Hẳn những ai quan tâm đến văn hoá Thái không khỏi không ngạc nhiên khi đọc cuốn Địa chí Tương Duơng - Nhà XBKHXHVN in năm 2003 không thấy tác giả đả động gì tới chữ Lai Pao- Chữ Thái Tương Dương, một "đặc sản" của chữ Thái Việt Nam mà Tây Bắc không có.

761730_small_39598.jpgSầm Thị Huệ (HS lớp 9 trường THCS xã Châu Quang-Quỳ Hợp) đạt giải Nhất thi viết chữ Thái tại Lễ hội Mường Ham 2007

Nào có mới gì đâu, từ năm 1912, cố đạo người Pháp, nhà nghiên cứu dân tộc học Guignard (Ghi- nha) trong cuốn Từ điển Lào Pháp của mình có nói về chữ Thái Lai Pao- 92 năm sau chúng ta vẫn quên ghi vào sách của quê mình.

Theo thống kê trên thế giới thì hiện tại cứ 2 tuần lại mất đi một ngôn ngữ- một tốc độ kinh khủng nhất trong lịch sử nhân loại. Người ta ước tính rằng trong 100 năm nữa, chỉ còn chưa đầy một nửa trong số 6000 ngôn ngữ của thế giới hiện nay còn được sử dụng. Mà như vậy là chúng ta có tội đã đánh mất bằng chứng quý báu của nhân loại về óc sáng tạo của con người.

Từ sau Cách mạng Tháng 8/1945, Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến chính sách dân tộc, trong đó có vấn đề ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng Việt Nam. Đây là vấn đề bảo tồn văn hoá dân tộc để thống nhất trong đa dạng.

Thế nhưng vấn đề chữ viết của đồng bào vẫn chưa tích cực triển khai. Đặc biệt là chữ thái cổ đã có ít nhất là từ thế kỷ XIII. Có điều cần lưu ý chữ Thái cũng đa dạng không chỉ trên thế giới mà ngay ở Việt Nam và cả miền Tây Nghệ An cũng có đến 3 kiểu chữ Thái cổ (cả nước có 4 kiểu chữ Thái cổ).

Đầu thế kỷ XX Henri MasPêrô ( Hen- ri- max- pê- rô) nhà Đông phương học nổi tiếng người Pháp đã nghiên cứu tiếng Thái Quỳ Châu có hệ thống 5 thanh. Rồi năm 1999 thì học giả chuyên nghiên cứu Thái học Ferlus (Pháp) đã cho rằng tiếng Thái Quỳ Châu có 6 thanh.

Đến nay, theo tiến sỹ Trần Trí Dõi (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì các nhà ngôn ngữ đã thống nhất ít ra Việt Nam ta còn có 4 kiểu chữ Thái cổ đều là loại chữ ghi âm bắt nguồn từ chữ ấn Độ cổ và theo truyền thống Khơ me. 4 kiểu chữ Thái cổ hiện có ở Việt Nam là những kiểu chữ có sự khác nhau rõ rệt.

Trong sự khác nhau ấy chữ Thái Quỳ Châu tách thành một nhóm riêng lẻ, do lối viết riêng biệt của nó và do cách thể hiện nguyên âm của nó. Chữ Thái Man Thanh - Nghệ An (cũng có) và chữ Thái Tây Bắc gần nhau hơn, trong khi chữ Lai Pao có nhiều nét khác với hai kiểu chữ nói trên. Ta thấy do mang cùng một nguyên tắc nhưng sự xuất hiện tính địa phương trong 4 kiểu chữ khá rõ.

Chữ Lai Pao phát hiện từ 1912, đến năm 1995, rồi 1997 hai nhà nghiên cứu Ferlus và Trần Trí Dõi lại tiếp tục đi điền dã về Tương Dương để nghiên cứu và ghi lại được chữ Lai Pao - chữ Thái của người Hàng Lổng huyện Tương Dương là nhờ hai ông Lô Văn Thoại và Lô Mạnh Liễu ở Tương Dương giúp đỡ.

Thử nghĩ nếu không có hai trí thức Thái Tương Dương thì liệu chữ Lai Pao có còn nữa không ?

Chữ Lai Pao ở vùng Thái đường 7 bàn sau. Tôi muốn nói việc nên làm ngay là việc học chữ Thái cổ Quỳ Châu. Vùng Quỳ Châu (cũ) gồm có người Thái ở các huyện: Quỳ Châu, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Tân Kỳ. Chữ Thái cổ vùng này cần biên soạn cho dân Thái vùng này học để ít ra đọc được văn bản, tài liệu còn lưu giữ trong nhân dân trong vùng và góp vào việc sinh hoạt văn hoá trong cộng đồng.

