(Baonghean) - Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của ngày làm việc thứ 15, kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII “nóng sực” lên vì những chất vấn gay gắt, đầy bức xúc của các đại biểu về vấn đề sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản giúp nông dân. Việc này không có gì lạ vì đã có nhiều dấu hiệu báo trước là sẽ có chuyện đó.
 
Thế nên, cái sự “nóng sực” đó chỉ là “nóng cục bộ”, “nóng muộn” mà thôi. Vì chủ đề đó đã quá cũ và đã quá nóng. Mà đỉnh điểm của cơn nóng đó là người ta tự phát lời kêu gọi, tự rủ nhau, kết nối với nhau trên mạng tìm cách tiêu thụ nông sản giúp nông dân mà ngó lơ, bỏ qua vai trò của cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong lĩnh vực này. Ngó lơ, bỏ qua cũng đồng nghĩa là không tín nhiệm, không tin tưởng. Vì đã nói nhiều, nói mãi, nói thường xuyên mà vẫn không có một sự chuyển biến tích cực nào, dù nhỏ. Cho nên, cái sự bức xúc của các đại biểu cũng là bức xúc muộn màng.
 
Nội dung của bức xúc cũng cũ kỹ như vậy. Nghĩa là chỉ hỏi, chỉ nêu vấn đề theo kiểu “Why?” nghĩa là tại sao? Như là “Tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua đã làm được gì?" Tại sao cho đến nay, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chủ yếu theo kiểu "cầu may", cạnh tranh bằng giá rẻ và luôn nơm nớp liệu có bị ép giá hay không? Rồi “Tôi rất muốn nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có ai có thể trả lời câu hỏi làm sao để đưa nông sản Việt Nam vào các nước Nga, Kazakhstan, Belarus hay Hàn Quốc”.
 
Hoặc là "Vì sao tiêu thụ nông sản ế ẩm đến vậy, sản xuất nhiều nhưng khó thị trường tiêu thụ. Lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, rồi đến dưa hấu... Cần có những giải pháp như thế nào để tăng cường hàng xuất khẩu, hợp tác mạnh mẽ với những nước có công nghệ cao như Nhật, Isarel...  Tôi rất đau lòng khi nhìn tình trạng này kéo dài nhiều năm nay". Vâng, các đại biểu cứ việc đau lòng, còn nông dân, chắc là đã đau lòng nhiều rồi, nhiều tới mức quen rồi không thấy đau nữa mà chỉ lẳng lặng tự tìm cách khắc phục mà kêu gọi nhờ vả như thời gian qua cũng là một cách tự lo. Cái mà nông dân hiện đang rất cần là không phải phản ánh rồi hỏi nhau tại sao mà cần được trả lời một cách rõ ràng là giải quyết vấn đề đó là như thế nào?
 
Mà muốn trả lời được câu hỏi phải giải quyết vấn đề đó như thế nào thì lại phải trả lời cho thật rành rẽ, chính xác nguồn gốc dẫn đến tình trạng buộc các đại biểu của dân phải đặt ra câu hỏi tại sao nhiều đến như vậy. Thật ra, một phần của nguyên nhân đã được các đại biểu chỉ ra như là các giải pháp kinh tế được Chính phủ đề ra nhưng nặng yếu tố vĩ mô, chưa thấy giải pháp thiết thực mang tính thuyết phục. Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành đã xây dựng nhiều đề án khắc phục nhưng vẫn loay hoay nên nông dân trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải lo giá cả tiêu thụ. Và vấn đề nông nghiệp đặt ra nhiều tại các kỳ họp nhưng sự vào cuộc của các ngành chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có mấy hiệu quả dẫn đến người nông dân dù vất vả, cực nhọc đến mấy vẫn chỉ biết là may nhờ, rủi chịu. Không tự quyết định được gì hết.
 
Những lập luận, lý giải đó rất đúng, nhưng xem ra là chưa trúng. Vì lẽ, các chủ trương, giải pháp cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ để giải quyết đầu ra cho nông sản đã có nhiều rồi. Có điều, việc triển khai những chủ trương, giải pháp, cơ chế đó ra thực tế đã không được quan tâm thực hiện đến nơi, đến chốn. Còn vì sao lại không được quan tâm thực hiện đến nơi, đến chốn thì cũng không quá khó để trả lời. Trước hết, đầu tư cho nông nghiệp không nhanh có lãi và lãi nhiều như đầu tư phát triển công nghiệp. Độ rủi ro lại cao cho nên không mấy doanh nghiệp mặn mà với lĩnh vực này.
 
Doanh nghiệp đã không mặn mà thì các cơ quan nhà nước và những người có chức trách, nhiệm vụ đối với lĩnh vực này cũng không mặn mà gì. Vì đến với doanh nghiệp còn có đồng ra, đồng vào nhờ “hoa hồng” chạy dự án hay thù lao tháo gỡ vướng mắc các thủ tục hành chính. Còn đến với nông dân, ngoài cái tình ra thì chẳng có cái gì cả. Thế nên, ở đâu có dự án công nghiệp là ở đó các vị chức sắc cho đến cán bộ thừa hành đều phấn khởi ra mặt. Đi kèm theo đó là một loạt chủ trương, chính sách ưu tiên, ưu đãi đủ bề.
 
Các sở, ngành, phòng, ban xúm vào cùng lo toan, giải quyết, gỡ khó khi doanh nghiệp đụng sự. Còn nông dân khi dưa hấu nứt há mồm ngoài ruộng hay su hào, bắp cải đem cho bò ăn, cá “lỡ thì, quá lứa” dưới ao vì không bán được có thấy sở, ngành nào xúm vào giải hộ đâu. Tỉnh nào, huyện nào mà chẳng có sở, phòng nông nghiệp, công thương…mà rồi mỗi lúc nông dân khóc có thấy ai lên tiếng hay ra tay giải cứu đâu. Đơn giản là… có được gì đâu mà làm. Có lẽ, đó mới là nguyên nhân cơ bản, chính yếu, cốt lõi dẫn tới thực trạng, như lời một đại biểu Quốc hội nói tại hội trường rằng "Điệp khúc này đã tồn tại nhiều năm nhưng không có giải pháp khắc phục”. Cũng phải thôi, một khi người ta không quan tâm vì không thấy mình có lợi lộc gì ở chỗ đó thì có giải pháp hay không có giải pháp thì cũng như nhau thôi.
 
Đó là một thực tế mà các đại biểu, chắc cũng biết nhưng không tiện nói ra ở chốn nghị trường nên chỉ bức xúc với những câu hỏi theo kiểu tại sao thôi. Còn trong thâm tâm có lẽ cũng biết cả. Vì lẽ, cách đây cả trăm năm cụ Nguyễn Khuyến đã từng than thở “Thớt có tanh tao ruồi đậu đến/Ang không mật mỡ kiến bò chi/Đời nay những trọng người nhiều của/Bằng đến tay không ai kẻ vì”. Nông nghiệp, nông dân gặp khó vì đang là cái “Ang không mật mỡ…”.
 
Bụt Sơn