Còn nhớ trong bài báo " Bàn về xóa nạn mù chữ Thái cổ trong dân tộc Thái" của ông Đậu Kỷ Luật (Hội CCB tỉnh) đăng trên báo Nghệ An cuối tuần, CT MN- DT số 317 ngày 29/4/2007 có nêu : "Việc khôi phục chữ Thái cổ (...) không phải đòi hỏi cầu toàn mới bắt tay vào làm. Mời các ông (...) gặp nhau thống nhất cơ bản trong việc cần biên soạn một giáo trình chung cho chữ Thái Quỳ Châu... ". Xin nói ngay rằng, cuốn Giáo trình chữ Thái Quỳ Châu vừa được nhắc trên đây cũng chính là cuốn "Tài liệu hướng dẫn học chữ Thái- Quyển I: Hệ chữ lai tay" mà CLB chữ Thái xã Châu Cường vừa cho chế bản để sử dụng cho khoá học chữ Thái thứ 2 này.
Bộ sách "Tài liệu hướng dẫn học chữ Thái" cả thảy có 6 quyển (không phải là 6 tập như có người đã lầm tưởng). Có một thông tin cho biết, ở Việt Nam có đến 8 (?) hệ chữ Thái khác nhau, vậy nhưng ở thời điểm hiện tại này CLB chữ Thái xã Châu Cường mới chỉ "tiếp nhận" và " xử lý" được 6 hệ chữ Thái. Theo đó, mỗi hệ chữ cùng với tất cả các quy luật về ngữ âm của nó, được định danh thành một quyển trong bộ sách này, và được sắp xếp theo thứ tự "tiếp nhận" của CLB. Cụ thể như sau:
- Quyển I: Hệ chữ lai- tay. Phạm vi sử dụng: các huyện miền núi Tây Bắc của tỉnh Nghệ An (Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông...).
- Quyển II: Hệ chữ lai- xứ Mường Ham. Phạm vi sử dụng: CLB chữ Thái xã Châu Cường, Quỳ Hợp và các thành viên ở nhiều địa phương khác nhau.
- Quyển III: Hệ chữ lai- xứ Mường Muổi. Phạm vi sử dụng: Các tỉnh Sơn La, Lai Châu...
- Quyển IV: Hệ chữ lai- xứ Mường Mùn. Phạm vi sử dụng: tỉnh Hoà Bình.
- Quyển V: Hệ chữ lai- xứ Thái Thanh. Phạm vi sử dụng: tỉnh Thanh Hoá và một số huyện miền Tây Bắc Nghệ An, nơi có người Thái Thanh sinh sống.
- Quyển VI: Hệ chữ lai- pao. Phạm vi sử dụng: huyện Tương Dương (Nghệ An) và một số địa phương nằm dọc theo đường số 7.
Nội dung các bài đọc trong mỗi quyển sách cũng mang tính đồng nhất. Những bài đọc đó được và trích dẫn từ các bài nhuôn, các bài mo cúng, các bài đồng dao và cả một vài sáng tác của các tác giả thời nay. Mỗi bài khoá gồm hai bài đọc với nội dung tách biệt, phù hợp với nhu cầu học của cả người lớn tuổi và học sinh phổ thông; mặt khác cũng bám sát với các nội dung về văn hoá và phong tục tập quán của người dân Thái. Bạn đọc đã được biết tới bài đọc "Tuộng mủ vẳn" qua giới thiệu trên Báo Nghệ An số Xuân Đinh Hợi với tựa đề: Con lợn trong mâm vía của người Thái; bài đồng dao "Xỏ nặm phạ (Tục xin nước trời của trẻ em người Thái) đăng trên Chuyên trang MN- DT...; và nhiều bài đọc khác liên quan đến văn hoá người Thái ở nhiều vùng miền, thuộc nhiều nhóm khác nhau... đã được giới thiệu qua các sách báo xuất bản từ Trung ương đến địa phương. Thực tế sau khoá I cho thấy, một số học viên lớn tuổi sau khi học xong đã có thể nắm bắt thêm nhiều nội dung và trình bày một vài bài cúng đơn giản (đối với gia tiên) trong phạm vi gia đình. Ngoài việc được biết về chữ Thái thì đây là một điều khích lệ lớn đối với nhiều học viên, bởi đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thiết thân của bản thân và gia đình họ.
Ông Lô Văn Cầm, chủ nhiệm CLB chữ Thái xã Châu Cường, cho biết: Trong mục tiêu hoạt động lâu dài của CLB, nếu tiếp tục nhận được sự trợ giúp kịp thời từ phía chính quyền và cộng đồng cũng như từ các nguồn khác, CLB sẽ cố gắng giới thiệu về các hệ chữ Thái của các vùng miền theo tài liệu đã được soạn thảo. Tuy nhiên, ngoại trừ hai cuốn tài liệu (Quyển I và Quyển II) có đặc điểm ngữ âm sát sao với người Thái Quỳ Hợp, thì các quyển khác lại có đặc điểm ngữ âm sát sao với người dân tộc Thái sinh sống trong phạm vi sử dụng như đã nêu trên. Vậy nên, hiện thời CLB chưa thể cùng một lúc ấn bản tất cả các quyển trong bộ sách. Nếu các địa phương khác có nhu cầu hướng dẫn học chữ Thái cho người Thái sinh sống ở địa phương mình thì có thể kết hợp, trao đổi thêm thông tin với CLB chữ Thái xã Châu Cường để ấn bản các quyển sách phù hợp với tiếng Thái của địa phương mình. Như vậy, bộ sách "Tài liệu hướng dẫn học chữ Thái" mới có cơ hội đi đến khắp các địa phương, nơi có những người dân Thái đang đi tìm chữ Thái.
Cơ hội cho những người đi tìm chữ Thái
Sầm Văn Bình - (Bản Yên Luốm, xã Châu Quang, Quỳ Hợp)