(Baonghean) - Tại hội nghị xúc tiến du lịch ngày 30/5, ông Phạm Từ - Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam đã có đề xuất “lạ” là cần phải xem lại cách tổ chức Năm Du lịch quốc gia như Việt Nam đang làm hiện nay. Theo ông cho biết thì hiện nay không nước nào làm như Việt Nam. Đây là một đề xuất gây được sự chú ý không chỉ riêng với những người quan tâm và tâm huyết với ngành Du lịch nước ta.

Có thể nhận thấy, cách tổ chức Năm Du lịch quốc gia như Việt Nam hiện nay thường là chọn chủ đề của năm, rồi dựa vào đó chọn một địa phương (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) làm tâm điểm, từ đó, bằng nhiều cách huy động một nguồn kinh phí khá lớn để “rót” vào việc tổ chức một số sự kiện, hoạt động chào mừng Năm Du lịch quốc gia tại địa phương đó. Về nội dung và cách thức tổ chức, vẫn “bài ca muôn thưở” các nội dung, sự kiện, hoạt động đều được lễ hội hóa, sân khấu hóa, do ngành chức năng cùng với các đơn vị tổ chức sự kiện thực hiện.

Tham gia, tham dự và có mặt tại các sự kiện, lễ hội của Năm Du lịch quốc gia thường vẫn chỉ là khách mời, là các lực lượng được huy động. Còn lượng du khách rất hạn chế. Vì thế, vẫn chủ yếu là… quân ta đi thăm quân mình, luân chuyển “khách vi chủ, chủ vi khách” qua các năm mà thôi. Ngoài một số hoạt động, hình thức quảng bá thì cơ bản mọi người biết đến Năm Du lịch quốc gia thông qua một buổi truyền hình trực tiếp với các màn sử thi, đồng diễn, lễ khai trương khá rầm rộ, hoành tráng. Còn sau đó thì cơ hồ “mất hút”. Do đó khó tránh khỏi tình trạng khai trương thì rùm beng nhưng sau đó thì lặng lẽ, “đầu voi đuôi chuột”.

Thời gian gần đây, khi chúng ta quan tâm thực chất đến vai trò, vị trí, sự đóng góp của ngành Du lịch, quan tâm đến thương hiệu du lịch Việt Nam, mới thấy chúng ta đang còn rất chậm so với thế giới, mà cách làm của ta thì vẫn “không giống ai”. Mặc dù chúng ta có tiềm năng du lịch lớn, nhưng khách chưa nhiều, lượng khách trở lại lần 2, lần 3 còn thấp… Điều đó cho thấy các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, cách làm du lịch… của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo cách nói bỗ bã thì chúng ta đang làm những việc ở đâu đâu, thiếu trọng tâm, trọng điểm; khi thì nặng “tâm lý tiểu nông”, lúc thì quá “viển vông hình thức”. Trong khi chúng ta chú trọng đến những lễ khai trương đình đám, rầm rộ, và tốn kém… thì lại thụ động trong việc tuyển lựa và giới thiệu một cách hấp dẫn những món, thức mang bản sắc riêng, lạ, những điểm, nơi… cần đến; những cách đến, cách ăn, cách chơi, cách chi tiêu “thuận mua vừa bán”, “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”.

Trong khi chúng ta huy động và “rót” nguồn kinh phí lớn vào các đơn vị tổ chức sự kiện, các “nhà đài” để sân khấu hóa, lễ hội hóa các đặc sản, thổ sản, địa danh, thắng cảnh… với cách làm “Trăm nghìn đổ một trận cười như không”, thì chúng ta lại “lăn tăn”, eo hẹp và thậm chí siết hẳn hầu bao đối với những khoản đầu tư, huy động cần thiết về kinh phí và nhân lực để giải quyết những điều tưởng như rất nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng như: hướng dẫn viên chuyên nghiệp, thạo nghề; nhà vệ sinh công cộng, phương tiện di chuyển thuận tiện và chất lượng; thông tin phục vụ dịch vụ ăn, chơi, ngủ, nghỉ minh bạch, rõ ràng…; sản phẩm du lịch phong phú; thái độ và chất lượng phục vụ thoải mái… Và điều quan trọng là không chỉ chú trọng thương hiệu trong quá trình phục vụ, mà còn chú trọng trong việc kết nối, tuyên truyền, quảng bá một cách thực chất, thông qua các hãng lữ hành uy tín trên thế giới, những kênh thông tin có lượt người theo dõi và  truy cập mạnh, những địa danh, vùng miền, quốc gia đang, “đắt khách” trên thế giới.

Chúng ta cho rằng để giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch thì phải tổ chức Năm du lịch quốc gia một cách hoành tráng, Lễ khai trương đình đám, đại sứ du lịch được tuyển lựa ầm ĩ, nhưng lại chưa có cách khắc phục dứt điểm những vấn nạn, như: đi taxi chỉ 2 km nhưng bị “chém” đến 500.000 đồng, đi 7 km thì “chém” đến 1 triệu đồng;  nơi điểm tâm thì “bún mắng cháo chửi”; vào nơi mua sắm thì “thách cả trả nửa”; vào khu du lịch thì người ăn xin, tàn tật, chụp ảnh dạo, bán vàng hương níu kéo và nài nỉ; ở chỗ công cộng thì có nơi “cấm đái” nhưng lại không có nhà vệ sinh.

Tương tự, không chỉ với Năm Du lịch quốc gia, mà ngay cả với các lễ khai trương, động thổ, kỷ niệm ngày thành lập ngành, thành lập địa phương cũng vậy. Kinh phí tốn kém thì ai cũng thấy rõ, nhưng ý nghĩa và hiệu quả mọi mặt đưa lại có tương ứng với mục đích yêu cầu đề ra ban đầu không thì còn nhiều vấn đề để nói. Không ít nơi tổ chức tốn kém, linh đình, nhưng ý nghĩa xã hội, hiệu quả thiết thực lại không cao.

Bởi, phạm vi các nội dung, sự kiện, hoạt động, và cách làm để đạt tới sự thành công, dấu ấn, có lẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi chỉ một buổi lễ, một số sự kiện, hoạt động bề nổi, mà cần một kế hoạch nghiêm túc, bài bản, lâu dài, thực chất. Vì vậy, ý kiến đề xuất về việc cần xem xét lại một số cách tổ chức hoạt động tốn kém, ít hiệu quả là một ý kiến xác đáng. Đó cũng là vấn đề mà những người có trách nhiệm, những cấp có thẩm quyền cần suy nghĩ nghiêm túc để có những điều chỉnh cần thiết, kịp thời, vì ích nước, lợi dân.


Ngô Kiên