(Baonghean) - Thấy ai đến chặt cây, bà con báo ngay cho ông, tìm cách ngăn lâm tặc không cho chúng phá “rừng ông Nghĩa". Nhân dân họ quen gọi vậy vì họ hiểu "rừng ông Nghĩa" cũng là rừng của nhân dân, của chính mình. Thế là dù chỉ một mình mà ông Nghĩa có hàng trăm đôi mắt, hàng trăm cánh tay giúp mình giữ được rừng săng lẻ nguyên vẹn, phát triển xanh bạt ngàn tạo nên cảnh đẹp cho quê hương, cho miền tây xứ Nghệ.
 
images885246_a1.jpgÔng Vi Chính Nghĩa trong một chuyến lên rừng. Ảnh: Vi Hợi
Ông Vi Chính Nghĩa - nguyên Bí thư Huyện ủy Tương Dương, nguyên Phó Ban miền Tây (Ban Dân tộc bây giờ) phụ trách công tác định canh định cư của tỉnh Nghệ An sau khi nghỉ hưu đã trở về với đại ngàn miền Tây. Ông trở về sống bình dị với bà con nơi chôn rau cắt rốn của mình: bản Na Khám, xã Tam Quang (nay là bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, Tương Dương).
 
Dù đã qua cương vị cán bộ chủ chốt của huyện và tỉnh, ông vẫn sống giản dị như xưa, vẫn đi rừng làm rẫy cuốc đất, trồng ngô. Căn nhà ông trở thành nơi đi lại của dân bản cũng như cán bộ xã, huyện mỗi khi có chuyện vui buồn hay khó khăn trong công việc. Lúc rảnh rỗi ông thường trèo lên mấy ngọn núi cao của dãy Pù Đăm Sàng ngắm nhìn những cây săng lẻ thân thẳng, da bạc trắng, vàng ửng đang vươn cao đón ánh mặt trời. Nhìn những cây săng lẻ ông thường nghĩ đến những ngày cách mạng và kháng chiến, nghĩ đến bao thế hệ người dân các dân tộc thiểu số của quê hương mình cứng cỏi và luôn khát khao độc lập, tự do.
 
Ông nhớ những cánh rừng nguyên sinh đã từng che chở, nuôi dưỡng các chiến sĩ cách mạng, bộ đội tiểu phỉ bắt biệt kích. Ông càng hiểu rừng như cái nhà của mình. Thế nhưng, ông xót xa trước những cây săng lẻ to, đủ vòng tay ôm đã bị chặt còn trơ gốc, mét ứa bầm như máu. Ông lại nhớ đến những ngày ở Ban chỉ đạo công tác định canh của tỉnh, ông đã đến bao cánh rừng bị phá, bị đốt làm rẫy, bị kẻ xấu tàn phá. Màu xanh đã bị hủy diệt, lá phổi bị cắt xẻ, sự sống bị đe dọa... Những năm chín mươi thế kỷ trước... từ dân trong vùng đến dân các nơi nhiều người cần gỗ làm nhà. Rừng săng lẻ này cây đã cao lớn, có Quốc lộ 7 chạy qua, chỉ cần một đêm thôi là có thể có xe gỗ mang về xuôi.
 
Hơn nữa, về đây thỉnh thoảng nghe cây đổ, thấy xe gỗ lậu vẫn chạy trên đường, lòng ông không yên. Chẳng bao lâu nữa những cánh rừng này bị đốn chặt hết mất thôi. Đêm về nằm, không ngủ được, phải làm sao giữ được rừng đây? Nhớ lúc được kết nạp Đảng lời đầu tiên mình nói; Xin cống hiến cho Đảng, cho dân đến giọt máu cuối cùng. Giờ già rồi lại nhớ lời Bác Hồ dạy: "Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức", tuổi trẻ mình đã cống hiến hết sức mình, được thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, nay về lão tại quê nhà mình cũng phải làm điều gì giúp sức cùng cán bộ địa phương đây? Sau nhiều đêm nghĩ ông quyết định: "Phải giữ lấy rừng săng lẻ này". 
 
Thế là ông tự đề đạt với cán bộ xã rồi cán bộ huyện nhận việc giữ rừng “Tiền công có càng tốt, không có cũng làm” và được đồng ý. Dù đã có nhà cửa và con cái đàng hoàng, ấm cúng cùng dân bản, ông cùng vợ đưa nhau ra đường 7, phát vùng đất nhỏ ven đường, dựng căn nhà tạm để trông giữ rừng. Ngày ngày hai ông bà chia nhau mà đi, mà can ngăn kẻ phá rừng, thuyết phục dân quanh rừng cùng giữ rừng. Ngày nắng hay đêm mưa, đông lạnh hay hạ cháy vẫn đi, không có đồng phụ cấp nào cũng đi, không khó khăn nào ngăn cản được bước chân của người già quyết giữ rừng cho quê hương. Ông nói với tôi: Khó khăn về thời tiết hay có đói, ta vẫn chịu được, nhưng khó nhất là ngăn cho được kẻ tham, vận động cho được dân cùng làm với mình.
 
