Nơi Tám “gàn” sinh sống và lập gia trại là trảng cát trắng khô cằn, mỗi bước chân đều ngập sâu xuống nền cát bỏng rát. Đó là thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Thành, huyện Gio Linh (Quảng Trị), nơi đây cách xa khu dân cư, chỉ có vài nóc nhà thưa thớt, không điện, không nước sạch...
Tám "gàn" nuôi gà Ai Cập theo dạng thả rông giữa trảng cát mênh mông nên gà chắc thịt, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Ngọc Vũ
“Mình lập nghiệp ở đây hơn 1 năm rồi, không có điện nên những ngày đầu ngủ một mình giữa trảng cát mênh mông thấy buồn và sợ lắm. Giờ thì quen rồi, thấy cũng thú vị, nhất là những đêm nằm giữa trảng cát ngắm trăng lên..”, Tám chia sẻ.
Nói rồi chàng trai 29 tuổi tự bạch sơ lược về đời mình. Học xong THPT, năm 2007 Tám theo học ngành Quản trị mạng, khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Đà Lạt, đến năm 2012 thì ra trường.
Nhận tấm bằng cử nhân đại học, Tám được nhận vào làm ở một vài công ty, khách sạn…nhưng mức lương 5 triệu đồng/tháng làm anh nản lòng.
Nguyễn Văn Tám nuôi 7 con bò sinh sản vừa để phát triển kinh tế vừa để lấy phân nuôi giun quế. Ảnh: Ngọc Vũ
“Từ nhỏ mình đam mê nông nghiệp nên lúc chán nản vì lương thấp, suy sụp tinh thần thì mình thấy nhớ đến trảng cát quê hương, nơi gắn bó tuổi thơ với nhiều kỷ niệm. Nhớ rồi miên man và mình tự đặt quyết tâm về quê khởi nghiệp bằng nông nghiệp cho đúng với đam mê”, chàng Tám tâm sự.
Tháng 10/2016, Tám quyết định rời thành phố Đà Lạt mộng mơ trở về trảng cát gió Lào nóng bỏng ở quê hương Gio Linh lập nghiệp. Ngày nhìn con trở về, ba mẹ, anh chị Tám sững sờ, ai cũng khuyên can nên kiếm việc gì đó nhẹ nhàng làm, đừng theo nông nghiệp sẽ khổ. Ba, mẹ gắng cho con học đại học là để đi làm nghề đỡ vất vả, cực nhọc như nghề nông...Thế nhưng, thấy Tám quyết tâm, sẵn sàng đương đầu khó khăn, gia đình đành xuôi theo ủng hộ.
Giun quế được Tám nuôi rồi phơi khô cho gà Ai Cập ăn, bổ sung dinh dưỡng. Ảnh: Ngọc Vũ
Tám chọn gà Ai Cập – giống gà hoàn toàn mới ở vùng đất Quảng Trị. Lý do được Tám giải thích là giống gà này mới lạ, dễ nuôi, chóng lớn, thịt chắc và thơm ngon, đẻ trứng rất khỏe.
Ngày Tám mượn anh chị ruột 20 triệu đồng mua 200 con gà giống Ai Cập về nuôi thử tại nhà, ai cũng lo lắng. Ngoài học tập kinh nghiệm thực tế của những hộ chăn nuôi, Tám lên mạng tìm tài liệu học thêm. Những khi gà bị bệnh, Tám mời thú y đến giải phẫu, thăm khám từ đó tích lũy kinh nghiệm.
Khi đã quen tay, thấy nuôi gà Ai Cập có hiệu quả, Tám quyết định mở rộng mô hình. Thấy trảng cát xóm Trạng cách nhà khoảng 2,5 km rộng rãi, Tám chọn làm nơi “đóng đô” cho gia trại của mình.
Được chăm sóc tốt nên gà Ai Cập của Nguyễn Văn Tám (bên phải) chóng lớn, thịt thơm ngon. Năm 2017 Tám bán được 1.000 con gà thịt, mỗi con bán với giá 150.000 đồng. Ảnh: Ngọc Vũ
Ít vốn, Tám phải lấy tôn dựng bao quanh thành cái lều rộng chừng 25m2, dành cho gà 20m2, còn lại 5m2 Tám kê cái chõng tre nhỏ để ngủ. Nhìn cảnh ấy, ai cũng bảo Tám “sao mà gàn vậy, việc nhẹ, sạch sẽ tay chân không làm, lại về cái trảng cát khô cằn, ngủ lăn lóc trong cái lều nhỏ thế kia?”. Nghe vậy Tám không nói gì, lẵng lặng làm việc.
Cùng với nuôi gà, Tám mượn tiền người thân mua thêm bò giống và nuôi giun quế để chăn nuôi theo kiểu dây chuyền khép kín.
Hiện nay, Tám trồng 5 sào cỏ Ghine nuôi 7 con bò sinh sản lấy phân để nuôi giun quế cho gà Ai Cập ăn. Ngoài ra, Tám còn tự chế biến thức ăn cho gà bằng ngô, cám ủ men, lúa ủ cho lên mần kết hợp với ốc bươu vàng bắt ngoài đồng ruộng… bỏ vào máy xay nhuyễn trộn với chuối cắt nhỏ.
Mỗi tháng, Tám cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 2.000 quả trứng gà, mỗi quả bán giá 3.500 đồng. Ảnh: Ngọc Vũ
Gà Ai Cập nuôi khoảng 5 tháng sẽ đẻ trứng. Từ khi gà đẻ trứng đến khi thải loại bán thịt là gần 2 năm. Mỗi ngày, 300 gà mái đẻ khoảng 110 quả trứng, Tám bán với giá sỉ 3.500 đồng/quả. Tính riêng năm 2017, Tám bán được 1.000 con gà thịt, mỗi con bán với giá khoảng 150.000 đồng. Nhẩm tính, mỗi năm sau khi trừ chi phí Tám có lãi khoảng 80 - 100 triệu đồng – so với nhiều người thì nguồn thu này rất khiêm tốn, nhưng đây là nguồn thu nhập mơ ước của thanh niên vùng cát trắng.
Mới đây, được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Gio Linh cho vay 50 triệu đồng, Tám dự tính đầu tư hệ thống tưới tự động mở rộng trồng cỏ, xây thêm chuồng gà, bể nuôi giun quế để tăng đàn gà lên 500 con gà mái đẻ trứng.
Kinh nghiệm, nguồn vốn và quyết tâm làm giàu của Nguyễn Văn Tám luôn có sẵn, giờ anh chỉ có mong muốn nhỏ nhoi là được chính quyền địa phương tạo điều kiện về quỹ đất để yên tâm xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình.