bna_du_lich_dao_che_2_dinh_ha7974400_752018.jpgDu khách tham quan đảo chè tại xã Thanh An (Thanh Chương). Ảnh: Đình Hà
Những mô hình hiệu quả

Đi tiên phong trong phát triển du lịch canh nông tại Nghệ An, có thể kể đến trang trại rau sạch và cánh đồng hoa hướng dương của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn. Mô hình này trở thành nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn thu hút khách du lịch từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và cả du khách nước ngoài.

Ông Ngô Huy Hân - Chánh Văn phòng Công ty CP thực phẩm sữa TH cho biết: Mới đầu, đơn vị trồng hướng dương để góp phần rất quan trọng trong việc giúp bò cho nhiều sữa và tạo hương vị thơm ngon. Thế nhưng hiệu quả bất ngờ khi nó thu hút đông đảo du khách. Đến nay, dịch vụ du lịch từ cánh đồng hoa cũng đã thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, kéo theo nhiều dịch vụ, tạo việc làm, thu nhập và cùng đó, tạo cơ hội tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương như ổi, táo, cam của nông dân trên địa bàn.

Đảo chè Thanh Chương cũng là mô hình du lịch canh nông hiệu quả trong những năm gần đây. Hiện xã Thanh An có hơn 200 hộ trồng chè với trên 400 ha. Từ trước, bà con nơi đây trồng chè quanh khu vực hồ nước chỉ thu hoạch búp tươi với năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha. Nhưng 4 năm lại nay, bên cạnh nguồn thu từ sản phẩm chè, bà con còn có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch khi rất nhiều du khách tìm đến tham quan đảo chè. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư, hùn vốn mở bến, mua thuyền phục vụ khách du lịch tham quan đảo chè với mức giá bình quân 30 nghìn đồng/lượt khách, chưa kể các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi.

Theo ông Trình Văn Nhã - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, hiện Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) đã lập Dự án “Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau tại vùng đảo chè”. Diện tích nhà thầu khảo sát thực hiện dự án 382,47 ha, trong đó khoảng 94 ha mặt nước hồ Cầu Cau. Đây cũng là điểm mà tổ chức JICA (Nhật Bản) chọn khảo sát và đánh giá rất cao về tiềm năng du lịch gắn với khai thác, phát triển các sản phẩm từ cây chè...

Ngoài những điểm trên, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch canh nông hoạt động khá hiệu quả như Vườn cam sinh thái bản Pha (Con Cuông), vườn cam Kỳ Yến (Quỳ Hợp), vườn hoa tam giác mạch Nghĩa Đàn…

Các vườn cam trồng tại huyện Thanh Chương có tiềm năng phát triển du lịch canh nông. Ảnh: Phú Hương
Hướng đi giàu tiềm năng

Bên cạnh các sản phẩm du lịch đặc thù khác, những năm gần đây Nghệ An đang hướng đến khai thác tiềm năng để phát triển du lịch canh nông như một hướng đi mới. Việc khai thác chính tài nguyên nông nghiệp sẵn có để tạo ra những sản phẩm mới phục vụ du lịch sẽ là một giải pháp giúp các trang trại, nhà vườn tăng thu nhập, đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức hút cho du lịch và quảng bá được sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.  

Nghệ An có nhiều vùng canh tác nông nghiệp tiềm năng, nhiều mô hình có thể hướng đến phát triển du lịch canh nông như khu vực chế biến nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu), nước mắm Quỳnh Dị (Hoàng Mai), cánh đồng gạo thảo dược Vĩnh Thành (Yên Thành), làng nghề nước mắm cổ truyền Hải Giang (Cửa Lò), mô hình trồng cây dược liệu cà dây leo thuộc huyện Con Cuông; làng cây cảnh xã Nghi Ân, mô hình rau sạch của HTX Đông Vinh và xóm Vinh Xuân xã Hưng Đông (thành phố Vinh)…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, để phát triển loại hình du lịch này vẫn còn nhiều khó khăn. Hạ tầng giao thông còn bất cập. Nguồn lao động nông nghiệp qua đào tạo ít, chưa đáp ứng được nhu cầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nhu cầu của khách du lịch. Cơ sở vật chất tại các mô hình sản xuất nông nghiệp chưa đầy đủ và chưa chuẩn hóa để phục vụ cho du lịch; khu trưng bày sản phẩm, để xe, khu vực tiếp đón, nhà vệ sinh chưa đáp ứng chuẩn theo yêu cầu,… các hoạt động trải nghiệm, thuyết minh tại các điểm tham quan còn nhiều hạn chế. Ngoài một số mô hình tự phát, từ cuối năm 2015, khi UBND tỉnh và JICA Việt Nam ký kết biên bản hỗ trợ về Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông, ngư nghiệp thì du lịch canh nông mới được quan tâm và đề cập nhiều.

Hiện nay, được sự hỗ trợ của JICA, Sở Du lịch đã phối hợp huyện Con Cuông xây dựng thí điểm mô hình du lịch canh nông tại vườn cam bản Pha, thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế tới tham quan, trải nghiệm, mua sản phẩm từ cam. Ngoài ra JICA hỗ trợ tư vấn chế biến thêm các sản phẩm khác từ nông nghiệp như chè, bột sắn dây, tinh bột nghệ… được người dân và du khách tin dùng. Đầu năm 2018, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá các cơ sở sản xuất để từ đó lựa chọn các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.

“Chúng tôi hỗ trợ xây dựng mô hình và hướng dẫn cách bố trí tham quan, đón tiếp, đưa khách đến tham quan trải nghiệm tại các mô hình. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, sẽ tập trung xây dựng chương trình phát triển du lịch canh nông. Cùng đó, mời chuyên gia tư vấn, học tập mô hình từ đó nâng cao kỹ năng cho các địa phương và hộ nông dân làm du lịch”, ông Nguyễn Mạnh Lợi chia sẻ.