Tương Dương là huyện rẻo cao dồi dào đất tự nhiên với hơn 280.636 ha. Thế nhưng đất nương rẫy chỉ có 6000 ha. Với 510 ha ruộng nước, Tương Dương khó giải quyết nhu cầu lương thực và nhiều năm vẫn phải chấp nhận kiểu canh tác một năm trỉa lúa rẫy, 3 năm bỏ đất hoang.

761735_small_39679.jpgĐồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi
Tập quán du canh dẫn đến tình trạng đất dốc bị xói mòn, rửa trôi sau mỗi mùa lũ. Nương rẫy sa mạc, đời sống bà con người Thái, người Mông, người Đan Lai cơ cực. Bấy nhiêu tệ nạn buôn bán ma tuý, hút, nghiện, tù tội cũng bắt nguồn từ tập quán "ăn xổi, ở thì" trên chính mảnh đất nương, rẫy đã bạc màu, lở lói.
May sao, từ ý tưởng của một số cán bộ khoa học tâm huyết và cả nỗi lo toan trước cuộc sống của đồng bào vùng cao, UBND huyện Tương Dương đã tạo mọi điều kiện để Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đề án đưa cây đậu xanh giống mới T 135 cơ cấu trên đất nương rẫy, chấm dứt nạn du canh.
Những cán bộ khoa học vượt dốc tới bản, kiên nhẫn chỉ vẽ quy trình canh tác trên đất dốc, hướng dẫn trồng đậu xanh giống T 135, đưa bà con người Mông, người Thái ra tận tỉnh Hoà Bình học cách làm đất, ủ giống, gieo trỉa, chăm sóc đậu xanh. Chưa đủ cơ sở để bà con tin cậy, những kỹ sư chuyên ngành lại tạo dựng mô hình, trực tiếp "làm mẫu" cho sáng mắt, sáng lòng các già làng, trưởng bản ở Xá Lượng. Không tìm đất tốt, tập thể thực hiện đề án đã chọn vùng nương rẫy đã bỏ hoang sau 3, 4 năm ở bản Lở, bản Cửa Rào 2 thuộc xã Xá Lượng. Bài học đầu tiên dành cho 20 cán bộ khuyến nông xã, bản và 120 hộ dân là cách gieo trồng đất dốc, sử dụng phân xanh cải tạo đất bạc màu, làm bờ chống xói mòn mùa mưa lũ, trồng cây chắn gió, tạo độ ẩm tiểu vùng sản xuất nông nghiệp. Buổi đầu chỉ có 10 hộ nhận làm 2,5 ha đậu xanh giống mới với công thức hướng dẫn luân canh: trồng đậu vụ xuân, vụ chính mùa rồi ngô vụ thu xen cỏ voi. Bà con người Thái ở bản Lở, bản Cửa Rào 2 đã hăm hở địu con lên rẫy làm "cái giống mới", "cách trồng mới" theo cái lời hay, lẽ phải của cán bộ kỹ thuật. Lời hay bắt đầu từ cuốc đất quanh sườn dốc tạo bờ đồng mức cách nhau 7 mét, trồng cỏ voi giữ đất rửa trôi. Khoảng đất giữa hai bờ cỏ voi được xới xáo kỹ, đánh luống, bón phân xanh ủ mục rồi trỉa đậu xanh với mật độ 4 cây cho khoảnh đất 60cmx25 cm. Sau 25 ngày, đậu cứng cáp, tỏa lá kín luống rồi đơm kín hoa, tròn một tháng đã xum xúp quả, thêm gần một tháng nữa là cho thu hoạch. Vụ đậu xanh giống mới trồng trên đất nương rẫy ở bản Lở, bản Cửa Rào 2, năm 2004, bà con đạt năng suất 15 tạ/ ha, cỏ voi xen đậu đạt 10 tấn/ ha, ngô luân canh đạt 5 tấn/ ha.
Những ngày thu hoạch, bản làng rậm rịch hơn hội cầu mùa đầu năm. Rượu cần lai láng chảy tràn lên môi, lên mắt ướt vì được thấy cây no, cây sướng mọc trên đất bạc màu đã nhiều năm. Người già bản Lở, bản Cửa Rào 2 khoe tổng thu nhập một ha đất nương rẫy tới 26 triệu đồng, riêng năm 2005 đạt 30 triệu đồng. "Hầy dà, trồng lúa rẫy chỉ có 2 triệu đồng thôi. Bản ta nhớ cái ơn cán bộ khoa học của tỉnh, của huyện lắm nhé".
Vui hơn, sau hai năm, thấy kết quả mô hình, Tương Dương có thêm 7 bản ở các xã Xá Lượng, Lưu Kiền, Tân Thái, Tam Hợp, Yên Thắng, Yên Hoà náo nức trồng đậu xanh xen cỏ voi, ngô vụ thu. Riêng cây cỏ voi từ 1 ha năm 2004 đã mở rộng tới 172 ha, mỗi kg cỏ voi cho thu nhập 200 đồng, mỗi ha thu hoạch 10 tấn cỏ voi, hẳn là một nguồn lợi không nhỏ đối với đồng bào vùng cao Tương Dương vốn sinh sống theo tập quán du canh, du cư từ bao đời nay. Lại nữa, nhờ thảm cây trồng phủ kín mái đồi từ tháng 5 đến tháng 11, mưa lũ chẳng thể mặc sức xói mòn đất nương rẫy như trước kia. Rừng tái sinh nhanh hơn và lưu vực sông Lam nhờ thế mà rộng, mà đầy thêm, ăm ắp những suối, những khe. Rồi cái lý đất rẫy chỉ làm một vụ, bỏ hoang 4, 5 vụ mới quay lại gieo trỉa cây lúa, cây ngô, giờ nhường cho cái vui mỗi năm gieo trồng 3 vụ, mà vụ nào cũng chắc ăn. Nhưng mà vui hơn là sự hình thành nếp nghĩ, nếp làm ăn theo công nghệ tiến bộ kỹ thuật sinh học trong cộng đồng các dân tộc ở huyện vùng cao Tương Dương.
Văn hiền