Quỳ Châu nay lẻ tẻ cũng có người học chữ Thái vùng này nhưng chưa có thông tin nào về lớp lang quy củ. Dù ở đây có nhiều người già còn biết loại chữ Thái cổ.

Chuyến đi điền dã vào năm 1995, 1 997 hai ông Ferlus và Trần Trí Dõi đã nhờ được cụ Lang Văn ó khá thành thạo chữ Thái cổ Quỳ Châu và ông Vi Ngọc Chân cán bộ ở Quỳ Châu có am hiểu, nên đã giúp 2 nhà nghiên cứu Thái học ghi, đọc được văn bản chữ Thái cổ về phong trào Cần Vương do Lang Văn Thiết cầm đầu. Năm 2000, Trần Trí Dõi có bài "Thanh điệu những từ gốc Việt trong tiếng Thái Quỳ Châu".

Báo Nghệ An, Trang Dân tộc- miền núi ngày 28-1-2007 có bài đưa tin lớp học đầu tiên chữ Thái cổ của Quỳ Hợp tổ chức tại Xã Châu Cường do lãnh đạo xã Châu Cường tổ chức.

Giáo viên Sầm Văn Bình sinh năm 1961, tốt nghiệp Đại học Hàng hải năm 1988, tìm việc không được, về quê với nương rẫy và anh mày mò tìm hiểu chữ Thái cổ quê anh. Năm 2003, Bình đọc cuốn Luật tục Thái của Ngô Đức Thịnh và Cầm Trọng dày hơn 1000 trang bằng hai thứ chữ Việt- Thái. Thế là anh nghiên cứu học tập và đọc văn bản nơi anh có rồi soạn ra cuốn sách gồm 21 bài dạng xoá nạn mù chữ cho bà con Thái mình (như báo đã đưa tin). Anh Bình đã dịch 1 số tài liệu bằng chữ Thái cổ trong số đó có cuốn "Huyền thoại Khản tinh". Bà con ở vùng này rất mừng vì chữ Thái cổ được sống lại...

Vấn đề đã rõ là cần thiết việc xoá nạn mù chữ Thái cổ cho người Thái vùng Quỳ Châu (cũ), rồi sau đó nghiên cứu phổ biến dạng chữ Thái cổ cho vùng Đường 7.

ở nước ta người Thái tập trung đông nhất là ở tỉnh Lai Châu, thứ 2 là ở Nghệ An. Mặc dù ít hơn số đồng bào Thái nhưng tỉnh Thanh Hoá đã đúc rút kinh nghiệm học chữ Thái để đưa vào nhà trường.

Việc khôi phục chữ Thái cổ sống lại trong cộng đồng người Thái phải có một đề án cụ thể, tỉ mỉ của cơ quan chức năng. Nhưng không phải đòi hỏi cầu toàn mới bắt tay vào làm. Theo tôi trước mắt nên làm những việc như:

Mời các ông Sầm Văn Bình, Vi Ngọc Chân, và cụ Lang Văn ó (hoặc người nhà cụ am hiểu) cùng một số anh em biết chữ Thái Quỳ Châu gặp nhau thống nhất cơ bản trong việc cần biên soạn một giáo trình chung cho chữ Thái Quỳ Châu (cũ).

Tranh thủ ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trí Dõi, người có chuyên môn sâu về ngôn ngữ Thái ở miền Tây Nghệ An.

Tổ chức hội thảo tại vùng Quỳ Châu (cũ) về xoá nạn mù chữ Thái cổ trong cộng đồng Thái trong vùng.

Song song với các việc trên là tổ chức ghi chép, thu lượm lại các tài liệu có chữ Thái cổ ở vùng đường 48 này, để tránh mất mát càng ngày càng nhiều.

Nên có chính sách dùng hai ông Sầm Văn Bình và Vi Ngọc Chân đặc trách làm việc này một thời gian, là những cộng tác viên có nghề, có tâm huyết với chữ Thái cổ. Sau đó triển khai tiếp kế hoạch đưa chữ Thái cổ vào nhà trường, vào xuất bản văn hoá, văn nghệ...

Các cơ quan văn hoá. giáo dục, dân tộc... nên vào cuộc một cách tích cực có hiệu quả.v


                                             Đậu Kỷ Luật (CCB tỉnh)