(Baonghean) - Những cơn mưa miền rẻo cao trở nên dày và nặng hạt hơn vào cuối mùa hè. Mưa gọi bão, bão tố gọi mối lo sạt đường lở núi. Mưa rẻo cao còn gọi mầm chồi thức giấc và thế là đã gọi về một mùa măng mới.
Trong mùa măng, người dân đội sản xuất Khe Nóng, bản Châu Sơn (Châu Khê - Con Cuông) trở nên vui vẻ hơn. Đa số dân bản là người Đan Lai, chỉ có một ít người Thái về làm dâu trong bản. Mùa kiếm mật ong năm nay đã đi qua. Dân bản bảo năm nay ong cũng được mùa đấy, nhưng tiền bán mật tiêu hết rồi. Chỉ có những nhà nào thu mua rồi đem bán lại cho các đầu nậu là có bộn tiền thôi. Những nhà này bây giờ lại đi thu mua măng. Họ làm vậy may ra có thể dư dật đến hết năm, có tiền ăn cái tết tươm tất.
Đặt phịch cái gùi măng xuống bên chân cột nhà sàn, già bản La Văn Linh mắng: "Thằng hổ bắt kia. Sao hơn 1 năm rồi mới thấy cái mặt mày. Đường đã lở, bản đã dời đâu mà mày không vào thăm bố". Tôi phân trần: "Già phải hiểu cho dân làm báo chúng con, phải đi nhiều nơi viết bài nên cũng bận". Tôi tìm thấy niềm vui lấp lánh trong câu mắng té tát và ánh mắt hãy còn chưa già nua, mặc dù ông cụ đã ngoài cái tuổi thất tuần. Ông từng là đội trưởng, rồi đội phó đội sản xuất Khe Nóng đến 20 năm, dẫu rằng ông chỉ học chưa hết lớp 1, biết ký mỗi cái tên mình. Sách báo, công văn, giấy tờ đều phải nhờ người ta đọc hộ, viết hộ. Qua năm tháng, gánh nặng tuổi tác vẫn chưa ăn nhằm gì. Nước da còn đỏ au, giọng nói vẫn oang oang, ông vẫn chạy nhanh không kém gì con dê rừng.
Già Linh vui cái bụng vì mùa măng về, cũng vì lẽ trong năm nay chính quyền sẽ cho tái lập bản Khe Nóng. "Nghe nói lâu rồi, nhưng hôm trước mới thấy cán bộ huyện mời xuống họp bàn. Vậy là họ mần thật rồi". Tôi còn chưa kịp bước lên cầu thang tham quan ngôi nhà "đại đoàn kết" của bộ đội biên phòng dựng giúp gia đình từ đầu năm ngoái, già Linh đã túm lại kể chuyện về huyện họp với ông bí thư huyện ủy bàn việc lập bản.
Dù chưa được tái lập nhưng người ta vẫn quen cái mồm, gọi đội sản xuất Khe Nóng là "bản". Căn nguyên của điều này xuất phát từ thói quen của người vùng cao ở đâu có nhà, có người sống ổn định dài lâu, dù chỉ một vài hộ thôi đều gọi là bản. Huống chi đội sản xuất này hiện có tới 36 cái nhà, gần 300 đôi "tay làm hàm nhai".
