Với lợi thế và tiềm năng Nghệ An đang mở hướng để phát triển ngành công nghiệp không khói ở các huyện miền núi phía Tây. Ở Kỳ Sơn, một trong những điểm du lịch lý thú là miền đất Cổng trời Mường Lống.


761752_small_40008.jpgThu hoạch mận.
Ừ thị trấn Mường Xén - trung tâm huyện lỵ - mất khoảng 2 tiếng đồng hồ đi xe là đặt chân đến Cổng Trời. Đứng trên độ cao trên 1500 m so với mặt nước biển này, ngỡ như chạm được vào trời xanh. Mường Lống thật rạng ngời trong nắng sớm.

Mùa xuân, Mường Lống rực rỡ và toả hương trong bạt ngàn hoa đào, hoa mận, để rồi, hè về, từng suối đào, suối mận theo chân du khách về xuôi.

Mùa hè, khí hậu Mường Lống rất mát mẻ. Từng làn gió thổi tràn xuống qua sườn núi, cuốn theo hơi nước từ những đám mây mù làm cho nhiệt độ nơi đây không cao hơn 23 độ. Con suối Chao Sa chạy dọc đất thủ phủ tạo thành một vệt nước dài, đến cuối dòng làm nên những thác ghềnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ.

Rời vườn mận trĩu ngọt, ngược lên Hang Dơi chỉ cách trung tâm của xã khoảng chừng 100m. Theo những người dân nơi đây, hang có chiều sâu gần 2 cây số, chiều rộng từ 5 đến 7 m, chiều cao lên tới trên 10 m. Không khí trong hang mát lạnh, hàng ngàn nhũ đá được bồi đắp qua hàng vạn năm tạo nên hình thù độc đáo.

Đến đây, du khách còn có cơ hội khám phá những nét văn hoá của đồng bào Mông. Mọi người có thể tham gia thu hoạch hoa quả cùng bà con dân bản, đặc biệt là được sống trong những mái nhà nề đất mát rượi cùng ăn một bữa cơm gia đình với đồng bào Mông có món gà đen nổi tiếng. Hiện nay với sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp huyện, gà đen được nhân giống nhiều hơn. Tuy nhiên các gia đình ở Mường Lống vẫn trung thành với cách nuôi truyền thống. Chính vì vậy mà thịt gà đen ở đây vẫn rất riêng, không phải ở vùng miền nào cũng có và nuôi được. Nhiều gia đình nuôi được gà đen hàng trăm con và dần trở thành nơi cung cấp hàng hoá cho những thực khách có nhu cầu. Gà đen trở thành đặc sản và gà đen Mường Lống đã làm nên "thương hiệu" cho đất Kỳ Sơn.

Nếu như người dân tộc Thái có nghề dệt thổ cẩm thì người Mông lại có nghề thêu đan pàn tầu và rèn dao nổi tiếng. Lúc rỗi việc, những thiếu nữ người Mông lại cùng nhau xe chỉ đưa kim để thêu nên những hoa văn độc đáo. Để hoàn thành được những tấm pàn tầu như thế này một người phụ nữ người Mông phải mất 3 đến 5 ngày mới thêu được. Người phụ nữ Mông có sự đam mê trong từng múi chỉ. Những tấm hoa văn này được kết lên váy, lên áo, lên khăn đội đầu và các vật dụng khác. Người nào có nhiều pàn tầu càng khẳng định được vị thế của mình và gia đình trong bản làng.

Đến với Mường Lống, hãy đến phiên chợ vùng cao. Mỗi tháng có 2 phiên hợp vào đầu tháng và giữa tháng. Họ đi chợ chủ yếu để gặp gỡ giao lưu chứ không chỉ vì mưu cầu của cuộc sống. Tại nơi đây ta có thể nghe những bài dân ca Mông tưởng chừng chỉ gặp trong những dịp lễ hội...

Nếu ví Kỳ Sơn là một bức tranh đa sắc màu, thì Mường Lống chính là nét chấm phá gợi cảm nhất. Theo ông Bùi Trầm -Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thì để phát triển du lịch, huyện đang kêu gọi đầu tư tập trung cho 3 vùng, đó là điểm du lịch Mường Lống, điểm du lịch xã Mỹ Lý (đây là vùng lòng hồ thuỷ điện có cảnh quang đẹp, có nguồn cá dồi dào tại đầu dòng sông Nậm Nơn) và một điểm nữalà vùng đồi thông nguyên sinh đã có từ bao đời nay tại 2 xã Mường Ải và Mường Típ.

Tạm biệt Mường Lống trong nắng và hoa, đứng trên cửa ngõ thủ phủ nhìn lại, chắc hẳn nhiều người sẽ không thể quên những ấn tượng độc đáo mà vùng đất này mang lại.


Hữu Dũng - Xuân Tuấn (Đài Kỳ Sơn)