(Baoghean) - “Người chiến sỹ công an tận tụy với Đảng, với dân là người luôn đương đầu với mọi khó khăn, thử thách”, nghĩ vậy nên Thiếu tá Phan Việt Phúc luôn xung phong nhận nhiệm vụ gian khổ nhất, nguy hiểm nhất trong công tác cải tạo, giam giữ tại Trại tạm giam Nghi Kim (Thành phố Vinh).
 
images898479_4b.jpgThiếu tá Phan Việt Phúc.

Thiếu tá Phan Việt Phúc (SN 1977) tại xã Mẫu Đơn (Hưng Lộc, TP.Vinh) trong một gia đình có truyền thống nghề công an, thế nên ngay từ nhỏ hình ảnh người cảnh sát nhân dân đã ngấm vào anh qua những câu chuyện kể hằng ngày của bố mẹ và của người chị gái mà anh yêu quý. Tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, ra trường, Phan Việt Phúc đầu quân về làm quản giáo tại Trại tạm giam số 6 từ 1996 đến 2003.

Được sự điều động của cấp trên năm 2003 anh về nhận công tác tại Trại tạm giam Nghi Kim. Nơi có hơn 1.000 phạm nhân thì chỉ có 15% phạm nhân cải tạo, giam giữ, còn lại là thuộc diện tạm giữ chờ ngày xét xử. Công việc của một quản giáo được anh và đồng nghiệp ví như là chiếc kim giây, đều đặn miệt mài  với một lịch trình được lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác.

Thế nhưng cũng không phải vì thế mà có thể chủ quan, lơ là bởi nếu xảy ra sự cố như phạm nhân trốn trại, tuyệt thực hay tìm cách hủy hoại bản thân hoặc thông cung ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xét hỏi thì trách nhiệm của người quản giáo rất nặng nề, căng thẳng. Bởi thế đòi hỏi người chiến sỹ công an làm công tác cải tạo, giam giữ như anh phải biết cương nhu kết hợp, vừa cương quyết vừa mềm mỏng, tinh ý và luôn đề cao cảnh giác. Nếu chỉ làm công tác quản giáo ở buồng giam thông thường thì yếu tố nguy hiểm đã luôn rình rập, còn với buồng giam trọng án, sự nguy hiểm càng tăng lên gấp bội. Những năm trước Ban Giám đốc luôn thay luân phiên cán bộ trực tại buồng giam này nhưng 3 năm nay Phan Việt Phúc luôn nhận nhiệm vụ trực tại đây vì đơn giản anh nghĩ anh là người hợp với vai trò này.   

 
 Buồng trọng án là những đối tượng phạm trọng tội với khung hình phạt tử hình. Nghĩa là khi vào đến buồng giam này phạm nhân đã cầm chắc với cái án cao nhất, nên đa phần có tâm lý chán nản hoặc chống đối và rất dễ bị kích động, thậm chí chống phá, tìm cách trốn trại. Có lần đối tượng Đặng Đình Hùng quê ở Đông Ngạc - Từ Liêm - Hà Nội bị giam giữ ở đây với tội danh buôn bán tàng trữ trái phép chất ma túy. Khi bị bắt Hùng biết mình sẽ phải đối mặt với bản án cao nhất, nên tỏ ra chán nản, bất mãn, nhiều lần Hùng tìm đến cái chết.
 
Có lần đối tượng cắn lưỡi tự tử nhưng nhờ sự nhanh trí, thiếu tá Phúc đã cầm máu thành công cho đối tượng trong khi chờ lực lượng y tế đến. Những ngày sau đó, anh dành thời gian gần gũi, trò chuyện ,động viên Hùng, dần dà đối tượng đã  hiểu ra và không còn chống đối, không tự hủy hoại bản thân và nghiêm túc chấp hành điều lệ của trại. Nhiều trường hợp những phạm nhân nguy hiểm sẵn sàng sử dụng vật nhọn hung khí, xiềng xích, thậm chí dùng đồ trong buồng giam để tấn công cán bộ. Có lần anh bị một đối tượng dùng gậy tấn công, khiến anh bị thương vào đầu.
 
Những lúc như thế,  Thiếu tá Phúc đã phải dùng hết khả năng và biện pháp nghiệp vụ để xoa dịu đối tượng và trên hết là trực tiếp tìm hiểu diễn biến tâm lý để trò chuyện, đối thoại, cảm hóa đối tượng. Anh tâm sự: “Với người quản giáo trước hết phải sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp 4 biết: Biết tên, biết mặt, biết thân nhân và biết tội của đối tượng để từ đó tìm ra phương pháp hợp lý nhất cho những đối tượng mà mình đang quản lý. Ví như trò chuyện tâm sự để đối tượng bớt căng thẳng hay sẻ chia để từ đó có những cử chỉ lời nói động viên để đối tượng có thêm tia hy vọng, chấp hành tốt án giam giữ chờ ngày xét xử”.   
 
Mỗi khi gặp phạm nhân, anh đều hỏi han: “Anh có ngủ được không?” hay “Anh còn mệt nữa không”?... nhằm tạo bầu không khí thân thiện và tạo niềm tin, sự hướng thiện cho họ, dẫu đó chỉ là những sám hối, muộn màng. 
 
Thiếu tá Phan Việt Phúc luôn tâm niệm rằng “Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ là phải biết đương đầu với mọi khó khăn gian khổ”, điều đó luôn ngấm vào tâm tư, suy nghĩ và hành động của anh. Nó cũng là kim chỉ nam giúp anh bước tiếp con đường và lý tưởng cao đẹp mà bản thân đã lựa chọn. 
 
T.N