(Baonghean) - Vài tháng cuối năm Bính Ngọ. Những người thợ cầu chẳng còn tâm trí đón Tết Đinh Mùi, họ chộn rộn hối thúc nhau gấp gáp rải quân chốt các trọng điểm bảo đảm giao thông từ ga Hoàng Mai vào phà Bến Thuỷ.
 
 
Một chiều tháng Chạp, hối hả về từ Nghi Diên, nơi sơ tán cơ quan Ty Giao thông Nghệ An, hai ông Nguyễn Hồng, đội trưởng 1/5 và Trần Văn Ngoãn, đội phó, bí thư chi bộ cho họp toàn đội, thông báo “chiến dịch vận tải quyết thắng” đợt 2. Cơ quan chỉ huy chiến dịch cao nhất là Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Thứ trưởng Dương Bạch Liên, Đại tá Nam Long, Tư lệnh trưởng Quân khu 4 trực chỉ huy các hoạt động bảo đảm giao thông, vận tải từ Thanh Hóa vào Vĩnh Linh. Các ngành, đơn vị vận tải, công an,  pháo phòng không, thông tin liên lạc, bến phà… tổ chức thế trận chiến dịch (từ  tháng 11/1966 đến tháng 2/1967).
 
Hướng và mục tiêu phát triển chiến dịch mang mật danh “ Quang Trung”; chuyển 79.705 tấn hàng quân sự vào mặt trận phía Nam. Các đơn vị vận tải quân sự, ngành Giao thông khu 4 gom hàng trung chuyển dọc hành lang Quốc lộ 1, vượt cầu Hoàng Mai, cầu Cấm, phà Bến Thủy đẩy hàng vào binh trạm 9, ngã ba Lạc Thiện. Từ đây hàng được giao cho Tổng cục Tiền phương chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh vào sâu mặt trận B3, B2, Đông Nam bộ.
 
Tham gia chiến dịch vận tải, sau đó ít lâu tôi được biết số lượng xe cơ giới chở hàng từ Hoàng Mai qua cầu Cấm trên cả tuyến chính, tuyến phụ với 12.153 lần chiếc. Xe vào Bến Thuỷ trót lọt 25.539 lần chiếc. Nhiều đầu xe của xí nghiệp vận tải ô tô Nghệ An đạt kỷ lục vận chuyển 2000 tấn/km trong tháng chạy đua chiến dịch.
 
images1104402_image002.jpgĐoàn xe vận tải quân sự vượt cầu phao Cầu Cấm trong chiến dịch vận tải Quang Trung (1967-1967). Ảnh tư liệu
 
Thế nhưng trong niềm kiêu hãnh vượt lên bom đạn, không thể không nhớ và biết ơn bao nhiêu gương mặt trẻ trung, quả cảm lần lượt ngã xuống vì sự sống tuyến đường. Đỉnh điểm là sự hy sinh xương máu của 15 TNXP và 18 cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 16A Phòng không (Quân khu 4) tại cầu Cấm, trong ngày 5/02/1967 (nhằm ngày 26/12 năm Bính Ngọ).
 
Trước khi khắc họa “Trận đấu quyết tử” giữ cầu, thông đường tại toạ độ lửa La Nham - Thần Vụ, xin được muôn lần nhắc với hôm nay. Kể từ tháng 3/1965 tới tháng 12/1972, chỉ tính trên trục Quốc lộ 1A, Bắc Hoàng Mai vào phà Bến Thuỷ đã có 236 liệt sĩ, bình quân 1 km cầu, đường nhuốm máu 3 liệt sĩ. Làm sao quên Hoàng Mai, 38 liệt sĩ, cầu Bùng 21 liệt sĩ, cầu Thực Phẩm 1 liệt sĩ, cầu Cấm 141 liệt sĩ, phà Bến Thủy 48 liệt sĩ, cầu Phương Tích, đường 34, 7 liệt sĩ, (trong  số đó có liệt sĩ Trần Văn Ngoãn, bí thư chi bộ, đội phó đội công trình 1/5). Ông hy sinh 9 giờ sáng ngày 27/5/1967.
 
Lũ giặc trời, bọn chỉ điểm mặt đất tinh như chó sói. Chúng  mở nhiều đợt đánh phá dọc tuyến chiến dịch 905 trận, ném 8246 quả bom phá, bom sát thương, bom nổ chậm, bom bi, bom lân tinh, tên lửa Bunpớp và pháo kích từ biển vào. Bầu trời, mặt đất lúc nào cũng như bị xé toạc, lộng óc tiếng phản lực siết gió lẫn tiếng bom nổ tưởng chừng bật máu tai.
 
Ngót nửa thế kỷ, từ sau trận quyết chiến đẫm máu, tôi cùng Đại úy cựu chiến binh Hoàng Văn Nhu, Đại úy Nguyễn Văn Khánh  quê Đô Lương, nguyên quân y tiểu đoàn và trợ lý hậu cần Tiểu đoàn Pháo cao xạ 16A trở về “tọa độ chết” năm nào.
 
Bom, đạn, thiên tai tàn phá làm biến dạng địa hình nhưng cây cầu, mục tiêu bảo vệ của Tiểu đoàn 16A vẫn nguyên vị trí (km 442 + 444) trên trục đường sắt Bắc – Nam xuyên Việt. Khác chăng, chức năng tải xe cơ giới đường bộ đã chuyển sang cây cầu vĩnh cửu nằm bề thế trên sông Cấm.
 
Không khó lắm, chúng tôi tìm ra vị trí các trận địa pháo 37 li của Đại đội 10 (k10), Đại đội 9 (k9), Đại đội 8 (k8), C2 pháo 85 li. c14 li 5 bốn nòng. Riêng sở chỉ huy tiểu đoàn chốt ở cao điểm 187  vẫn còn dấu vết công sự khoét sâu vào vách núi gan gà dẻo quánh. Người dân quanh vùng vẫn quen gọi trận địa phòng không là “Vườn mít”, “Trại chè”, “dốc Riềng”, “La Nham”, “Cây đa” “Núi Voi” mỗi khi nhắc đến những trận đánh quyết liệt bảo vệ cầu Cấm trong kháng chiến chống Mỹ. 
 
Từ mố Nam nhìn ra, các trận địa tiểu đoàn 16A như rẻ quạt xếp sát mục tiêu cầu Cấm mà đơn vị phải bằng mọi giá bảo vệ.
 
Trong miên man gió biển Cửa Lò phả lên, ký ức bi tráng hào hùng ùa về như muốn lớp sóng trong tâm khảm người cựu chiến binh. Đại úy quân y Hoàng Văn Nhu chợt chùng giọng. Trận ấy, tiểu đoàn tôi mất đứt một trung đội. Bị tổn thất nặng nề nhất là Đại đội C2 và Đại đội 10 (k10), vì trận địa được lệnh cơ động sát cầu Cấm, đánh địch bổ nhào trong công sự dã chiến.
 
Ông kể, ngày 4/2/1967 (nhằm 25 tháng Chạp Bính Ngọ), nhiều máy bay trinh sát Abari đảo lượn vùng trời cầu Cấm. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Mạch khẩn trương nhắc nhở các đơn vị chuẩn bi đánh địch theo phương án cơ động trận địa sát cầu Cấm. Chủ công là C2 pháo 85 li và K10 pháo 37 li. Khoảng 9 giờ sáng ngày 5/2/1967 (26/12/Bính Ngọ), hai tốp phản lực mỗi tốp 3 chiếc AD6 bay bằng qua núi Voi, cắt hàng loạt bom xuống cầu Cấm. 
 
Chúng bay từ hướng Nam ra. Pháo 85 li quay tay ở trận địa C2 nổ súng đánh chặn từ xa vẫn không cản được lũ giặc trời. Loạt bom trùm mố Nam cầu Cấm, tràn sang trận địa Đại đội 10 (K10), trận địa C2 gây thương vong nặng cho các khẩu đội. Đại đội trưởng Phan Nhì nhận định địch tập trung đánh vào trận địa. Anh hét khản cổ, chỉ huy hỏa lực các khẩu đội đánh chặn lũ giặc bổ nhào, hất bom ra khỏi trận địa. Tiếng hô “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” vang khắp trận địa. Chưa kịp củng cố công sự, cứu chữa thương binh, chuyển thi hài liệt sĩ về hậu cứ thì từ hướng 34, vùng biển Nghi Thiết, bốn tốp F4H lao vào ném bom, phóng rốc két, tên lửa Bunpớp vào trận địa Đại đội 10 (k10), trận địa C2. Các trận địa K9, K8 nổ súng đỏ nòng dồn hết hỏa lực chi viện, không cho chúng thực hiện ý đồ thâm độc xóa sổ trận địa Phan Nhì. Thế nhưng địch vẫn điên cuồng lao đến hết tốp này tới tốp khác.
 
Trời ngả sáng chiều, cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt. Đại đội trưởng Phan Nhì bị mảnh đạn, mảnh bom găm nham nhở. Anh vẫn nghiến răng đứng vững tại vị trí chỉ huy động viên đại đội chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, khẩu đội cuối cùng. Người đại đội trưởng quê Quảng Nam gan góc đã ngã xuống tại trận địa cầu Cấm. Cùng hy sinh với đại đội trưởng còn có các chiến sĩ “Thà chết không chịu rời mâm pháo” như: Bùi Văn Quang, Vũ Hữu Xuất, Lê Hữu Lợi, Ngô Đình Tính, Nguyễn Hồng Định, Phan Văn Kim, Hoàng Đình Nhường, Đinh Văn Phú, Bùi Văn Sơn, Lê Văn Quế, Nguyễn Sĩ Tới, Trần Quốc Thơn, Nguyễn Văn Thục, Nguyễn Văn Châu, Đinh Văn Thụy, Trần Tú Lợi, Cao Văn Chương… Các anh đều là pháo thủ của K10 và C2…
 
Điên cuồng trả đũa, bọn giặc trời quây vòng phóng tên lửa ném vung vãi bom sát thương vào trận địa. Nhiều chiến sĩ thương vong gục trên mâm pháo, tay còn nắm chặt cần điều khiển tầm, hướng. Người hy sinh ở tư thế nạp đạn, đạp cò. Có khẩu đội trưởng vắt mình trên công sự tay đỏ máu cán cờ chỉ huy… Trận đánh quyết tử giữ vững cầu Cấm, gần 20 người con yêu của Tổ quốc đổ máu, ngã xuống trước thao thiết, khát vọng mùa xuân đang về. 
 
Sau ngày đau thương, cả tiểu đoàn sôi sục ý chí tiêu diệt máy bay địch tại chỗ, trả thù cho đồng đội. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Mạch như thỏi thép qua lửa. Ông tỉnh táo chỉ huy các đại đội xây dựng trận địa phục kích đón lọng đánh lũ giặc trời.
 
Ngót một tuần mưa phùn dầm dề tháng Chạp, cận Tết Đinh Mùi, trời bỗng quang quẻ, ráo tạnh. Cả ngày 28 Tết, vùng trời cầu Cấm yên ắng. Theo phương án tác chiến, các khẩu đội pháo 37 li của K10, K9, K8 di chuyển tới trận địa phục kích đón đánh bọn AD6 “ăn đêm”. Đúng như dự đoán, vào lúc 20 giờ 45 phút tối 28 tháng 12 năm Bính Ngọ (nhằm ngày mồng 7 tháng 2 năm 1967 Dương lịch), một tốp AD6 (kẻ đột nhập) từ biển mò vào, soi tìm đánh xe vận tải vượt trọng điểm cầu Cấm. Nhận lệnh tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Mạch, trận địa pháo của Đinh Toàn chỉ huy nổ loạt đạn đầu vào chiếc AD6 bay bằng trong tầm bắn hiệu quả. Chớp đạn sáng như lưỡi kiếm xuyên chiếc AD6. Nó rống lên, giây lát thành bó đuốc sáng rực xấp xải, chao đảo định chuồn ra biển nhưng không kịp, nó đâm sầm xuống ven biển sát Bãi Lữ (Nghi Yên, Nghi Lộc).
 
Bị một đòn choáng váng năm 1967, chúng giảm  số trận đánh trọng điểm cầu Cấm. Lực lượng bảo đảm giao thông chớp thời cơ sửa chữa cầu, san lấp hố bom, mở thêm bến phà, bắc thêm cầu đường sắt cho đầu kéo nhỏ trung chuyển hàng vượt sông Cấm.
 
Ký ức bi tráng, hào hùng chưa xa, không thể phai nhạt, ít nhất với đồng đội D16A từng sống xứng đáng trước anh linh liệt sĩ tại trọng điểm cầu Cấm. Tôi, người lính giao thông có mặt tại cầu Cấm từ cuối năm 1965 tới tháng 7/1966 và đại úy Hoàng Văn Nhu- quân y, Nguyễn Văn Khánh- trợ lý hậu cần D16A bao lần tới cầu Cấm, nghĩa trang liệt sĩ Nghi Lộc nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 100 trăm cán bộ, chiến sĩ D16A cùng 33 liệt sĩ đội 69 TNXP. Ba chúng tôi, không khỏi bùi ngùi day dứt và mong ước tại cầu Cấm này sẽ có một khu tưởng niệm, tri ân xứng tầm với máu xương của biết bao người con yêu đổ xuống trong kháng chiến chống Mỹ.
 
Văn Hiền