(Baonghean) -Tri Lễ là xã vùng cao thuộc huyện Quế Phong, có đường biên giới dài 17,5 km, tiếp giáp với 2 xã Phăn Thoong và Phà Đảnh (huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, Lào).
Trên địa bàn xã có 4 dân tộc: H’Mông, Thái, Khơ mú và Kinh cùng sinh sống; trong đó đồng bào Mông chiếm hơn 35% dân số toàn xã, chủ yếu ở các bản nằm dọc biên giới, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn.
Do tập quán canh tác của đồng bào Mông còn mang nặng hình thức du canh, du cư, nhận thức về biên giới, quốc gia còn nhiều hạn chế, lại có mối quan hệ thân tộc với đồng bào Mông ở Lào nên tình trạng di cư trái pháp luật của đồng bào Mông ở Tri Lễ sang Lào diễn ra khá phức tạp. Một số đối tượng đã lợi dụng việc di cư tự do của đồng bào để trồng cây thuốc phiện, buôn bán ma túy...
Bản Huổi Mới, xã Tri Lễ.
Trước thực trạng đó, Ban CHQS huyện Quế Phong đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với Đoàn KT-QP 4, Đồn Biên phòng Tri Lễ và các ban ngành địa phương kiên trì bám dân, bám địa bàn, thực hiện 4 cùng với đồng bào (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng nói tiếng dân tộc) để tuyên truyền, vận động đồng bào không di cư tự do, không tái trồng cây thuốc phiện, không buôn bán ma túy...
Đồng thời, phát huy vai trò của các lực lượng tại chỗ, nhất là vai trò của già làng, trưởng bản và lực lượng dân quân, công an viên ở các bản kịp thời nắm các biểu hiện di dịch cư tự do của đồng bào để có biện pháp ngăn chặn. Ngoài ra, Ban CHQS huyện đã cùng với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương thực hiện tốt công tác chính sách, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, như: Huy động lực lượng giúp bà con khai hoang đất trống, đến từng bản, từng hộ vận động bà con phát triển lúa nước từ 1 vụ thành 2 vụ; hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng lúa nước, mía, chanh leo, nuôi trâu, bò, lợn, gà…
Đặc biệt, tháng 6/2009, 118 hộ/875 khẩu đồng bào Mông di cư trái pháp luật sang Lào, ồ ạt hồi cư về địa phương. Sau những tháng ngày mưu sinh vất vả nơi rừng thiêng, nước độc xứ người, bà con trở về quê hương trong muôn vàn khó khăn: không có nhà ở, không có ruộng nương để sản xuất,... Cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS huyện lại cùng lực lượng dân quân xã vượt núi, băng rừng vào bản giúp đồng bào dựng nhà tạm để ở, khai hoang đất trống và vận động bà con ở tại địa phương nhường đất cho những gia đình mới hồi cư về có đất canh tác. Huyện đã xây dựng kế hoạch và vận động 120 hộ đồng bào Mông ở các bản Huổi Mới 1, Huổi Mới 2, Huổi Xái, Nậm Tột,... về khu kinh tế mới Minh Châu và phối hợp với Đoàn KT-QP 4 xây dựng các mô hình chăn nuôi, sản xuất để bà con học tập.
Sau một thời gian kiên trì tuyên truyền, vận động, thực hiện 4 cùng với đồng bào, từ chỗ trước đây đồng bào chỉ biết sản xuất theo kiểu chọc, tỉa, phá rừng làm rẫy, cứ vài ba vụ đất cằn cỗi lại chuyển sang địa điểm khác, đến nay ở 10 bản người Mông đã khai hoang được 135,8 ha đất trồng lúa nước 2 vụ/năm, trồng được hàng chục ha mía, chanh leo; các mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà phát triển tốt. 100% hộ đã có nhà ở, có ruộng đất sản xuất. Bà con đã biết làm giàu chính trên mảnh đất quê hương mình.
Ông Lỳ Chông Hờ, bản Huổi Xái 1 chia sẻ bằng vốn tiếng Kinh chưa thạo: “Trước đây, mình chưa biết nên đã di cư tự do, sống du canh du cư nay đây mai đó cực khổ lắm. Nay nhờ có “Bộ đội Cụ Hồ” bày cho nên mình đã trồng được lúa nước, chanh leo, nuôi hơn 70 con bò, thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng. Các con của mình lại được học cái chữ “Bác Hồ”. Cảm ơn bộ đội nhiều lắm. Từ nay mình sẽ nói dân bản không di cư trái pháp luật nữa”.
Không chỉ ông Lỳ Chông Hờ mà đến nay hầu hết đồng bào đã biết làm ăn, phát triển kinh tế... cuộc sống đang từng bước đi lên làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Việc di cư trái pháp luật của đồng bào Mông ở Tri lễ sang Lào đã giảm hẳn. Riêng năm 2012 chỉ còn 2 hộ/6 khẩu di cư sang Lào, giảm 90% so với năm 2004.