(Baonghean) - Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) có kinh phí đầu tư từ ngân sách không lớn nhưng lại mang lại hiệu quả thiết thực nhất ở cơ sở. Bằng chứng là cả nước mới bắt tay vào thực hiện chương trình này được một thời gian ngắn (hơn 4 năm), nhưng nhờ thực hiện chương trình này mà bộ mặt nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn Nghệ An có những sự thay đổi rõ nét.
 
Còn nhớ, trước năm 2010, khi Nghệ An triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, tỉnh Nghệ An được xếp vào một trong số các tỉnh có điểm xuất phát xây dựng NTM thấp. Bởi tỉnh ta có điều kiện khí hậu, thời tiết luôn diễn biến phức tạp; nguồn thu ngân sách tỉnh cũng như của từng huyện hàng năm rất hạn chế; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nhất là tại khu vực nông thôn vừa manh mún, vừa nhỏ lẻ; các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp còn lạc hậu và chậm đổi mới... Chính vì lẽ đó, khi bộ tiêu chí NTM quốc gia được ban hành, so sánh với từng xã, thì bình quân chung toàn tỉnh chỉ được 3,64 tiêu chí/xã. Điều đó khiến cán bộ các sở, ngành và chính quyền từ xã đến tỉnh không khỏi băn khoăn, lo lắng.
 
Bác Hồ từng dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bên cạnh quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ của cả hệ thống chính trị còn nhờ biết dựa vào dân để phát huy sức mạnh của quần chúng. Có thể nói, 4 năm qua, Nghệ An đã tạo ra được một cuộc “đồng khởi” trong mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện chương trình NTM. Bình quân chung của toàn tỉnh đã đạt 11,3 tiêu chí/xã (cao hơn bình quân chung của cả nước 0,5 tiêu chí/xã). Trong đó có 35/431 xã đạt chuẩn NTM với 19/19 tiêu chí; có 62 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; có 137 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí... Hiện trên địa bàn tỉnh không có một xã nào trắng về tiêu chí.
 
Có được thành tích quan trọng ấy trước hết là nhờ các Ban chỉ đạo từ tỉnh đến xã đã phát huy cao độ sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân để huy động hiệu quả các nội lực hiện có từ trong dân. Thế nhưng, để hoàn thành đúng mục tiêu, kế hoạch và tiến độ đề ra, điều đang khiến nhiều địa phương quan tâm nhất chính là làm sao để thực hiện được tiêu chí số 10 - tiêu chí thu nhập một cách bền vững.
 
Thực hiện được điều này quả thật không hề đơn giản. Cho dù đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành một số việc để làm tiền đề cho việc thực hiện tiêu chí số 10 như: Thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa được 200/431 xã; xây dựng được 28 mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, lạc, ngô...(tăng giá trị thu nhập so với trước từ 10 đến 15%) và 469 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất hiệu quả... Và theo thống kê của Ban chỉ đạo NTM cấp tỉnh thì Nghệ An hiện đã có 259/431 xã báo cáo đã đạt tiêu chí số 10. Để đạt tiêu chí số 10 ví như đối với nông dân TP. Vinh là khá dễ.
 
Theo báo cáo của Hội Nông dân TP. Vinh, hộ nông dân có kinh tế khá chiếm 55,1%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,6%. Nhiều mô hình nông dân làm ăn giỏi, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả như nuôi gà an toàn sinh học, nuôi trồng thủy sản, làng hoa cây cảnh, nhiều hộ sau khi được đền bù đất nông nghiệp đã có điều kiện đầu tư xe tải, mở quán hàng, mở xưởng dịch vụ... từ đó nâng cao thu nhập của người dân. Một nguyên nhân không nói ra nhưng khá quan trọng, nhiều nông dân thành phố được đền bù từ đất nông nghiệp bị thu hồi. Tuy nhiên, không phải nơi đâu cũng có điều kiện như ở TP. Vinh và bởi vậy, tiêu chí thu nhập vẫn chưa thật sự bền vững đối với nhiều xã. Việc duy trì mức thu nhập ấy cho bà con (mức chung là 26 triệu đồng) là không đơn giản.
 
Ai cũng biết, muốn duy trì bền vững mức thu nhập gấp 1,2 lần so với mức bình quân chung của khu vực nông thôn, thì điều hiển nhiên là mỗi xã phải dựa vào nguồn thu nội tại thường xuyên của xã mình. Nghĩa là nguồn thu phải xuất phát từ việc phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp tại địa phương. Đơn vị nào đang “vay mượn” nguồn thu (từ nguồn xuất khẩu lao động hoặc con em đi làm ăn xa gửi về...) để hoàn thành bài toán thu nhập thì thiếu bền vững. 
 
Trên thực tế, nhiều xã hình thành khu công nghiệp để thu hút đầu tư nhằm cơ cấu lại lực lượng lao động hiện có, nhưng cũng không lôi kéo được các nhà đầu tư lớn và có tiềm năng; lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng không có những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, chủ yếu đang “lấy công làm lãi” nên thu nhập trên từng đơn vị sản xuất cũng không đáng bao nhiêu; bản thân các HTX dịch vụ đang thiếu năng động, hoặc chỉ làm trung gian nên nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thành công phần lớn đã phải “chết yểu” vì thiếu nguồn hỗ trợ.
 
Các địa phương bởi vậy cần xây dựng nhiều hơn mô hình sản xuất công nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, sử dụng tốt hơn lực lượng lao động của địa phương mình, hướng tới phát triển bền vững hơn.
 
Võ Thanh Mai