(Baonghean) - 50 năm đứng trong quân ngũ, đi qua 3 cuộc chiến tranh, đã bao lần vào sinh ra tử, cuộc đời ông có không ít những vui buồn. Ký ức của ông là những trận đánh ác liệt, là tiếng bom rơi, đạn nổ, là tình đồng đội ấm áp. Đời thường của ông là niềm vui sum vầy bên con cháu, tự tay mình chăm sóc ao cá, vườn rau. Ông là Nguyễn Xuân Chí, vị tướng sắp bước sang tuổi 84…
Hỏi nhà Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4, nhiều người dân phường Đội Cung (Thành phố Vinh) chỉ đường một cách nhiệt tình. Khuôn viên nhà ông không rộng nhưng cũng đủ đất để trồng mấy luống rau, đào một cái ao cá nhỏ, trồng được dăm cây xoài, bưởi để treo những chiếc lồng chim. Ở độ tuổi này, việc chăm sóc vườn tược trở thành niềm vui hàng ngày. Mái tóc ông đã bạc trắng, dáng đi vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. “Chuyện của mình thì nhiều lắm, mà toàn là chuyện đánh giặc, hành quân, gian khổ, hy sinh…”. Quả thật, với dòng ký ức của mình, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí có thể viết thành một tập hồi ký thú vị và dày dặn!
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học ở xã Trường Lộc, Can Lộc (Hà Tĩnh), sớm giác ngộ cách mạng, cậu bé tên Chí được bố mẹ quan tâm đến chuyện học hành. Cậu được học cả chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, sớm được tiếp xúc với những người có chí hướng cách mạng, được đọc những tài liệu tuyên truyền của Đảng. Nhờ đó, Nguyễn Xuân Chí sớm ý thức được nỗi đau của kiếp đời nô lệ và nuôi trong mình khát vọng, hoài bão góp phần đánh đuổi những kẻ gieo rắc đau khổ, lầm than. Cuối năm 1949, chàng thanh niên 18 tuổi đất Trường Lưu xung phong vào bộ đội lên đường đánh Pháp. Từ đó, bàn chân người lính trận in dấu khắp các chiến trường. Bàn chân ấy đã vượt dãy Trường Sơn từ năm 1950 với hành trình dằng dặc 6 tháng để vào đánh Pháp ở miền Đông Nam bộ, hàng ngày đối mặt với đói khát, bệnh tật và thú dữ. Để rồi, 9 năm sau, những người con nước Việt lần theo những bước chân ấy mở đường chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hành trang người lính mang theo cuộc trường chinh chỉ có chiếc ba lô, bên trong là cuốn sổ tay người anh trai trao tặng, một lọ nước mắm Quỳnh Lưu cô đặc và một ít lương khô. Dép hỏng, lấy vỏ cây bện để thay. Áo rách, lấy dây rừng khâu lại. Vất vả, gian nan là thế người lính vẫn hăm hở tiến lên, không ai sờn lòng, nhụt chí. Thắng Pháp, người lính ấy trở về miền Bắc tập kết, rồi về Nghệ An làm cán bộ tham mưu của Trung đoàn 31 (Sư đoàn 341B).
Năm 1966, chiến sự ở phía bên kia vĩ tuyến 17 bắt đầu ác liệt, đơn vị Sư 341B được lệnh hành quân vào Đường 9 (Quảng Trị) và Nam Lào để thay Sư 324 rút về củng cố lực lượng. Từ đây, Nguyễn Xuân Chí lại bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ, trực tiếp đối mặt với kẻ thù. Bàn chân ông lại tiếp tục in dấu khắp các chiến trường Khu 4, Khu 5 và khắp dải đất miền Trung dằng dặc. Đây mới thực sự là những năm tháng cam go, ác liệt và chịu nhiều hy sinh, bởi kẻ địch có vũ khí tối tân, trong khi bộ đội ta đang muôn vàn thiếu thốn. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí kể về những trận đánh diễn ra ác liệt, ở đó những người lính của ông chiến đấu quả cảm và anh dũng. Đó là trận đánh chiếm cao điểm Liệt Kiểm (Đà Nẵng) nhằm mục tiêu kéo quân viện của địch để tiêu diệt, mở rộng vùng căn cứ vào năm 1972. Là Tham mưu trưởng, Trung đoàn phó Trung đoàn 31, ông trực tiếp chỉ huy trận đánh. Với phương châm bất ngờ, táo bạo, lại làm tốt khâu chuẩn bị, nghiên cứu kỹ địa hình, địa vật nên nhanh chóng giành thắng lợi, bắt sống một Trung tá tỉnh phó Quảng Chính và một Thiếu tá ngụy là tiểu đoàn trưởng.
Tại trận Nông Sơn (Quảng Nam), ông trực tiếp vào căn cứ của địch để trinh sát, nắm bắt tình hình và xây dựng phương án tác chiến. Qua 6 vòng hàng rào, lúc trở ra ông bị vướng dây mìn, rất may chỉ mới chạm nhẹ, chưa đủ lực để địch phát hiện và kích nổ. Ngày xung trận, do có sự phối hợp nhuần nhuyễn với đơn vị pháo binh được tăng cường nên giành thắng lợi vang dội, khiến địch không kịp đối phó. Trận này, đơn vị của Nguyễn Xuân Chí đã loại khỏi vòng chiến đấu 2 tiểu đoàn (bắt sống gần 600 tên), người chỉ quy được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất. Rồi bao trận tiếp theo, ông trực tiếp chỉ huy và giành chiến thắng trước kẻ thù. Trong đó, không thể quên những ngày Xuân 1975, khi ấy Nguyễn Xuân Chí là Tham mưu trưởng Sư đoàn 2, chỉ huy đơn vị giải phóng Tam Kỳ. Địch hoảng loạn, bỏ xe tăng, vũ khí để chạy thoát thân. Nhận lệnh của Đại tướng Chu Huy Mân (lúc bấy giờ là Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu 5), Sư đoàn 2 chia thành 3 mũi tiến ra giải phóng Đà Nẵng. Quân ta hành quân đến đâu, địch ở đó buông vũ khí, bỏ chạy tán loạn, kéo ra đầu hàng. Người dân Đà Nẵng đón tiếp đoàn quân giải phóng bằng cờ hoa và những chiếc bánh mỳ thơm giòn. Rồi mấy năm sau, bàn chân ông lại tiến về biên giới Tây Nam, sang đất Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế, đánh tan chế độ Pôn Pốt, cứu người dân nước này thoát hỏi họa diệt chủng. Lúc bấy giờ, Nguyễn Xuân Chí là Tham mưu trưởng Mặt trận 579 của Quân khu 5.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí thường nhắc tới đồng chí, đồng đội, những người đã dành cho ông sự sống để trở về. Một trận đánh diễn ra năm 1970, khi ông còn là Phó phòng tác chiến Mặt trận 4 (Quân khu 5). Đơn vị đóng ở lưng chừng một quả đồi, bị địch bất ngờ bao vây, mọi người đều ra vòng ngoài đánh địch. Chỉ còn một mình ông và một đồng chí vệ binh ở lại Sở chỉ huy. Quân địch rất đông, đang vượt qua chiếc cầu độc mộc để tiến vào, ông chiếm lĩnh gò đất phía trước rồi chuẩn bị ngắm bắn. Nhận thấy có thể địch đã phát hiện, đồng chí vệ binh đã ra hiệu cho ông lùi lại. Lập tức người đồng đội của ông đã bị địch bắn trúng đầu và gục xuống. Nhân lúc địch câu pháo, khói bụi mù mịt, Nguyễn Xuân Chí đã rút vào hầm trú ẩn an toàn. Lần khác, ông dẫn một đơn vị đặc công từ núi rừng xuống chiến đấu tại vùng đồng bằng thuộc huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Đánh xong đúng lúc trời sáng, không kịp rút lên rừng, đành phải vào làng trú ẩn chờ đến tối. Cuối buổi chiều, địch phát hiện và cho máy bay ném bom. Một chiến sỹ dùng dao găm đào một căn hầm nhỏ, thấy ông đi qua liền đẩy xuống hầm rồi nói: “Chiến sỹ như em nhiều lắm, chỉ sợ thủ trưởng chết sẽ không ai chỉ huy”. Thật may, trong trận bom đồng chí ấy chỉ bị thương nhẹ. Rồi lần đơn vị rút lên vùng núi rừng của Đà Nẵng và lâm vào cảnh thiếu lương thực, phải độn gạo với các loại cây rừng băm nhỏ để nấu ăn, rất khó nuốt. Một hôm, đi công tác về, được anh em nấu cho cơm trắng, ông liền thắc mắc thì được anh em giải thích: “Thấy thủ trưởng gầy yếu quá (lúc ấy ông chỉ còn 43 kg), chúng tôi bớt khẩu phần gạo góp lại nấu cho thủ trưởng”. Người chỉ huy xúc động đến trào nước mắt, và ông nhận thấy tình đồng chí, đồng đội quả thật không có gì sánh được. Theo lời Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí, tất cả chiến công luôn thuộc về đồng đội, trong đó có những người vĩnh viễn nằm lại chiến trường hoặc suốt đời mang trong mình thương tật. Nói đến đây, lòng ông chợt bùi ngùi, đôi mắt rớm lệ, nếp nhăn như nhiều thêm. Bởi lẽ, để giành chiến thắng, riêng Sư đoàn 2 của ông khoảng 13 nghìn người đã nằm lại, và khoảng 12 nghìn người trở thành thương binh.
Và Nguyễn Xuân Chí còn có một sự may mắn khác, đó là được gặp gỡ, tiếp xúc và nhận được sự dạy dỗ, chỉ bảo thân tình của các vị tướng lĩnh hàng đầu trong quân đội như Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Lê Đức Thọ, Chu Huy Mân, Lê Đức Anh... Trong mắt ông, họ thực sự là những vị tướng giỏi và giàu lòng nhân ái, vị tha.
Cả thời lính mải mê với những trận chiến, bố mẹ ở quê đã hỏi cho ông một cô giáo trẻ cùng làng. Tình yêu được vun đắp chủ yếu qua những cánh thư. Đám cưới được tổ chức vào năm 1958, trong một kỳ nghỉ phép 10 ngày. Rồi phải chờ kỳ nghỉ phép sau 4 năm nữa, con trai đầu lòng mới chào đời. Đường chiến chinh dài dằng dặc, người chồng cứ mải miết với chiến trường, phải chờ đến 16 năm sau, cô giáo Nguyễn Thị Mai - vợ ông mới sinh con trai thứ 2. Lấy nhau mấy chục năm nhưng thời gian bên nhau chỉ có thể tính bằng ngày tháng, người vợ một nách hai con, lại còn việc trường, việc lớp. Cho đến năm 1983, được chuyển về Bộ Tư lệnh Quân khu 4 ông mới có dịp gần gũi vợ con, gia đình. Khi nghỉ hưu, có thể cùng nhau an hưởng tuổi già thì bà lại ra đi vì bạo bệnh. Đã 10 năm nay, ông sống trong cảnh thiếu vắng người bạn đời, dù con cháu sum vầy nhưng vẫn không thể lấp đầy khoảng trống trong lòng vị tướng già. Nhưng là người từng xông pha trận mạc, vào sinh ra tử nên ông biết cách kìm nén nỗi lòng và hiểu quy luật của tạo hóa.
Tiễn khách ra về, vị tướng già ấy lại tiếp tục với công việc chăm sóc vườn rau, ao cá. Chợt nhớ lời ông chia sẻ: “Làm tướng chỉ là lúc ra trận, về với cuộc sống đời thường, mình là người bình thường như bao người khác. Đó là mơ ước, là khát vọng...”. Chúng tôi còn được những người lính, đồng đội của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí kể về tấm lòng bao dung, nhân ái của người chỉ huy là ông. Và được bà con khối phố kể về sự gương mẫu, tận tụy của một đảng viên cao tuổi, một công dân mẫu mực.
Công Kiên