(Baonghean) - Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày đầu tháng 6 này, bên cạnh đại diện các hiệp hội, tổ chức nước ngoài còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ và một số quan chức cấp cao của nước ta. Ngay từ phút mở đầu, diễn đàn đã tạo được sự bất ngờ hết sức lý thú. Là diễn giả đầu tiên, ông Mark Gillin, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), không ngần ngại nói thẳng ra là mong muốn phía Chính phủ Việt Nam không chỉ đến nghe, nói những điều mình nghĩ về các giải pháp, rồi đưa ra những lời hứa, mà muốn nhìn thấy những hành động thực tế để giải quyết những vấn đề đã được nêu. Ông cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng, do đặc thù của Việt Nam nên khó có thể thực hiện các giải pháp như cải cách doanh nghiệp nhà nước, tham nhũng và quản lý kém...
Dường như phát biểu của ông Mark Gillin đã “gãi đúng chỗ ngứa” của rất nhiều đại biểu tham dự diễn đàn. Ông Kim Jung In - Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cho biết: Các thành viên của KorCham phải đối mặt với tình trạng chậm trễ thường xuyên trong quá trình phê duyệt đối với những dự án, chính sách quan trọng. Dẫn chứng một doanh nghiệp Hàn Quốc được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007 để xây dựng một khu công nghiệp lớn, có khả năng thu hút hàng trăm triệu USD vốn FDI. Nhưng đến nay, 6 năm trôi qua dự án trên vẫn chưa triển khai được do cơ quan có thẩm quyền kéo dài việc thẩm định. Còn ông Chủ tịch Phòng Thương mại Nhật tại Việt Nam (JBAV) Motonobu nhấn mạnh: Văn bản luật của Việt Nam mâu thuẫn nhau, cơ chế lại thay đổi giữa địa phương này và địa phương khác, rồi mỗi địa phương hiểu luật theo cách khác nhau; quy định được áp dụng khác nhau giữa trung ương và địa phương...
Sự thẳng thắn của các ý kiến tại diễn đàn như vậy gần như đã “lột trần” thực tế những lời kêu gọi, lời hứa cải cách chính sách, thủ tục hành chính để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp FDI được đưa ra khá nhiều trong mấy năm trở lại đây hình như vẫn chỉ là… lời kêu gọi, lời hứa! Dẫn đến kết quả khảo sát các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam về chỉ số môi trường kinh doanh tại thời điểm tháng 3 năm nay cho thấy, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam chỉ đạt 48 điểm, dưới mức trung bình (50 điểm).
Vẫn còn quá nhiều cải cách cơ bản mới chỉ được đưa ra trên văn bản và trong các phát biểu mà chưa được hiện thực hóa, và vì thế nền kinh tế phải gánh chịu. Đây là một nhận định khá chính xác và sát hợp với tình hình hiện tại. Nền kinh tế hiện gần như đứng yên tại chỗ. Phần lớn các doanh nghiệp từ to đến nhỏ vẫn “án binh bất động”. Người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu mệt mỏi, nhàm chán với những nhận định, kiến nghị, những lời kêu gọi tái cơ cấu và tần suất các cuộc bàn thảo để đưa ra trên giấy các giải pháp cứu vãn. Ngay cả gói hỗ trợ trị giá 30 nghìn tỉ đồng dành cho những người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội được hy vọng như một cú hích để phá băng thị trường bất động sản “bất động” mấy năm nay, giờ đã được triển khai nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có một cá nhân nào vay được một đồng từ gói hỗ trợ đó.
Có thể nói, nghe phản ánh tình hình, hứa đề ra biện pháp khắc phục, giải quyết rồi… để đấy, đã trở thành một điệp khúc quen thuộc trong nhiều năm qua. Không có phiên chất vấn nào tại các kỳ họp Quốc hội mà không có những lời hứa giải quyết vấn đề này, vấn đề nọ từ lãnh đạo các bộ, ngành khi trả lời chất vấn. Nhưng sau buổi chất vấn, không ít lời hứa chìm vào quên lãng. Thậm chí là lại xuất hiện ở kỳ chất vấn sau.
Không mong nghe và hứa nữa, mà chỉ muốn nhìn thấy hành động thực tế, đó không chỉ là mong muốn của riêng ông Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Mỹ tại Việt Nam và của đại diện các hiệp hội, tổ chức nước ngoài tại diễn đàn nói trên, mà đang là mong muốn lớn của người dân.
Không mong nghe và hứa…
Duy Hương