Dân không cùng làm thì ta có mấy chục đôi chân, mấy chục cánh tay cũng không làm được đâu. Kẻ chặt trộm ngày càng nhiều, ta thu hết rìu, ta dắt xe, dắt trâu báo với xã, báo với huyện, nó vẫn không sợ. Chúng tìm đủ cách, có kẻ mang rượu, thịt mời ta uống, ta nói: "Chú mời ta uống ta uống, chú mời ta ăn ta ăn, nhưng chặt một cành cây cũng không được mô. Rừng là của dân". Họ nói: “Của dân là của mọi người, ta chặt vài cây cũng được mà”. Hừ! Mỗi người chặt một cây thôi thì cũng đủ nát rừng này rồi, ta không cho. Có bận ta bắt được mấy người chặt trộm một cây lớn. Họ giơ gậy, giơ dao định chém, ta nói: "Các chú chém ta chết cũng chẳng sao, nhưng các chú không thể đưa gỗ ra khỏi đây đâu. Dân biết cả rồi, các chú sẽ bị tù". Thế là họ đành dắt trâu về.
 
Nói đến đây, ông dừng lại, khuôn mặt nở nụ cười vui. Thế nhưng, nhìn mái đầu bạc của ông, tôi biết ông đã trải qua bao khó khăn và đã cố hết mình để vượt qua. Bao năm vất vả sống với núi rừng lắm nắng, nhiều mưa, bệnh thấp khớp đã hành hạ ông. “Đã nhận việc rồi phải cố làm bằng được, quyết không để rừng bị phá”. Nghĩ vậy, cố nén những cơn đau, ngày đêm ông vẫn lặng lẽ, cần mẫn đạp đá, vượt đèo, lội khe mà đi hết núi này đến núi khác giữ rừng. “Làm sao mà trong hàng chục năm trời ông lại giữ được cánh rừng săng lẻ nguyên vẹn, sinh sôi, đẹp như hôm nay?” Ông sôi nổi: Cốt dân, nhờ dân cả thôi. Dân mình tốt lắm. Không có dân thì dù có hàng chục tay súng cũng không giữ nổi đâu. Những lúc khó khăn nản chí mình lại nghĩ đến lời Bác Hồ: "Được dân tin yêu, dân phục thì việc gì cũng làm được" mà mình cố gắng, nên làm được vậy.
 
À ra thế! Tôi nhìn sang anh Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, anh mỉm cười gật đầu. Anh cho chúng tôi biết: Ông Vi Chính Nghĩa đã đi khắp bản làng lấy lợi ích của rừng với quê hương, khơi dậy trách nhiệm giữ rừng được bà con ủng hộ. Thế nhưng chỉ điều đó chưa đủ. Đồng bào các dân tộc trên này có tin ai, quý ai thì sẵn sàng làm theo. Thấy ông Nghĩa không có đồng phụ cấp nào (mãi sau này mỗi tháng ông được phụ cấp 100.000 đồng!) mà vẫn ngày đêm lo giữ rừng, bà con hiểu ông làm vì làng bản, vì chính họ nên mới cùng làm với ông. Thấy ai đến chặt cây, bà con báo ngay cho ông, tìm cách ngăn lâm tặc không cho chúng phá “rừng ông Nghĩa". Nhân dân họ quen gọi vậy, vì họ hiểu "rừng ông Nghĩa" cũng là rừng của nhân dân, của chính mình. Thế nên dù chỉ một mình mà ông Nghĩa có hàng trăm đôi mắt, hàng trăm cánh tay giúp mình giữ được rừng săng lẻ nguyên vẹn, phát triển xanh bạt ngàn tạo nên cảnh đẹp cho quê hương, cho miền Tây xứ Nghệ.
 
 “Giờ thì ổn rồi. Ta đã 84 tuổi rồi, huyện cho ta nghỉ, mỗi tháng chi ra 4 triệu đồng cho hai người khác bảo vệ, Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Vinh đã hỗ trợ 50 triệu đồng làm cho ta căn nhà gạch này đây.”- Ông hồ hởi nói như vậy. Ngồi uống với ông chén rượu nồng trong căn nhà mới, tôi ngước nhìn những Bằng khen, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy hiệu 60 tuổi đảng… lòng cảm phục sự tận tụy vì cuộc sống tốt đẹp của bản làng, của đất nước, nơi ông. Tôi cố nghĩ điều gì đã đem đến cho ông động lực và sức mạnh để bao năm lặng lẽ làm được điều lớn lao ấy vậy. Hình như hiểu được suy nghĩ của tôi, ông cạn chén rượu rồi nói: “Trên ngực đầy sao (Huân chương) cũng quý nhưng không làm được nhiều việc tốt cho dân thì có ý nghĩa gì. Khi trẻ đã đành, đến khi về già mà nói dân vẫn nghe, làm dân vẫn làm cùng, vẫn làm được lời Bác Hồ dạy “Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng, phụ lão làm, nhân dân làm theo” là ta bằng lòng với ta rồi!. 
 
Tôi chợt hiểu ra chân lý lớn lao mà Bác Hồ dạy đã trở nên máu thịt của đời ông, cốt cách sống của ông. Tạm biệt ông, tôi bước đi trên Đường 7 phẳng lì, ngước nhìn bạt ngàn cây săng lẻ vẫn vững chãi và phát triển qua bao nắng mưa giông bão của cuộc đời, chợt nghĩ Vi Chính Nghĩa cũng chính là cây đại thụ nơi cửa rừng săng lẻ của miền Tây xứ Nghệ.
 
Nguyễn Thế Quang