(Baonghean) - Việc lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn ngày 10/6 và công bố công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trước toàn dân vào ngày 11/6 vừa qua, tuy đây là lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động Quốc hội nước ta thực hiện công việc này, nhưng có thể khẳng định kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã cơ bản đáp ứng được niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng cho thấy các đại biểu Quốc hội kỳ này đã làm việc nghiêm túc với lá phiếu của mình, nhờ thế đã xóa đi những hoài nghi, quan ngại trước đó cho rằng khi lấy phiếu tín nhiệm đại biểu rất dễ bị phân tâm với chữ “tình”, hoặc đại biểu thực hiện một cách hình thức, chiếu lệ, làm cho có theo kiểu “vo tròn đập bẹp” cho vừa lòng nhau…

Điều dễ cảm nhận là cử tri rất phấn khởi trước không khí dân chủ trong Quốc hội đang được mở rộng, phấn khởi vì cảm nhận được tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội ngày càng cao trong việc thực thi trách nhiệm dân cử trước yêu cầu, nhiệm vụ, và cũng là đòi hỏi nghiêm túc của cử tri, của đất nước, về việc bày tỏ thái độ tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ các mức độ tín nhiệm có sự phân hóa với các khoảng cách nhất định: người có tỷ lệ “tín nhiệm cao” cao nhất 74,7%, trong khi có tỷ lệ “tín nhiệm cao” thấp nhất 16,67%; người có tỷ lệ “tín nhiệm” cao nhất 61,04%, trong khi người có tỷ lệ “tín nhiệm” thấp nhất 20,88%; người có tỷ lệ “tín nhiệm thấp” thấp nhất 1.2%, trong khi người có tỷ lệ “tín nhiệm thấp” cao nhất 41,97%. Đây là kết quả khác xa so với những kết quả bình bầu, xếp loại thường thấy với những tỷ lệ lúc nào cũng rất “đẹp”: 100%, gần 100%, hoặc chí ít cũng trên 90%.

Cũng cần khẳng định kết quả lấy phiếu tín nhiệm không thể phản ánh hoàn toàn chính xác, đầy đủ, cũng không thể nói rằng tỷ lệ % cho mỗi loại phiếu đã trùng khít và tương ứng với thực chất, thực lực năng lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của các chức danh. Nhưng không vì thế để nói rằng kết quả cụ thể với các mức độ, tỷ lệ % có sự phân hóa, khoảng cách khác nhau cho mỗi mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp… không nói lên được điều gì. Với năng lực, trình độ, phẩm chất, tư cách và cách thức làm việc của đại biểu Quốc hội ngày càng được đổi mới, nâng cao, ngày càng trở nên chuyện nghiệp hơn; với hệ thống thông tin và các nguồn hỗ trợ, cung cấp thông tin ngày càng nhanh nhạy, kịp thời, phong phú và toàn diện hơn… tin chắc rằng các đại biểu Quốc hội có cơ sở để phản ánh, nhìn nhận, đánh giá, bày tỏ thái độ một cách khách quan, trung thực. Cử tri và đông đảo nhân dân tin rằng đó là những con số… biết nói.

Từ những kết quả đáng ghi nhận trong việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, cử tri tiếp tục trông đợi vào tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh của các đại biểu dân cử đối với việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do hội đồng nhân dân các cấp bầu, phê chuẩn sắp diễn ra. Hơn lúc nào hết, cử tri mong muốn các đại biểu HĐND các cấp thực sự ý thức về tư cách đại diện của mình, xứng đáng với nhiệm vụ và quyền hạn của người đại biểu hội đồng đã được Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định. Cử tri trông chờ đại biểu hội đồng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lá phiếu tín nhiệm của mình, đó cũng là sự thể hiện trách nhiệm với cử tri ở đơn vị bầu ra mình.

Muốn vậy, mỗi đại biểu hội đồng có trách nhiệm thu thập thông tin về các chức danh, đánh giá khách quan, trung thực năng lực, uy tín của các chức danh trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung công việc đảm trách, được hội đồng nhân dân thông qua. Đại biểu hội đồng cần nhận thức sâu sắc rằng, lá phiếu tín nhiệm trong tay đại biểu phải thực sự phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, đòi hỏi của cử tri; lá phiếu sẽ phát huy tác dụng tốt nếu phản ánh một cách trung thực nhất về năng lực, trách nhiệm, uy tín của các chức danh do hội HĐND bầu, phê chuẩn.

Nếu đại biểu HĐND trân trọng lá phiếu, dùng lá phiếu tín nhiệm để phản ánh một cách trung thực, khách quan thì kết quả lấy phiếu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực, nỗ lực đối với những chức danh có uy tín cao, đồng thời “đánh động”, tạo áp lực đối với những chức danh chưa có sự tín nhiệm cao. Có như vậy kết quả lấy phiếu tín nhiệm mới thực sự là một “kênh” quan trọng để đánh giá, sàng lọc cán bộ do HĐND bầu và phê chuẩn.

Từ kết quả lấy phiếu, bằng công tác tổ chức hoặc sự tự ý thức, tự điều chỉnh, nỗ lực phấn đấu, mỗi chức danh đều phải vươn lên hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được phân công với tinh thần trách nhiệm tốt nhất, cũng có nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ phục vụ nhân dân, phụng sự nhân dân với khả năng, năng lực và trách nhiệm cao. Nếu không đáp ứng được điều đó, thì phải chấp nhận sự đào thải, sàng lọc, để đảm bảo trong bộ máy không có những cá nhân không đảm bảo năng lực, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Vì vậy, đại biểu trân trọng lá phiếu cũng chính là trân trọng cử tri đã bầu ra mình, trân trọng nhân dân!


Ngô Kiên