(Baonghean) - Hôm nay ngồi ở hàng nước trước cơ quan, mình nghe lỏm được câu chuyện giữa bác cựu chiến binh nhà gần đấy và bà chủ quán. Chuyện mở đầu bằng lời nhận xét của bà chủ:
- Dạo này sao mà lắm chuyện giết chóc thế không biết? Mà toàn là đại án, giết nhiều người cùng một lúc. Mạng người chứ có phải là cỏ cây, con vật đâu mà sao họ nhẫn tâm làm chuyện thất đức. Nghĩ đến mà rùng mình! Tưởng rằng nội tình ẩn giấu cơ sự gì sâu xa, éo le, phải đến bước đường cùng mới có thể khiến cho một con người trở thành kẻ sát nhân. Ngờ đâu toàn lý do…lãng xẹt: chuyện tình cảm tuổi trẻ, mâu thuẫn bình thường dẫn đến xô xát,…Chẳng lẽ mạng người rẻ rúng như vậy sao? Thời chiến tranh bom rơi đạn lạc, chết oan uổng đã đành. Đằng này, chỉ vì những vấn đề không đáng mà nỡ đem tính mạng con người ra để giải quyết. Khó hiểu làm sao!
Bác cựu chiến binh ôn tồn phân tích:
- Tôi nghĩ, có lẽ bản thân những hung thủ giết người ấy, đến giờ phút cầm dao gí vào cổ nạn nhân vẫn chưa tưởng tượng được việc mình đang làm khủng khiếp đến mức độ nào. Tại sao lại như vậy? Ấy là bởi nhận thức của một bộ phận thế hệ hiện nay bị bão hoà những hình ảnh, thông tin đầy rẫy về bạo lực, đến nỗi khiến họ “bình thường hoá” ít nhiều những việc mà đáng lẽ ra không thể nào dung thứ được. Bà nghĩ mà xem, những bộ phim đầy rẫy cảnh máu me, bạo lực, những trò chơi điện tử mà người chơi nhập vai để bắn giết lẫn nhau, tôi cho rằng những thứ đó có tác động vô hình nhưng cực kỳ sâu đến nhận thức của con người. Đối với người trẻ, lại càng dễ bị chi phối, bị “tẩy não”, bởi vì chúng sinh ra trong thời bình, không biết đến sự khủng khiếp của chết chóc, của đổ máu. Tôi cứ nghĩ, kẻ sát nhân trẻ tuổi khi cầm dao cứa cổ nạn nhân và lấy đi mạng sống đó mà cứ mường tượng ra mình đang chơi một trò chơi, là lại rùng mình…
Mình ngồi nghe lỏm những lời bình luận, cũng không khỏi rùng mình. Nhưng không phải vì những tình tiết của vụ án mạng gây xôn xao dư luận gần đây, mà vì nghĩ đến những điều lớp người đi trước từng chứng kiến, từng trải qua, để rồi thấm thía được ý nghĩa và cái giá của sinh mạng con người. Trước đó không lâu, mình vừa đi Côn Đảo, tham quan nhà tù do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xây dựng. Cứ tưởng rằng đã nghe kể, đã đọc đủ nhiều để căm ghét chiến tranh, nhưng phải tận mắt chứng kiến những gì trần trụi nhất của nó, mới ngẫm ra rằng: Hiểu về chiến tranh là khi ta thấy sợ hãi nó, rồi từ nỗi sợ mới sinh ra sự căm ghét. Làm sao mà những con người ấy có thể sống sót qua khỏi cảnh ăn cơm trộn với ruồi, ngủ trên nền xi măng ngập ngụa trong phân và nước tiểu, bị rắc vôi bột và dội nước bẩn lên người,… làm sao có thể? Đến tận bây giờ, khi tất cả chỉ còn là quá khứ ẩn hiện đằng sau bức tường nhà tù bỏ trống, vẫn khiến người ta không khỏi rùng mình sợ hãi trước suy nghĩ: mỗi hạt cát, hòn sỏi dưới chân, mỗi phân tử không khí đang hít thở, tất cả đều thấm đẫm máu và nước mắt của một lịch sử không thể xoá nhoà.
Vậy thì có khi nào, nhân cách và đạo đức của con người ta bị méo mó, lệch lạc đi ít nhiều vì sống trong một thế giới thiếu đi sự thật và tìm cách lấp đầy khoảng trống bằng những cảm giác ảo? Nhưng đó lại là điều cực kỳ nguy hiểm, bởi khi ta lặp lại cùng một hành vi đó trong thế giới thật này, hậu quả của nó sẽ không còn là một kịch bản ảo nữa. Nói cách khác, nhiều tội ác, sai lầm mà con người ta mắc phải một cách không đáng có, chung quy là do sự thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức một cách nguy hiểm. Liều thuốc chữa chứng bệnh “sống ảo” ấy, không gì khác ngoài giáo dục cho những thế hệ hôm nay và ngày mai về những gì chân thực nhất. Quá khứ. Lịch sử. Những nỗi đau.
Hải Triều