(Baonghean) - Nếu có dịp đến xã Khánh Sơn (Nam Đàn), hãy dừng chân để ngắm cảnh bến đò Vạn Rú - Rú Trét, nơi một thời là “tọa độ lửa” vô cùng ác liệt. Với tinh thần quả cảm, mưu trí và kiên cường, quân và dân ta đã làm nên những kỳ tích trên vùng đất trọng yếu này…
 
images1101782_img_4448.jpgBến đò Vạn Rú.
 
Theo tài liệu lịch sử, để chi viện cho chiến trường miền Nam, đầu 1968, Tổng cục Hậu cần QĐND Việt Nam quyết định khảo sát và triển khai đường ống dẫn xăng dầu vào miền Nam. Yêu cầu nhiệm vụ hết sức khẩn trương, vì phải đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa, hơn nữa, những diễn biến trên chiến trường ngày một cấp thiết, nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ chiến đấu tăng cao. Vì thế, việc đảm bảo bí mật sẽ quyết định sự sống còn của tuyến đường dẫn xăng dầu này. Ngày 12/4/1968, Tổng cục Hậu cần thành lập đơn vị Công trường Thủy lợi 01 (sau đổi tên thành Công trường 18) với 34 chiến sỹ được huấn luyện kỹ thuật cơ bản do Đại tá Mai Trọng Phước, Phó Cục trưởng Cục xăng dầu chỉ huy. Trong hoàn cảnh địch thường xuyên đánh phá, việc thi công gặp không ít khó khăn và nguy hiểm. Đặc biệt, thi công đường ống vượt sông Lam là cả một thử thách lớn, nên phải chọn vị trí hẹp nhất để tiết kiệm thời gian và công sức. Bến đò Vạn Rú khá lý tưởng cho việc thi công, ngoài đoạn sông này hẹp, còn có núi rừng xung quanh che chắn, lại cách trục đường chính không xa.
 
Nhiều phương án được đặt ra, cuối cùng Ban Chỉ huy quyết định đặt ống ngầm dưới đáy sông để đề phòng bị máy bay địch phát hiện, đánh phá. Nhưng ngặt nỗi lại thiếu phương tiện để thi công, cả xe kéo và ca-nô  đều không có, buộc phải dùng sức người. Vào đêm 22/6/1968, lực lượng Công trường 18 và đông đảo dân quân xã Nam Đông (nay là xã Khánh Sơn) được lệnh cùng hợp sức kéo ống dẫn qua sông. Trên đầu, máy bay địch gầm rú, ném bom tọa độ, rồi thả pháo sáng rực trời. Bất chấp hiểm nguy, bộ đội và dân quân vẫn kiên cường kéo từng đoạn ống dẫn, tiếng hò mỗi lúc một ngân vang. Đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, toàn bộ đường ống với chiều dài 500m được bí mật kéo qua sông Lam an toàn, máy bay địch không hề phát hiện được bất cứ một vết tích nào.
 
Sau khi vượt sông, hệ thống đường ống dẫn dầu tiếp tục được thi công trên đất liền bằng cách lấp kín dưới mặt đất, tất cả đều giữ được bí mật và đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đến giữa tháng 8/1965, đường ống dẫn dầu đầu tiên dài hơn 40 km được lắp đặt thành công qua vùng “tam giác lửa” là Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm. Từ đây, đường ống xăng dầu tiếp tục được nối vào Nam, ra Bắc để đáp ứng nhu cầu của các chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang thời đánh Mỹ. 
 
Đường 15A qua vùng Nam Đông hết sức hiểm trở, bên núi, bên sông, tạo thành một “nút thắt” trong hành trình chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Máy bay Mỹ thường xuyên dội bom xuống để cắt đứt tuyến đường chiến lược, hàng ngày nơi đây phải hứng chịu 8 - 10 loạt bom. Để giảm thiệt hại do bom Mỹ gây ra, ta triển khai phương án cho bộ đội hành quân rẽ theo hướng xuôi đê tả Lam, đến địa bàn xã Xuân Lâm rồi qua bến đò Vạn Rú. Một thời gian sau, địch phát hiện hướng di chuyển mới của bộ đội ta nên tăng cường dội bom xuống khu vực này. Lúc bấy giờ, HTX Đại Thành - đơn vị có nhiệm vụ khai thác, đánh bắt và vận chuyển cá trên sông Lam được huy động làm nhiệm vụ chở bộ đội cùng các loại vũ khí, khí tài qua sông an toàn. Có những đêm phải huy động hơn 150 chiếc thuyền để chở bộ đội qua sông, trẻ em 14 - 15 tuổi đều ra sông chèo thuyền, mỗi gia đình có 3 - 5 thành viên tham gia và lập thành một đội. Nhiệm vụ được thực hiện từ khoảng 5 giờ chiều đến rạng sáng ngày hôm sau, mỗi đêm có từ 4.000 - 5.000 chiến sỹ vượt sông an toàn. 
 
Máy bay Mỹ ném bom ngày càng ác liệt, xã Nam Đông quyết định thành lập Đại đội “thép” và Tiểu đội “10 cô gái sông Lam” sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao. Đó là phối hợp với đơn vị bộ đội pháo cao xạ bắn trả máy bay địch, san lấp hố bom, rà phá bom mìn, bảo vệ hệ thống đường ống dẫn xăng dầu và chở bộ đội, vũ khí qua sông, tham gia cứu chữa khi có người bị thương. Bến đò Vạn Rú - Rú Trét đã chứng kiến sự ngã xuống của biết bao cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Đó là ngày 10/6/1968, một đoàn xe chở thương binh từ chiến trường về bị máy bay địch ném bom làm 23 người chết, hàng chục người khác bị thương. Hơn một tháng sau, ngày 25/7/1968, máy bay Mỹ lại ném bom làm 16 người chết, 96 người bị thương. Không lâu sau, chúng lại ném bom làm 26 người chết, 97 người bị thương… Và còn bao nỗi đau thương khác đã diễn ra nơi vùng đất này đều được nhân dân nơi đây ghi nhớ. 
 
Chiến tranh và bom đạn đã lùi xa, mảnh đất này đang hồi sinh. Đồng bãi xanh màu ngô, lạc; núi đồi đã ngút ngàn cây và làng quê yên vui, trù phú. Người dân Nam Đông xưa, Khánh Sơn ngày nay luôn nhắc nhở cháu con về một thời ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng.  
 
 
Tường Anh