Đã mấy ngày nay ông Xồng Giống Mà mỗi sớm thức dậy lại ra bên ruộng lúa nâng niu từng bông lúa trĩu hạt, đang từng ngày vàng thêm, hứa hẹn cho ông một mùa bội thu ngay tại bản mà ông không phải trèo đèo lội suối, phát nương làm rẫy, ảnh hưởng đến cái rừng mà bộ đội biên phòng tuyên truyền bảo vệ.

761755_small_40040.jpgChiến sĩ Đồn BP 545 (Na Ngoi) giúp dân bản Buộc Mú cấy lúa.

Để có được những bông lúa 2 vụ trên ruộng bậc thang là cả một quá trình mà chỉ có những người sống với dân, trăn trở với nỗi cực khổ của người dân là những chiến sỹ biên phòng Đồn 545 (Na Ngoi) đã phải tốn bao công sức. Trao đổi với chúng tô, Trung tá Trần Đình Thuấn, chính trị viên Đồn biên phòng Na Ngoi (Bộ đội biên phòng Nghệ An) phấn khởi cho chúng tôi biết: đồng bào người Mông ở bản Buộc Mú xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn nay đã biết thâm canh trồng lúa nước 2 vụ rồi. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, chấm dứt tình trạng phát nương làm rẫy, đảm bảo cuộc sống ấm no cho người dân, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Na Ngoi đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương xã, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 cử đội công tác vận động quần chúng đến từng gia đình tuyên truyền vận động nhân dân thâm canh trồng lúa nước 2 vụ.

Để thực hiện, Đội đã phải chọn ra những đồng chí có kinh nghiệm trong công tác trồng trọt để hướng dẫn nhân dân triển khai đạt hiệu quả cao. Trước hết, các chiến sỹ biên phòng phải thực hành các khâu như làm đất, bón lót, xử lý hạt giống, ủ mạ, gieo mạ, cấy lúa, trừ cỏ, bón thúc, trừ sâu, chăm sóc, theo dõi phát triển của cây lúa đến khi thu hoạch. Đặc biệt, trong thực hành hướng dẫn, phải "cầm tay chỉ việc" cho bà con như: làm đất phải cày sâu, bừa kỹ, bón lót, trong xử lý hạt giống phải đảm bảo chọn giống tốt, ngâm nước tỷ lệ 2 sôi, 3 lạnh không quá 24 giờ, trong gieo mạ mật độ không quá dầy; nếu dầy tới 3 lớp hạt chồng lên nhau dẫn tới lớp dưới sâu bị chết, lớp trên bị khô cũng chết, do thời tiết ở Na Ngoi thường lạnh nên các chiến sỹ biên phòng phải hướng dẫn bà con lấy bùn từ ngoài ruộng đưa về nhà để trồng mạ ngay bên bếp lửa.


Khi chúng tôi rời bản Buộc Mú 1 để tiếp tục hành trình chuyến công tác thì đồng bào đã thu hoạch gần xong diện tích lúa trồng 2 vụ, cầm bó lúa trĩu nặng trên tay cho vào máy tuốt (máy đạp chân) ông Xồng Bá Hùa một trong số 3 hộ có diện tích trồng lúa nước 2 vụ nhiều nhất trong bản phấn khởi nói: trồng lúa thế này thì mình khoẻ mà lại năng suất hơn trồng lúa rẫy nhiều, thế này mà mấy lâu nay dân bản ta chưa ai biết cách để làm. Nay có các cán bộ của Đảng về tận bản chỉ cho ta cách làm lúa nước 2 vụ dân bản ta ưng cái bụng lắm.


81 hộ dân bản Buộc Mú 1 mà chỉ có gần 1 ha lúa nước trồng 2 vụ thì chưa phải là nhiều nhưng điều quan trọng là cán bộ chiến sỹ biên phòng đã làm thay đổi được nhận thức về tập quán canh tác đã ăn sâu bám rễ từ lâu đời nay của đồng bào. Từ những mô hình thí điểm này các anh sẽ tuyên truyền vận động nhân dân tiến hành trồng trên tất cả các diện tích ruộng bậc thang trên địa bàn xã, đó là hướng đi xoá đói, giảm nghèo thực sự của đồng bào người Mông nơi đây.


Bài, ảnh: Hải Thượng - (BĐBP tỉnh)