(Baonghean) - Thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong) là một trong những dự án lớn của tỉnh. Để phục vụ cho việc xây dựng, huyện Quế phong đã tổ chức cho 1.362 hộ với hơn 5.236 nhân khẩu di dời đến 13 điểm tái định cư. Người dân đang từng bước làm quen với vùng đất mới, tuy nhiên đằng sau vẻ đẹp được ví như “phố giữa núi”, còn ẩn chứa biết bao khó khăn người dân đang phải đối mặt...
Hơn 10 giờ trưa của một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến một số điểm tái định cư ở xã Tiền Phong (Quế Phong). Ngay từ xa, đã nhìn thấy màu xanh trên vùng đất mới, đó là những bụi chuối, vườn rau, giàn bầu… Vào một căn hộ tại khu Huôi Muồng. Ngôi nhà được xây trệt, mọi sự sắp đặt trong nhà khá gọn gàng, sạch sẽ, ngồi trong nhà là 2 ông bà già và 2 cháu nhỏ. Chủ nhà là vợ chồng ông Vi Văn Nghị, cả 2 ông bà năm nay đã ngoài 70 tuổi.
Ông Nghị chậm rãi: “Chủ trương của Nhà nước thì mình thực hiện thôi. Ra nơi ở mới, được ở trong ngôi nhà như thế này cũng thấy đàng hoàng, yên tâm. Nhưng chỉ ở thôi là chưa đủ, vấn đề cần thiết nữa là phải tạo việc làm cho bà con. Từ ngày ra nơi ở mới, người dân chỉ biết ôm gối ngồi nhìn. Không một tấc đất cắm dùi, không có việc làm, nước sinh hoạt không có...? Nhà nào có lao động trẻ khỏe thì vào rừng hái măng, ai thuê gì làm nấy, miễn là có tiền. Ngay cả việc cấp phát gạo cho bà con cũng bất cập, lẽ ra cứ 3 tháng cấp 1 lần, nhưng có khi 6 tháng mới cấp 1 lần. Thời gian dài thiếu gạo ăn, bà con phải vay mượn hàng quán. Nhưng khi được cấp gạo, lại không cấp bù cho bà con, dẫn đến nhiều hộ không có gạo để trả nợ”. Nhìn xung quanh mảnh vườn của ông bà, chúng tôi thấy có nhiều loại rau đã được trồng, như rau muống khô, giàn mướp, mấy cây cà dừa… và ông bà còn nuôi được mấy chục con gà thịt. Điều đó chứng tỏ bà con đã dần thích nghi với cuộc sống mới.
Trên đường đến nhà trưởng bản, thấy một thanh niên đang ngồi dưới sàn nhà thái rau lợn. Anh là Lô Văn Việt, chồng của chị Lang Thị Khuyên. Anh Việt cởi mở: Không có cách nào khác là mình phải lao động để lo cho cuộc sống, các anh ạ! Chưa có đất sản xuất, không có việc làm, vợ chồng thay nhau vào rừng hái măng. Mỗi ngày cũng kiếm được 40 – 50 nghìn đồng từ tiền bán măng. Chồng đi thì vợ ở nhà và ngược lại, ai ở nhà thì đảm nhiệm việc gia đình, từ nấu cơm, cho con ăn học, đến hái rau, nấu cám cho lợn… Nhà anh Việt đang nuôi 3 con lợn thịt, tận dụng mảnh đất vườn rộng chừng 200m2, vợ chồng anh bố trí trồng rau muống khô, một khóm mùng, cà, đậu, sắn, và mấy bụi chuối lùn phía dưới. Chừng ấy rau, ngoài cung cấp rau xanh cho gia đình, còn tận dụng để làm thức ăn cho lợn.
Phía dưới sàn nhà ngay chái bếp, vợ chồng anh Việt còn làm cái chuồng nuôi gà bằng gỗ, tuy nhỏ, nhưng hợp lý, diện tích chuồng đủ để nhốt được khoảng 20 con gà thịt. Anh Việt nói tiếp, hồi còn ở chỗ cũ, vợ chồng chăn nuôi được nhiều gà, lợn, có cả trâu bò, ao cá. Bây giờ ra đây, đất đai chật chội, điều kiện còn nhiều khó khăn, mình cũng phải chịu khó, không thể ngồi trông chờ hoàn toàn vào nhà nước được. Sự chịu khó và làm ăn có kế hoạch của vợ chồng anh Việt, gia cảnh của vợ chồng này khá hơn nhiều gia đình khác.