Từ năm 1960 đến đầu những năm 1980, Khe Nóng đã là một cái bản đúng nghĩa của nó. Nhưng rồi dân bản đã di dời ra sinh sống tại bản Châu Sơn cạnh Quốc lộ 7, còn 17 hộ bám trụ ở lại phát nương làm rãy. Cái tên Khe Nóng cũng xuất phát từ thói quen đặt tên bản mường của người Thái mà thành. Tên bản thường đặt theo tên khe suối. Bản Khe Nóng ở cuối con suối mang tên loài cây mà người Thái vẫn dùng nhựa tẩm đầu mũi tên khi đi săn hươu, nai. Dân bản gọi loài cây này là "co noòng", hoặc "noóng". Từ con suối Huồi Noòng mà thành tên bản. Về sau, người Kinh lên "kinh tế mới", người đi bán muối, bán dầu đèn, kim khâu gọi chệch đi thành khe Nóng. Trong những lần trước đây chúng tôi gặp gỡ với bà con đội sản xuất Khe Nóng bà con đều nêu nguyện vọng muốn được thành lập bản riêng của mình, bởi đội sản xuất này cách xa bản chính trên 20km, đất đai lại thuộc quyền quản lí của Lâm trường Con Cuông nên bà con không mở rộng diện tích đất rừng, đất làm ruộng...
Già Linh bảo rằng: Vui cái bụng là bởi nguyện vọng của bà con Khe Nóng có lẽ sắp sửa thành hiện thực. Nghe đâu kể từ tháng 9 dương lịch năm 2013 này, ủy ban huyện và Lâm trường Con Cuông sẽ cho máy múc vào đào suối, đắp đập thủy lợi, san đất làm ruộng nước, xây dựng công trình nước tự chảy, mở mang đường sá. Có ruộng nước, có con đường, là cái bản heo hút này sẽ văn minh hơn. Già Linh phải sống thêm một vài chục năm nữa để nhìn bản làng đổi mới.
Vào mùa mưa, hầu hết mọi nhà trong bản, từ người già cho đến trẻ nhỏ lên bảy, lên tám đều làm nghề hái măng. Ai cũng như đang chạy đua với thời gian, bởi mỗi năm chỉ có 3 tháng nhiều mưa. Mùa mưa qua, mùa măng cũng hết. Mọi người đều muốn hái những cây măng đầu mùa dày và chắc, khi đem phơi mỗi yến măng tươi có thể cho 1kg măng khô. Mỗi yến măng tươi cuối mùa khi phơi, sấy rồi chỉ còn lại nửa ký. Thế nên từ khi còn chưa tỏ mặt người dân bản đã kéo nhau mang gùi lên rừng hái măng.
Ở bản Diềm, bản Xát, Châu Sơn, Khe Choăng... cách xa Khe Nóng hàng chục cây số, nhiều nhà còn khóa cửa vào rừng vừa hái lượm vừa thu mua măng. Những người ở xa thường ở lại dài ngày trong rừng sâu, có khi đến nửa tháng trời. Cứ vậy, những khu rừng tre, nứa sâu đầu nguồn khe suối trở nên sôi động bởi sự có mặt của hàng trăm lượt người mỗi ngày kéo dài cho đến hết mùa măng, thường là vào đầu tháng 10 âm lịch. Trong suốt mùa Đông dài dặc và mùa Xuân năm sau rừng già sẽ trở nên vắng lặng cho đến mùa ăn ong và mùa măng năm sau.
Trước khi đem sấy, măng được chẻ mỏng.
Bây giờ đang đầu mùa măng, bản Khe Nóng bỗng chốc biến thành cái "công xưởng" lớn sơ chế măng nứa. Từ 2 giờ chiều, người hái măng đã trở về nhà nổi lửa nấu măng. Bước vào bản đã cảm nhận mùi thơm nồng, chua chua của măng chín trong làn khói bếp. Dưới suối, vẫn còn những tốp người hái măng khom lưng cõng chiếc gùi nặng trịch trên lưng leo dốc về bản.
Vợ của đội trưởng đội sản xuất Khe Nóng cũng tham gia đội quân hái măng. Bà nhất định không chịu nói họ tên, bảo: Đừng đưa cái tên ta lên báo. Ta già rồi vẫn phải đi hái măng rầy lắm, khổ lắm". Bà lại bảo: "Tôi đã gần 70 tuổi rồi những vẫn ngóng mùa măng để kiếm tiền đong gạo". Còn ông chồng, đội trưởng đội sản xuất Khe Nóng Lô Ngọc Quỳnh tay đỡ chiếc gùi cho vợ, miệng thì phân bua: "Bản ít ruộng, chỉ khoảng độ 1ha thôi. Đất dân bản ở hiện nay thuộc quyền quản lí của Công ty Lâm nghiệp huyện, họ cấm phát rãy nên dân quanh năm phải chạy gạo. Phải đi vào rừng chứ biết mần răng?...".
