(Baonghean) - Vào khoảng 13 giờ rưỡi chiều 3/6/2013, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại cây xăng số 2B đường Trần Hưng Đạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Theo đó, ngọn lửa bùng phát ở cây xăng có lúc cao đến 20 mét đã nhanh chóng lan và thiêu rụi các nhà dân xung quanh. Mặc dù Hà Nội đã huy động lực lượng Cảnh sát PCCC cùng với nhiều phương tiện chữa cháy hiện đại ở mức cao nhất, tiếp cận hiện trường sớm nhất nhưng sau gần 5 giờ đồng hồ, vụ cháy mới được khống chế và dập tắt hoàn toàn.

Nguyên nhân vụ cháy bước đầu được xác định: khi xe bồn đang nhập xăng vào bể chứa, xăng bị rò rỉ theo rãnh thoát nước vào quán ăn kề bên thì bị bắt lửa. Ngọn lửa cháy ngược về xe chở xăng rồi lan sang bể ngầm của cây xăng gần như ngay lập tức. Các chuyên gia về cháy nổ kinh ngạc không hiểu vì sao trong nhiệt độ cao như thế mà xe bồn đang chứa hàng trăm mét khối xăng không phát nổ. Và nếu nó nổ thì không biết điều gì sẽ xảy ra?

Tuy thiệt hại về người là không lớn và không phải là vụ cháy cây xăng đầu tiên ở Hà Nội nhưng đây là một vụ cháy lớn ở mức khủng khiếp. Nó thực sự gióng lên một hồi chuông báo động khẩn cấp về an toàn phòng cháy tại các trạm/cây xăng dầu không chỉ trên địa bàn Hà Nội.

Trông người lại ngẫm đến ta. Theo thống kê của cơ quan chức năng, ở Nghệ An hiện nay có trên 300 trạm/cây bán lẻ xăng dầu. Trong đó phần lớn nằm ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Trong đó TP Vinh chiếm khoảng 10%.

Theo tiêu chuẩn thiết kế quy định, các trạm xăng dầu phải cách khu vực tụ tập đông người tối thiểu 100 mét, các công trình dân dụng không dưới 10 mét, công trình công cộng từ 50 mét trở lên; cách đường điện cao thế gấp 1,5 lần chiều cao cột điện; cách các điểm nguy hiểm về cháy nổ 100 mét; có tiếp giáp với các công trình xây dựng khác thì buộc phải có tường bao cao trên 2,2 mét. Nếu theo đúng quy chuẩn này, liệu ở Nghệ An các trạm, cây bán lẻ xăng dầu có đảm bảo đúng quy định trên?

Trao đổi về vấn đề này, một sĩ quan Cảnh sát PCCC Công an Nghệ An khẳng định: Hiện tại 100% trạm bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Nghệ An đảm bảo các quy chuẩn trên. Những trạm vi phạm đã được xử lý. Tuy nhiên, theo ghi nhận bằng mắt thường của chúng tôi thì ở Thành phố Vinh cũng như các vùng nội thị khác trong tỉnh thì số trạm bán lẻ xăng dầu vi phạm các quy chuẩn trên không phải là ít. Đó là chưa nói đến các hành vi vi phạm khác tại Luật PCCC hay Nghị định 52/CP của Chính phủ như hành vi sử dụng các vật phát sinh lửa, điện thoại di động tại các trạm xăng dầu chẳng hạn.

Và, nếu như 100% trạm bán lẻ xăng dầu ở Nghệ An đã đảm bảo các tiêu chuẩn quy định như lời vị sĩ quan PCCC trên nói đi nữa thì hiểm họa cháy nổ tại các trạm xăng trên địa bàn Nghệ An vẫn đang rình rập chúng ta từng giây, từng phút. Bởi, thói quen cẩu thả của một số người tiêu dùng, sự khinh suất của nhiều trạm xăng dầu. Thậm chí, cũng không loại trừ một số cán bộ của cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt chưa thật sự nghiêm túc đối với các hành vi vi phạm.

Ở Hà Nội, trước vụ cháy xảy ra ở 2B - Trần Hưng Đạo, người ta đã thống kê được trên 50 trong tổng số 500 trạm bán lẻ xăng buộc phải di dời càng sớm càng tốt. Đó là chưa nói đến những phát hiện sai sót nghiêm trọng ở các cây xăng dầu trên địa bàn sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra. Còn ở Nghệ An, liệu các cơ quan chức năng có cần phải tổ chức khảo sát, đánh giá lại độ an toàn của trên 300 trạm xăng dầu không?

Dù quá sáo mòn, vẫn muốn nhắc lại câu “đừng để mất bò rồi mới lo làm chuồng” để các cơ quan chức năng và các chủ doanh nghiệp lo liệu.


Việt Long