Gặp anh Lô Minh Thuận - Phó bản Huôi Muồng, anh trăn trở: Có 3 vấn đề cấp thiết cần giải quyết cho dân, đó là đất sản xuất, nước sinh hoạt và chống sạt lở đất. Bản Huôi Muồng có 119 hộ, được nhà nước xây dựng 1 công trình nước sinh hoạt, với 8 cái bể công cộng. Nhưng hiện nay chỉ có 5 cái bể có nước, còn 3 cái bể chưa lần nào có nước về. Chưa có đất sản xuất, một số hộ dân trồng sắn trên những diện tích đất đồi gần nhà, nhưng khi sắn vừa mọc mầm thì có người từ bản khác đến phá nhổ, không cho bà con trồng. Nguyên nhân là Nhà nước chưa đền bù tiền đất cho người ta. Do vậy, không còn cách nào khác, người dân phải kéo nhau vào rừng lấy măng. Và hệ lụy là nạn phá rừng ắt sẽ xẩy ra. Mới bắt đầu vào mùa mưa, nhiều chỗ đã sạt lở đất nghiêm trọng, chính quyền địa phương và chủ đầu tư chưa có giải pháp khắc phục, nhiều gia đình như ngồi trên đống lửa...
Đến bản Na Câng, gặp trưởng bản Lang Văn Cần, khi nói về đời sống của bà con tái định cư, ông đặt cái điếu cày xuống tấm phản, nhả làn khói lên mái nhà, khẽ thở dài, rồi kể cho chúng tôi nghe những vui buồn nơi vùng đất mới. Vui là bởi bà con có nhà ở đàng hoàng, sạch sẽ. Buồn bởi, 2 bí thư chi bộ và 1 đảng viên đã bỏ dân bản, dời nhà vào nơi ở cũ; dân bản chưa có đất sản xuất, chưa có nước sinh hoạt, đường đi lối lại trong bản bị xói lở, và nỗi lo thường trực là mùa mưa về, đất đai sạt lở nghiêm trọng.
Sạt lở mái ta luy dương tại bản tái định cư Na Câng.
Nói rồi, trưởng bản Cần dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh bản. Bản có 3 con đường, mới rồi Ban quản lý Thủy điện Hủa Na đổ bê tông xong con đường giữa bản, dài 130m. Còn 2 con đường nữa, do chưa được đổ bê tông, mặt đường bị mưa xói lở nham nhở, không thể đi xe máy được. Chúng tôi bước lên một con dốc phía cuối bản, đến với công trình nước sinh hoạt. Do chưa bàn giao, trưởng bản không có chìa khóa để mở cổng vào bể nước. Quan sát phía ngoài 4 bức tường rào, đã có 2 chỗ bị nứt toác, rất dễ đổ cả bức tường. Trưởng bản cho biết thêm, cả bản có 3 bể nước cộng đồng, chỉ 1 bể có nước. Đứng trên con dốc này nhìn về phía chân núi, thấy những đám ruộng bậc thang, vừa mới cấy lúa xong. Trưởng bản cho hay, cả bản đã có 1 ha ruộng nước, dân bản trước đây để lại, đã chia đều cho 34 hộ sản xuất. Hiện nay, toàn bộ lương thực cho bà con đều trông chờ vào nhà nước.
Đi dọc tuyến ta luy dương của bản, rất nhiều điểm sạt lở đất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân. Nguy hiểm nhất là tại 3 gia đình: Lang Văn Quân, Lang Văn Thắng và Lang Văn Khuyên. Những đợt mưa đầu mùa đã làm đất đá trôi vào nền nhà, chuồng lợn, nhiều gia đình vì thế không dám nuôi lợn. Để chống đất, đá tràn vào nền nhà, họ phải xây kè xung quanh nền nhà, dù đó là giải pháp tình thế. Nguy hiểm nhất là tại điểm trường tiểu học, đêm ngày 3/5, một cơn mưa ập đến, một khối đá to từ trên sườn núi lăn xuống mái ta luy, đập gãy khung cửa sổ bằng sắt, lăn vào lớp học. Sáng hôm sau, dân bản phải đập vỡ khối đá mới lăn được ra ngoài. Trưởng bản Cần lắc đầu ngao ngán, nếu sự cố ấy xẩy ra trong giờ học, hậu quả sẽ khôn lường. Chỉ tay lên vách núi, trưởng bản cho biết hiện nay vẫn còn một số khối đá đang trong tình trạng sẵn sàng lăn xuống, nếu cơ quan chức năng không kịp thời xử lý, thì mùa mưa đến, rất dễ xẩy ra hậu quả khôn lường!
