(Baonghean) - Mấy chục năm gắn bó với phong trào tập thể, ông Trần Đức Khiếng (thôn Kỳ Chu, xã Thanh Chi, Thanh Chương) luôn dành trọn tình yêu cho những câu hò, điệu ví quê hương. Chính tình yêu tha thiết ấy đã thôi thúc ông sáng tác, truyền dạy, góp phần gìn giữ và tạo sức lan toả của dân ca xứ Nghệ trong cộng đồng…
 
images1102788_dsc03653.jpgÔng Trần Đức Khiếng
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu văn nghệ: Mẹ, anh trai, chị gái, đều hát hay, đặc biệt là hát dân ca; cha là một người khéo tay, chuyên làm đạo cụ cho những đêm biểu diễn của làng. Trần Đức Khiếng được sống trong không khí văn nghệ từ tuổi ấu thơ. Ký ức về mẹ trong ông vẫn còn vang ngân lời hát năm nào “Mẹ mi mô rồi hậy / Tau đi tỉnh mới về/ Có những chuyện hay ghê / Lại ngồi đây học chuyện”. Khi tham gia công tác địa phương, được cử đi học lớp sơ cấp ở Trường Văn hoá - Nghệ thuật tỉnh Nghệ An, ông đã học hỏi, tiếp thu được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý. Để rồi từ đây, những ca khúc, kịch hát dân ca ngọt ngào do ông sáng tác được cất lên, được trình diễn khắp nơi. Trong một lần về thăm Thanh Chương, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã từng gửi gắm: “Trần Đức Khiếng, mày có duyên với các ca khúc dân ca”.
 
Với Trần Đức Khiếng, dân ca là hồn cốt của quê hương, ông luôn trăn trở tìm tòi để học hỏi và sáng tác. Ông lặn lội tìm đến các cụ già hát hay và biết nhiều làn điệu dân ca, ở các làng quê để sưu tầm, tích luỹ. Vốn dĩ là một người có năng khiếu hát dân ca ông có thể vừa hát, vừa sáng tác và làm đạo diễn cho các chương trình văn nghệ. Những tác phẩm của ông, tập trung chuyển tải tình yêu quê hương sâu nặng, đó là vẻ đẹp của truyền thống hiếu học, cách mạng, nhân văn ở mỗi làng quê; phản ánh chân thực sinh động những nhiệm vụ chính trị, những vấn đề thời sự, xã hội ở địa phương. Nội dung ấy được thể hiện qua các làn điệu dân ca quen thuộc, kết hợp làn điệu cổ lẫn làn điệu cải biên, sử dụng ngôn ngữ địa phương nhuần nhuyễn, chắt lọc; chính điều đó đã làm cho những tác phẩm của ông gần gũi thân thiết với cuộc sống đời thường, dễ thuộc, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người. 
 
Năm 1983, tác phẩm “Khúc hát đào kênh” đạt giải Nhì trong cuộc thi viết lời cho các làn điệu dân ca do Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức, ông mạnh dạn viết cả kịch dân ca, dàn dựng cho đội văn nghệ. Khi đã là “sáng tác viên” của Trung tâm VHTT huyện, rồi thành viên Ban Chủ nhiệm - Câu lạc bộ dân ca, của Trung tâm VHTT huyện, ông đã có nhiều ca khúc hay: Câu hò trên bến sông quê; Nhớ về Thanh Thuỷ quê em; Quê ta vào hội Làng Sen; về quê em nghe câu hò thuỷ lợi; Đôi điều nhắc nhở cùng nhau. Những bài hát này, đã từng được phát nhiều năm liền trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An. 
 
Vừa sáng tác, vừa tham gia hát dân ca trong các sự kiện, các kỳ hội diễn liên hoan nghệ thuật quần chúng do huyện, tỉnh tổ chức, ông còn là người thầy truyền dạy dân ca tại các lớp tập huấn cho cán bộ văn nghệ xã, thị. Tính đến thời điểm này, đã có hơn 750 học trò được ông truyền dạy, bao gồm các thành viên trong đội văn nghệ xã và các lớp tập huấn của Trung tâm VHTT huyện. Hàng năm các trường tiểu học, THCS ở địa phương, thường mời ông tham gia dạy hát dân ca, nói chuyện về dân ca cho học sinh. Đó là món quà tinh thần vô giá, là niềm hạnh phúc lớn lao của một người tâm huyết với văn hoá truyền thống như ông. 
 
Là cán bộ văn hoá ở địa phương, 37 năm lăn lộn với phong trào quần chúng, Trần Đức Khiếng luôn trăn trở với truyền thống văn hoá quê hương. Bên cạnh làm tốt nhiệm vụ được giao, ông còn tích cực sáng tác, trình diễn, truyền dạy những làn điệu dân ca cho các thế hệ sau. Ông đã từng dành giải Nhất hát dân ca tại Liên hoan Tuần văn hoá - du lịch Cửa Lò; được tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá - thông tin và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Hiện nay, ông đang được đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực “trình diễn nghệ thuật dân gian”.  
 
Huy Thư