(Baonghean) - Việc cơ quan an ninh điều tra vừa bắt giữ được Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin, người đã tham ô 18,6 triệu USD rồi bỏ trốn sang Singapore từ mấy năm trước đã cho thấy thái độ kiên trì, kiên quyết của các cơ quan nội chính trong công tác chống tham nhũng.
 
Vụ bắt giữ này đã làm nhiều người kinh ngạc và đặt ra nhiều nghi vấn, là vì sao một viên chức còn rất trẻ, chức vụ thuộc diện “làng nhàng” ở cấp trưởng phòng mà lại tham ô được số tiền lớn đến như vậy. Một mình anh ta chắc không thể nào “ôm” nổi số tiền khổng lồ như thế và chắc là phải có cả một “đường dây” ăn rơ với nhau mới có thể thực hiện được… 
 
Việc đó, chắc rồi sẽ được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Và điều quan trọng hơn cả là phải làm sao thu hồi được số tiền nhiều triệu USD đó. Đây, dĩ nhiên là một việc rất khó. Vì lẽ, đối tượng phạm tội là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, kiến thức pháp luật nên thường có thủ đoạn đối phó, bao che, che giấu hành vi phạm tội cũng như tài sản tham nhũng. Hơn nữa, khi đã có chủ định chiếm đoạt tài sản công, người ta không bao giờ tự mình đứng ra sở hữu những khối tài sản có nguồn gốc bất minh đó mà tẩu tán sang cho người thân như vợ, chồng, con cái, cha, mẹ… đứng tên. Do đó, cho đến nay, việc điều tra, phát hiện và xác định tài sản bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại do tham nhũng gây ra chưa đầy đủ so với thực tế, hoặc có xác định được số tài sản, tiền đã bị tham ô, chiếm đoạt nhưng không thu giữ được. Dẫn đến kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trên thực tế đạt tỷ lệ thấp. Thực trạng đó, làm nảy sinh tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, chấp nhận hình phạt, không chịu khai báo, che giấu tài sản tham nhũng để hưởng lợi. Đó cũng là một dạng “động lực” thúc đẩy người ta tham nhũng.
 
Vì thế, bên cạnh công tác phòng ngừa, giám sát, điều tra phát hiện tham nhũng thì cần có các biện pháp nhằm xác định đầy đủ, chính xác tài sản tham nhũng để thu hồi về cho ngân sách nhà nước. Trước mắt là ngành nội chính nên lấy vụ 18 triệu USD này làm “thí điểm” rút kinh nghiệm để rồi nhân ra diện rộng. Điểm khó nhất trong thu hồi tài sản tham nhũng là khi tài sản đó mua ở nước ngoài. Mà giữa Việt Nam và quốc gia đó lại chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp. Với Singapore thì khác, họ đã tham gia Công ước LHQ về chống tham nhũng như ta. Trong Công ước này có nội dung về thu hồi, kê biên tài sản của người tham nhũng theo yêu cầu của quốc gia có người tham nhũng chạy đến, hoặc phong tỏa tài sản ở các ngân hàng của người đó hoặc người thân của họ theo yêu cầu của quốc gia đó. Do đó, việc kê biên hoặc phong tỏa tài sản ở Singapore là không khó.  Mà như ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương hy vọng, đây sẽ là tiền đề, phát súng đột phá trong thu hồi tài sản tham nhũng.
 
Ngẫm cho kỹ thì thấy, nếu làm tốt khâu thu hồi tài sản tham nhũng thì không chỉ tránh được việc thất thoát tài sản công mà đó còn là cách phòng ngừa tham nhũng hiệu quả nhất. Bởi đơn giản là tham nhũng, nếu bị phát hiện không những bị tù tội mà còn bị tịch thu hết tài sản do tham nhũng mà có thì rõ ra là “mất cả chì lẫn chài” nên ít người đủ can đảm để mà tham nhũng. Thế nên, cần phải làm thật tốt khâu thu hồi tài sản  tham nhũng.
 
Duy Hương