(Baonghean.vn) - Buồn cười, đấy là cảm giác của người viết bài này khi hình dung các cháu học sinh tiểu học khúm núm gọi lớp trưởng của mình là Chủ tịch hội đồng!
Mới nghe cứ tưởng là chuyện tếu táo của những ngưới có đầu óc hài hước, nhưng không, chuyện thật 100%! Không tin cứ “thưởng lãm” Dự thảo Điều lệ trường tiểu học (thay thế Điều lệ ban hành năm 2010) mà coi! Thay vì vị trí lớp trưởng được “bổ nhiệm” là chức danh “Chủ tịch Hội đồng tự quản” do ‘cử tri” trong lớp bầu lên, dưới Chủ tịch hội đồng có các Trưởng ban, dưới Trưởng ban có các Phó ban, sướng nhất là Chủ tịch hội đồng còn có cả… thư ký! Thật đấy! Nghe nói đây là “cuộc cách mạng” trong cung cách giáo dục mới, được cất công nghiên cứu rất kỹ từ mô hình “rất dài và rất xa”, nói toạc ra là tận… phương tây!
Không biết cái câu chuyện có chút ly kỳ mang tên “Chủ tịch hội đồng” trong trường tiểu học sẽ dẫn những kỳ vọng lớn lao của các nhà quản lý đi theo lối nào, nhưng quả thực với những người đã cạn nghĩ lại đa nghi như mình cứ thấy lo lo. Lo đầu tiên là lo cho đứa cháu con bà chị họ, nói tiếng Việt chưa tròn, rồi nó sẽ ứng xử với chủ tịch ra làm sao cho phải đạo. Mặc định trong xưng hô lâu nay của thiên hạ đã rành rành ra đó, hễ cứ ai chủ tịch thì cứ phải gọi là ông, là bà.
Giờ thì thằng cháu nhà chị họ sẽ gọi vị Chủ tịch hội đồng tự quản lớp 3 A của nhà nó như thế nào? Bẩm “ông” Chủ tịch hội đồng thì e là “chưa đủ tuổi”, mà gọi “bạn” Chủ tịch hội đồng thì liệu có “phạm húy” không? Chã nhẽ “Bạn Chủ tịch hội đồng ơi, cho tớ ra ngoài đi tè” à? Lại còn chuyện hôm sau nó rủ chủ tịch về nhà ăn vụng dưa chuột nữa chứ, người ta có chức có phận hẳn hoi, dưới người ta còn có trưởng ban này, phó ban nọ, lại còn… thư ký nữa, mình tuy là người lớn nhưng lại là “dân đen” cũng phải xưng hô thế nào cho phải phép chứ nhỉ?
Đành rằng đây mới chỉ là dự thảo, có lẽ còn phải nghe và tiếp thu ý kiến đa chiều của dư luận xã hội và các nhà khoa học. Nói đi thì cũng phải nói lại, trong chuyện này cũng cần ghi nhận hai điều: Thứ nhất, tìm đến cái mới, dám đưa cái mới vào ứng dụng. Đấy là một trong những gì mà chúng ta cần phải cổ vũ. Thứ hai là, tính dân chủ cũng như thái độ rất cởi mở của Bộ khi dự thảo này được trải rộng ra cho mọi người tham gia ý kiến. Chính điều này đã mang đến cho cơ quan soạn thảo cơ hội tiếp nhận những quan điểm đa chiều để từ đó gạn lọc tìm được phương án tối ưu nhất cho quyết định quản lý của mình. Cũng qua việc mở rộng đối tượng tham gia ý kiến lần này đã góp phần trao cho người dân trách nhiệm của bản thân mình trước những vấn đề quan trọng của xã hội. Xem đây như là một chương trình “xã hội hóa” chủ trương, nhằm tranh thủ trí tuệ, trách nhiệm của công đồng trong sứ mệnh cao cả - dạy người.
Cái gì cũng có mặt hay mặt dở, nhân đây cũng xin được nói thêm về quy định sĩ số 35 em trên một lớp. Tất nhiên là không mấy nơi thực hiện được điều này rồi, ai cũng biết, Bộ lại càng biết. Một quy định mà biết trước nó chắc chắn không thể đi vào cuộc sống mà vẫn cứ khư khư thì quả là áy náy. Theo tôi, vấn đề này cần linh hoạt theo phương án xây dựng một “quy phạm tùy nghi”, đừng cứng nhắc.
Trở lại với câu chuyện “chủ tịch hội đồng”, dư luận đang “đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác”. Mong rằng Bộ sẽ xem xét thận trọng, Gì thì gì chứ trường học, lại là cấp tiểu học mà mô hình quản lý na ná với chính quyền thì e là không phù hợp. Hình như đã có người đã có người nào đó vui tính gọi đây là “bệnh sính quan” rồi đó! Nếu đây là một mô hình “phương tây” như dư luận đồn đoán, thì xin được nói rằng, không phải cái gì mang về từ phương tây đều phù hợp với trình độ, với văn hóa, với tập quán của chúng ta cả. Đúng tất cả mà không đúng lúc thì vẫn là chưa đúng. Cá nhân tôi cho rằng, mô hình “Chủ tịch hội đồng” không phải là trái khoáy mà hiện tại là chưa phù hợp đấy thôi. Có lẽ cần một sự chuyển tiếp mềm mại hơn chăng? Ít nhất cũng nên xem lại cái tên gọi, chúng ta đang xây dựng “trường học thân thiện” mà lại đưa “Chủ tịch hội đồng” vào liệu có ổn không?
Nguyễn Khắc An