôi, ả Nhiêu nói chừng nớ là đủ hiểu rồi. Nếu chuyện đúng là rứa thật thì mần ăn tắc trách kiểu nớ chỉ có thiệt cho dân thôi!
 
Tri Kỷ