Dừng chân bên một lô đất trống cạnh con đường nội bản, trưởng bản cho biết thêm, mảnh đất này chính là cái nền nhà của Bí thư chi bộ Lang Văn Thủy. Tháng 6 năm ngoái, cùng với bà con dân bản, gia đình nhà ông Thủy di dời căn nhà gỗ nơi ở cũ, ra đây bắt thăm đất ở để dựng nhà. Ở được 5 tháng, không hiểu sao, trong cùng một đêm, đùng một cái, Bí thư chi bộ cùng với đảng viên Lang Văn Dũng dỡ nhà, thuê xe chở cả nếp nhà vào vùng đất cũ để sinh sống. Bà con dân bản thấy vậy, ai cũng lắc đầu “Đảng viên không gương mẫu cho quần chúng noi theo, sớm muộn gì thì Nhà nước cũng lo được cuộc sống ổn định cho dân bản”.
Ông Võ Khánh Toàn – Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, giãi bày: Địa phương đất chật, người đông, khi bố trí người dân tái định cư, chúng tôi chỉ biết tiếp nhận con người về quản lý, nhưng không thể giải quyết được những bức bách hiện tại của người dân. Đã nhiều lần xã lên hỏi cấp trên cũng chỉ nhận được lời hứa mà thôi. Những điểm mới ra được 1 năm đã đành, riêng 2 điểm Piêng Cu 1 và Piêng Cu 2, người dân đã ra ở cách đây 3 năm vẫn chưa có đất sản xuất. Nhiều công trình nước sinh hoạt, đường nội bản hư hỏng, chưa được khắc phục.
Đem những chuyện “cần sớm giải quyết” tại các bản tái định cư để trao đổi với ông Trương Minh Cương – Phó Chủ tịch UBND huyện, trưởng Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư Thủy điện Hủa Na, huyện Quế Phong, ông cho hay trách nhiệm của huyện là tổ chức di dân và tổ chức thực hiện các hạng mục công trình, còn vốn do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thuỷ điện Hủa Na quản lý. Tất cả mọi bức bách tại các điểm tái định cư Thủy điện Hủa Na, huyện nắm được, đã nhiều lần huyện và tỉnh làm việc với chủ đầu tư, nhưng do chủ đầu tư thiếu nguồn vốn nên chưa khắc phục được. UBND tỉnh cũng đã có ý kiến với Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam sớm bố trí vốn để chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn tại các điểm, nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn. Hiện nay, chủ đầu tư còn nợ tiền đền bù đất đai của người dân 6 tỷ đồng, chưa kể hàng chục tỷ đồng xây dựng công trình hạ tầng tại các điểm tái định cư.
Theo khảo sát, thống kê tại các điểm, hiện tại có 15 điểm bị sạt lở đất nghiêm trọng. Giải pháp khắc phục huyện đặt ra là kè rọ đá, và trồng cây. Nhưng thực hiện giải pháp này, bắt buộc phải có nguồn vốn lớn từ chủ đầu tư, do vậy UBND huyện đang đôn đốc chủ đầu tư bằng mọi giá thực hiện trước mùa mưa lũ. Còn những điểm trồng cây, sắp tới UBND huyện sẽ sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình 30a (130 triệu đồng) mua giống mét cho bà con.
Về công trình nước sinh hoạt, hiện tại 13 điểm đều đã có công trình nước sinh hoạt tự chảy, trong đó mới được 4 công trình hoàn chỉnh đã bàn giao. Ngoài ra, chủ đầu tư còn đào 103 cái giếng cộng đồng, trong đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 72 giếng. Đối với đất sản xuất, đến thời điểm này chủ đầu tư đã khảo sát được 516 ha/tổng số 7.617 ha đất lâm nghiệp, nhưng chưa tổ chức bàn giao thực địa cho dân. Đất sản xuất lúa nước, mới giao tạm thời hơn 1 ha ở bản tái định cư Na Câng. Còn lại 12 điểm chưa bàn giao được, vì chưa tiến hành xây dựng đồng ruộng với 30,3 ha và cải tạo lại diện tích hiện có 62,53 ha.
Vì lợi ích chung của cả nước, đồng bào các dân tộc của 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ chấp nhận rời bỏ nơi “chôn rau cắt rốn”, nhường chỗ cho nhà nước xây dựng dự án lớn. Ra nơi ở mới, điều mong muốn rất giản dị và tối thiểu của họ là có mảnh đất sản xuất, có nước sinh hoạt… Thế nhưng đã hơn 1 năm trôi qua, những điều thiết yếu ấy vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm?