(Baonghean) - Trong phần thi tự luận của kì thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn vừa qua, bài báo viết về tấm gương của em Nguyễn Văn Nam đã được đưa vào đề thi và yêu cầu thí sinh nêu cảm nghĩ về hiện tượng trên. Nhiều thí sinh bày tỏ, đề thi tự luận năm nay hay, rõ ràng, dễ hiểu nhưng không đơn giản, hời hợt, tạo điều kiện cho các em có những cảm nhận và suy nghĩ sâu sắc. Như vậy, có thể thấy, ý kiến cho rằng giới trẻ ngày nay sống hời hợt, vô cảm với xã hội là không hoàn toàn có lý. Tất nhiên, không phủ nhận rằng sự quan tâm, chú ý  của giới trẻ tập trung phần lớn vào những chủ đề liên quan đến giải trí hơn là những vấn đề mang tính nghiêm túc như văn hoá, xã hội... Nếu như hiện tượng trên không chỉ thuộc vào trách nhiệm của bản thân các em, vậy thì mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?

Cần đặt câu hỏi: giới trẻ ngày nay tiếp cận với thông tin như thế nào? Đa số là qua mạng internet (các trang báo mạng, mạng xã hội) và tivi, còn đối tượng chủ yếu đọc báo giấy vẫn là những người thuộc các thế hệ đi trước (trừ một số tờ báo mang hơi hướng giải trí). Chúng ta đang sống trong thời đại số nên tình trạng trên là tất yếu, khi mà những phương tiện truyền thông công nghệ cao đang từng bước chiếm lĩnh thị phần của các hình thức thông tin truyền thống nhờ tính tiện lợi của chúng. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy, tính chính thống và mức độ nghiêm túc của phần lớn các trang báo mạng, các nguồn thông tin “công nghệ cao” vẫn còn ở mức độ tương đối, hoặc giả như phiên bản báo mạng của những tờ báo chính thống có được lập  nên thì tính phổ biến của chúng trong giới trẻ cũng còn chưa cao. Tại sao lại xảy ra tình trạng trên? Có hai lý do:

Thứ nhất, do chất lượng chưa theo kịp  với số lượng. Các tờ báo mới (báo mạng hay báo giấy) được lập ra ngày một nhiều, nhưng với sự ra đời tràn lan, mục đích hoạt động chưa hẳn là để đưa thông tin đến với người đọc mà để phục vụ cho việc quảng cáo, kiếm lợi nhuận, sự đầu tư cho những nguồn thông tin trên còn mang tính chất “ăn xổi ở thì”. Từ đó mới dẫn đến tình trạng hàng loạt tờ báo “lá cải” thi nhau đăng lại cùng một mẩu tin, bài viết mà nguồn gốc và tính xác thực chưa được kiểm chứng, mang tính giật gân để thu hút người đọc. Hoặc nữa là chiêu bài giật tít gây sốc nhưng thực ra nội dung bài báo, hình ảnh minh hoạ thì chẳng liên quan. Buồn cười hơn là những tờ báo không có lập trường, tôn chỉ rõ ràng, hôm nay vừa đăng bài chê bai, đả kích đấy, hôm sau đã thấy lên tiếng bảo vệ ngay. Tình trạng này chung quy  là do ở Việt Nam vấn đề về Luật Báo chí, Luật Bản quyền vẫn còn là vấn đề mới, chưa thực sự đi vào quy củ, nề nếp, thậm chí là còn lỏng lẻo, thiếu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Thứ hai, không phủ nhận nhu cầu về thông tin của mỗi người một khác, tuỳ  thuộc vào tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp và môi trường sống/làm việc. Nhu cầu về thông tin của thanh thiếu niên tất nhiên không giống với ông giám đốc của ngân hàng này, bà trưởng phòng của công ty nọ... và... Một ví dụ đơn giản mà dễ bắt gặp là trong khi bố mẹ chăm chú theo dõi tin thời sự thì đám trẻ con hẳn đang ngứa ngáy  muốn chuyển kênh xem một chương trình giải trí nào đó mà chúng cho là hấp dẫn hơn.

Nắm bắt được nhu cầu về thông tin giải trí của thanh thiếu niên, nhiều nguồn thông tin tập  trung đưa ra những tin tức kiểu như chuyện giật gân về người nổi tiếng, xu hướng thời trang, tin về các thần tượng hay  trào lưu đang được giới trẻ ưa chuộng... Điều đó không có gì sai, vì mỗi tờ báo có quyền được hoạt động theo tôn chỉ riêng, nhưng sẽ là vô trách nhiệm nếu họ đăng tải những thông tin không được sàng lọc và có thể gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ (thử tưởng tượng nếu một tờ báo không ngừng đăng tin về những hành vi, lối sống tiêu cực của một nhân vật được giới trẻ quan tâm theo dõi thì đến một lúc nào đó, có phải các em sẽ bị bão hoà và cảm thấy những hành vi xấu đó là bình thường, thậm chí là chuẩn mực để các em noi theo?). Chưa kể, nhiều tin tức kiểu như vậy  chưa chắc đã được xác thực, ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân và thậm chí là nhân phẩm của người được báo viết bài, đưa tin.

Nhân vật Rê-mi trong tác phẩm “Không gia đình” đã nói về người em Ác-tơ của mình như sau: “Không phải là nó nhác học. Khi người ta đưa cho nó quyển sách thì nó không lắc đầu mà trái lại, hân hoan đón lấy. Nhưng vấn đề là chưa được mười phút thì nó đã bị những sự vật xung quanh làm cho xao nhãng”. Giới trẻ của chúng ta cũng vậy, vì muốn tiếp  cận với thông tin nên mới tò mò, tìm hiểu, nhưng vấn đề là những nguồn thông tin chính thống cũng như quyển sách và những nguồn tin “lá cải” hời hợt, phù phiếm chính là ngoại cảnh khiến các em xao nhãng. Làm sao để các em tập trung vào cuốn sách mình cần đọc, có nên xem lại liệu cuốn sách đó có quá hàn lâm và chưa đáp  ứng được nhu cầu của các em, hoặc có nên sàng lọc, điều chỉnh các yếu tố ngoại cảnh cho phù hợp và lành mạnh?


Hải Triều (Email từ Paris)