Có lẽ vì thế mà dân bản ai cũng mong ngóng mùa măng. Trong một buổi chiều tạnh ráo, cái xóm nhỏ này trở thành một công xưởng thực sự của những người chế biến măng. Đàn ông chuyên việc đan sọt chứa măng, đan giàn nứa, bổ củi để phơi sấy, đàn bà, con gái, sau khi đặt chiếc gùi chất đầy măng xuống đất liền nhóm bếp nấu măng. Măng đã chín được cắt thành từng lát mỏng rồi đem ép cho kiệt nước mới đến công đoạn phơi sấy. Ngày mưa, măng chủ yếu được làm khô bằng cách sấy trên giàn nứa suốt đêm mới khô.
Anh La Văn Mạnh, chuyên việc sấy măng cho biết: Củi được chặt trong rừng rồi dùng trâu kéo về. Để sấy được một yến măng khô không thể tính được lượng gỗ phải tiêu tốn. Gỗ làm củi cũng phải tốt mới no lửa, măng mới mau khô. Với những động tác thuần thục, chị La Thị Hòe vừa chẻ măng vừa đưa chuyện. "Năm nay, mỗi cân măng khô có giá 60.000đ, tính ra cao gần gấp đôi năm ngoái. Măng được giá, ai cũng mừng nhưng để hái được măng đẹp giờ phải đi xa hơn năm ngoái, thế nên người ta thường ở lâu trong rừng, sấy được nhiều măng mới gùi về bán".
Phơi măng trong vườn nhà.
Còn niềm vui mùa măng của cặp vợ chồng anh La Văn Hùng, Chị La Thị Ngân thì có khác đôi chút với nhiều gia đình trong bản. Dù khó khăn nhưng anh chị vẫn cho cậu con út ra trung tâm xã theo học cấp 2. Tiền bán măng giúp anh chị trang trải việc ăn ở học hành cho con trai. Lấy nhau gần 20 năm, sinh được 4 mặt con thì 3 đứa thất học. Chị Ngân bảo: "Muốn gắng nuôi thằng út học cho bằng người để may ra sau này nó đỡ khổ, biết đâu có thể kiếm được việc làm đỡ đần cha mẹ khi già yếu".
Cháu Thành, con trai anh Hùng, chị Ngân là một trong những học sinh hiếm hoi của xóm nhỏ Khe Nóng học lên cấp 2. Còn nữa trẻ em ở đây xong lớp 5 lại lao vào rừng hái măng, kiếm cây môn thục, nhặt hạt dẻ... Con trai lớn thì theo chúng bạn vào Quảng Nam làm phu vàng.
Mùa măng về mang lại niềm vui cho cộng đồng Đan Lai bản Khe Nóng, nơi còn gian khó bậc nhất của huyện miền núi Con Cuông. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của bà con vẫn là nơi ở của họ sắp sửa được công nhận là một bản mới. Như vậy họ sẽ được cấp đất sản xuất, có các công trình dân sinh. Hy vọng cộng đồng này sắp gặp được cơ may thoát khỏi cái nghèo một cách bền vững.
Tiếng sấm lại nổi lên, mây đen vần vũ đầu chóp núi phía xa báo hiệu một cơn mưa nữa sắp sửa trút xuống những cánh rừng. Mưa đi, mưa đi cho những mầm non và những mầm vui nảy nở trên cái bản nghèo heo hút. Bản Khe Nóng đang ngóng chờ những cơn mưa.