Hồng đỏ rực trong giá rét tại cổng trời xứ Nghệ
(Baonghean.vn) - Những vườn hồng trĩu quả, đỏ rực giữa buốt giá, sương mù là cảnh sắc trời ban cho vùng đất Mường Lống, huyện Kỳ Sơn những ngày giá rét này.
26/12/2020 - 09:28
Những ngày này, tại các xã biên giới như Tây Sơn, Huồi Tụ, Mường Lống, Nậm Càn, Na Ngoi... thuộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nhiệt độ xuống thấp, mây mù bao phủ cả ngày. Tuy nhiên đây cũng là thời điểm những sản vật vùng biên như hoa đào, hoa mận, hồng... khoe sắc trong buốt giá. Ảnh: Xuân Hoàng Cây hồng được bắt đầu trồng từ năm 1996, từ dự án hỗ trợ xóa bỏ cây thuốc phiện do huyện Kỳ Sơn triển khai. Dù cây hồng không phải là cây bản địa nhưng lại rất hợp với thời tiết khí hậu huyện biên giới này. Những ngày đông giá rét, những cây hồng đỏ rực nổi bật lên giữa sương mù khiến ai cũng phải trầm trồ. Ảnh: Quang An Anh Lầu Bá Tu, bản Mường Lống 1, xã Mường Lống cho biết: "Gia đình trồng hồng đã hơn 10 năm nay, thời điểm thu hoạch hồng từ tháng 9 đến tháng 11, nhưng có một số vườn hồng chín muộn, kéo dài đến tháng 12 như hiện tại..." Trong ảnh: Những cành hồng trĩu quả, sà xuống nhà sàn của đồng bào. Ảnh: Xuân Hoàng Theo bà con cho biết, năm nay, hồng được mùa, quả to và rất đẹp nên được thương lái rất ưa chuộng. Giá hồng mua tại gốc dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Ảnh: Quang An Ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: Toàn xã có khoảng 50 gốc hồng rừng lâu năm, trồng rải rác các bản. Bên cạnh đào thì hồng cũng là cây xóa đói giảm nghèo, giúp bà con vùng cao có thêm thu nhập, đây cũng là điểm nhấn trong đề án phát triển du lịch của địa phương. Ảnh: Xuân Hoàng Hồng ở huyện vùng cao Kỳ Sơn không sử dụng phân bón và chất bảo quản, lúc chín hồng có màu đỏ rực, mọng nước và rất ngon ngọt . Ảnh: Lữ Phú Tranh thủ thời tiết, người dân vùng cao Kỳ Sơn đang tích cực thu hoạch hồng bán cho thương lái vì nếu quá ngày chất lượng hồng sẽ giảm sút cũng như hồng sẽ rụng. Được biết, trước hiệu quả của hồng mang lại, các hộ dân sẽ tiếp tục trồng giống cây này trong những năm tới. Ảnh: Quang An